Các nguồn xã hội hóa 'tiếp sức' cho giáo dục Điện Biên
Những năm qua, với sự đầu tư, bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước, công tác giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) ở Điện Biên không ngừng phát triển, điểm trường đến từng thôn bản xa xôi, đổi mới căn bản và toàn diện... Nhưng với đặc thù vùng cao, biên giới vô vàn khó khăn, nhu cầu đầu tư cho giáo dục, nhất là cơ sở vật chất tại địa bàn tỉnh ta luôn cần nhiều hơn nữa.
Đó có thể là tài trợ kinh phí, xây dựng công trình giáo dục từ các tổ chức, cá nhân, đơn vị; là sẵn sàng hiến mảnh đất xây trường; hay công sức chung tay sửa sang, cải tạo, làm đồ dùng, dụng cụ học tập... Đó còn là rất nhiều những suất học bổng, suất quà, xe đạp, cặp sách, quần áo... hàng năm được trao tay học sinh các trường, giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn đủ điều kiện tới trường.
Tại huyện biên giới Mường Nhé, những ngôi trường còn “thiếu trước, hụt sau” vì vậy việc xã hội hóa giáo dục là vô cùng cần thiết.
Những năm học trước đây tại Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải số 2. Những ngày nóng bức, hàng trăm học sinh phải chen chúc trong dãy phòng nội trú quây tôn, chật hẹp; hôm mưa gió, sách vở, quần áo, chăn màn của học sinh ướt sũng. Nhưng năm học tới đây sẽ khác! Hiện nhà trường đang được đầu tư xây dựng mới lại hoàn toàn, với quy mô 3 dãy nhà lớp học 2 tầng; dãy nhà hiệu bộ 2 tầng; khu nội trú cho học sinh với 14 phòng… Để có được ngôi trường mới khang trang, có công rất lớn của gia đình anh Lỳ Hồng Sơn, bản Nậm Sin, đã tự nguyện hiến 3.640m2 đất nương để xây trường.
Được biết gia đình anh Sơn sống phụ thuộc vào canh tác trên nương, lại có 2 con đang tuổi ăn tuổi học. Căn nhà nhỏ của vợ chồng anh chỉ chừng vài chục mét vuông, nằm liền kề với khu nhà nội trú cho học sinh đang được xây dựng. Hơn nửa năm qua, mỗi sáng đứng từ hiên nhà nhìn sang, anh Sơn không khỏi phấn khởi nghĩ đến ngày học sinh được về ở trong căn phòng mới. Anh Sơn kể: “Thầy giáo xuống vận động, tôi nghe thấy đúng, thấy phải nên chủ động hiến đất xây trường. Với mong muốn con em trong xã sẽ có trường đẹp, phòng đẹp để học tập tốt”. Từ một phần đất gia đình anh hiến, công trình mới đang dần hoàn thành. Dự kiến, cuối tháng 7 sẽ khánh thành và bàn giao.
Tại TP. Điện Biên Phủ, trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh cũng cần những nguồn xã hội hóa như thế, góp phần thúc đẩy phát triển giáo dục. Bằng nhiều hình thức vận động, thu hút, đặc biệt cùng với sự quan tâm của tỉnh, thành phố đã nhận được sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp. Như TP. Hà Nội tài trợ xây dựng Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ với tổng kinh phí trên 70 tỷ đồng; Công ty Him Lam đầu tư xây dựng sửa chữa nâng cấp các hạng mục Trường THCS Him Lam trên 26 tỷ đồng; dự án Nuôi em hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú (không được hưởng chế độ theo Nghị định 116) các trường thuộc xã khó khăn gần 3 tỷ đồng/năm... Các đơn vị trường học làm tốt công tác huy động các nguồn tài trợ của phụ huynh, hỗ trợ các hoạt động giáo dục và tăng cường cải tạo cảnh quan trường lớp với tổng số tiền khoảng 6 tỷ đồng/năm.
Ông Đào Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ chia sẻ: “Từ năm 2020, khi các trường của 4 xã từ huyện Điện Biên sáp nhập về thành phố, bằng nhiều nguồn lực, thành phố đã tập trung đầu tư cho các địa bàn này. Để nhanh chóng cân bằng về điều kiện, đảm bảo các trường vùng ngoài không quá chênh lệch với trường trung tâm. Đến thời điểm này, 100% các đơn vị trường học của thành phố đều đã được sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới. Trong đó chủ yếu là bổ sung hệ thống phòng học, phòng chức năng, nhà ban giám hiệu, khu nội trú, nhà đa năng, các hạng mục phụ trợ, trang thiết bị đồ dùng học tập... Chính vì thế sự nghiệp GD&ĐT TP. Điện Biên Phủ đã có nhiều chuyển biến tích cực”.
Trên cơ sở các chính sách khuyến khích xã hội hóa của Chính phủ, tỉnh ta đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết về giáo dục trong đó có nội dung thực hiện huy động các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước đầu tư phát triển GD&ĐT. Theo thống kê, trong 10 năm (2013 - 2023), tỉnh ta đã huy động được tổng quy đổi thành tiền là 249 tỷ đồng cho đầu tư cơ sở trường, lớp học, ủng hộ bằng vật chất hoặc kinh phí hỗ trợ học sinh, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn... Với sự tiếp sức quý báu đó, có thể thấy rõ giáo dục vùng cao Điện Biên đã và đang đi lên từng ngày.