Các nguyên tắc thuế quốc tế cơ bản và hàm ý đối với Việt Nam
Nắm bắt được bản chất của nguyên tắc thuế quốc tế sẽ giúp các quốc gia, nhất là Việt Nam hạn chế các tác động tiêu cực từ việc đánh thuế trùng, hoặc giảm thiểu tối đa việc đánh thuế trùng.
Bài viết nghiên cứu một số nguyên tắc thuế quốc tế cơ bản, từ đó gợi ý những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong thực tiễn triển khai các cam kết thuế quốc tế.
Một số nguyên tắc thuế quốc tế cơ bản
Theo từ điển thuật ngữ thuế quốc tế, “thuế quốc tế bao gồm các quy định pháp lý của nội luật xử lý đối với thu nhập có nguồn nước ngoài của đối tượng cư trú và thu nhập có nguồn trong nước của đối tượng không cư trú, các quy định của nội luật và Hiệp định thuế, kể cả các nguyên tắc quốc tế để chống lại việc tránh thuế và trốn thuế quốc tế...”.
Trong quan hệ thuế quốc tế, việc thực hiện đặc quyền thu thuế được tất cả các nước trên thế giới thừa nhận và gọi là thu thuế theo: (i) Nguyên tắc nguồn, (ii) Nguyên tắc cư trú, (iii) Nguyên tắc kết hợp nguồn và cư trú, cụ thể:
Nguyên tắc nguồn: Tất cả các quốc gia trên thế giới đều áp dụng nguyên tắc này trong thực hiện đặc quyền thu thuế của mình đối với thu nhập. Nguyên tắc này giúp các nước hạn chế tối đa những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý nguồn thu nhập phát sinh ở nước ngoài của các đối tượng cư trú và công dân của họ.
Nguyên tắc cư trú: Thu thuế thu nhập theo nguyên tắc này đảm bảo cho các nước thu được thuế đối với thu nhập phát sinh trên toàn thế giới (thu nhập toàn cầu) của các đối tượng cư trú của mình. Nghĩa là một đối tượng cư trú của một nước có nghĩa vụ nộp thuế cho nước nơi mình cư trú (nước cư trú) đối với thu nhập phát sinh không chỉ từ bản thân nước đó, mà còn cả thu nhập phát sinh ngoài phạm vi lãnh thổ nước đó.
Nhìn chung, các nước trên thế giới đã áp dụng nguyên tắc cư trú khi thực hiện đặc quyền thu thuế thu nhập chỉ đối với những đối tượng được coi là “đối tượng cư trú” của nước đó. Luật thuế của mỗi nước, dù quy định không giống nhau về đối tượng cư trú nhưng đều chia đối tượng cư trú thành hai loại là: cá nhân (hay thể nhân) và pháp nhân. Việc xác định một đối tượng có phải là đối tượng cư trú của một nước hay không đều dựa trên các tiêu thức có tính chất tương đối phổ biến.
Đối với cá nhân, việc xác định cư trú dựa trên tiêu thức sau: Hiện trạng - hành động thực tế. Theo đó, một cá nhân được coi là cư trú tại một nước khi hiện diện ít nhất 183 ngày tại nước đó trong một năm tài chính và sẽ được coi là đối tượng cư trú trong năm tài chính đó.
Đối với pháp nhân, việc xác định cư trú thường được dựa trên 2 tiêu thức là địa điểm đăng ký kinh doanh và địa điểm quản lý:
(i) Tiêu thức địa điểm kinh doanh được coi là có tính chắc chắn hơn cho cả Chính phủ và người nộp thuế, do vậy, áp dụng tiêu thức này sẽ hạn chế tình trạng các công ty thay đổi địa điểm đăng ký kinh doanh chỉ vì mục đích thuế.
(ii) Đối với tiêu thức địa điểm quản lý, do mang tính không chắc chắn nên trong thực tế, khi dựa vào nguyên tắc này các nước thường phải sử dụng các tiêu thức cụ thể hơn. Do vậy, tiêu thức này thường được các nước áp dụng để xác định tình trạng cư trú của các tổ chức không phải công ty (các liên danh, liên kết).
Ngoài tiêu thức cư trú, một số nước khác như: Hoa Kỳ, Mexico, Bungari... thực hiện đặc quyền thu thuế thu nhập không chỉ đối với các đối tượng cư trú, mà còn thu thuế đối với cả người mang quốc tịch (dù không cư trú) của nước đó.
Nhìn chung, thu thuế theo nguyên tắc cư trú (và công dân) đảm bảo cho các nước thu được thuế trên thu nhập toàn cầu của các đối tượng cư trú (và các công dân) của mình.
Nguyên tắc kết hợp nguồn và cư trú: Thu thuế theo nguyên tắc này đảm bảo cho một nước có thể thu thuế đối với mọi thu nhập phát sinh từ nước đó; đồng thời, đảm bảo nước đó thu được thuế đối với thu nhập phát sinh hoặc có nguồn phát sinh từ nước ngoài, nếu thu nhập đó thuộc về đối tượng cư trú hoặc người mang quốc tịch của nước đó.
Việc các nước đồng thời triển khai đặc quyền thu thuế trên cơ sở các nguyên tắc nêu trên đối với thu nhập đã dẫn đến tình trạng thu trùng thuế giữa các nước. Ví dụ, một đối tượng cư trú X ở nước A (nước cư trú) có thu nhập từ nước B (nước nguồn). Về nguyên tắc, cả hai nước đều có quyền đánh thuế đối với thu nhập đó, nước A có quyền thu thuế đối với thu nhập đó, vì X là đối tượng cư trú tại nước đó (nguyên tắc cư trú), trong khi đó, nước B sẽ đòi hỏi quyền thu thuế đối với thu nhập đó, vì thu nhập này có nguốn phát sinh từ nước B (nguyên tắc nguồn).
Ngoài ra, do bản thân nội luật của mỗi nước có các định nghĩa riêng về đối tượng cư trú, nguồn phát sinh của thu nhập, điều này dẫn đến việc thu thuế trùng giữa các nước đối với một khoản thu nhập hoặc một người nộp thuế.
Tình trạng thu thuế trùng, một mặt tạo ra rào cản rất lớn cho các luồng luân chuyển vốn, công nghệ và lao động qua biên giới giữa các nước - xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay; mặt khác, cũng vi phạm nguyên tắc truyền thống của một hệ thống thuế tiến bộ - nguyên tắc công bằng.
Trong thực tế, một số ít nước, nhất là các nước và vùng lãnh thổ nhỏ, đã cố tình tạo ra tình trạng không thu đủ thuế để theo đuổi các lợi ích chính sách riêng của mình (đối với các nước được mệnh danh là “thiên đường thuế”). Các nước này có thể thu được một số thuế từ những người nộp thuế nước ngoài, nhưng số thu đó là một phần rất nhỏ so với tổng số thu về thuế mà các nước khác bị mất đi. Chính vì vậy, luật thuế của nhiều nước phải đưa ra rất nhiều quy định để ngăn chặn tình trạng “ăn mày hàng xóm” của các nước "thiên đường thuế".
Hàm ý chính sách cho Việt Nam
Hiện nay, các nước đang phát triển, bao gồm cả Việt Nam đã và đang tăng cường các giải pháp để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể như: Đưa ra các ưu đãi miễn, giảm thuế nói chung và thuế thu nhập nói riêng để giảm nhẹ gánh nặng thuế nhà đầu tư.
Đối với thuế thu nhập, các nước đang phát triển thường áp dụng các biện pháp như: Miễn hoặc thu với mức thuế suất thấp đối với một số loại thu nhập nhất định; Mở rộng và tăng số chi phí kinh doanh được giảm trừ nhằm thúc đẩy xuất khẩu; Miễn thuế đối với thu nhập từ hoạt động xuất khẩu; Giảm thuế khấu trừ tại nguồn đối với tiền lãi cổ phần và lãi tiền cho vay...
Tuy nhiên, các biện pháp trên chỉ thực sự có lợi cho nhà đầu tư nước ngoài khi bản thân nước của nhà đầu tư (nước đầu tư) cho phép miễn thuế đối với thu nhập có nguồn từ nước ngoài, hoặc chấp nhận khấu trừ vào số thuế sẽ phải nộp trong nước số thuế đã nộp ở nước nhận đầu tư.
Nếu các quy định như vậy không có tại nội luật của nước đầu tư thì các lợi ích từ việc miễn, giảm thuế của nước nhận đầu tư sẽ đơn giản được chuyển vào kho bạc của nước đầu tư để tăng nguồn thu ngân sách cho nước này.
Như vậy, suy cho cùng các nhà đầu tư vẫn phải thanh toán đủ số thuế phát sinh từ lợi nhuận thu được, có khác thì là phần nhiều hơn trong số thuế đó sẽ được chuyển vào ngân sách của nước đầu tư. Kết quả là phương thức đơn phương xóa bỏ hoặc giảm nhẹ đánh thuế trùng luôn là sự hy sinh của nước nhận đầu tư, thông thường là nước đang phát triển.
Để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực từ việc đánh thuế trùng quốc tế, các nước nói chung và Việt Nam nói riêng không còn cách nào khác là phải tìm cách loại trừ hoặc giảm bớt việc đánh thuế trùng. Dĩ nhiên, mức độ loại trừ hoặc giảm bớt còn phụ thuộc vào chính sách kinh tế, tài chính và đầu tư của mỗi nước.
Việc loại trừ hoặc giảm bớt việc đánh thuế trùng có thể được thực hiện bằng các phương thức khác nhau (đơn phương hoặc thông qua các hiệp định thuế song phương, đa phương) và các biện pháp khác nhau (miễn thuế, khấu trừ thuế, khấu trừ chi phí, khoán thuế...), cụ thể:
Phương thức tránh đánh thuế trùng
Phương thức đơn phương: Là phương thức trong đó bản thân mỗi nước tự đưa ra các quy định hoặc các biện pháp (tại nội luật của mình) loại trừ hoặc giảm bớt việc đánh thuế trùng. Tuy nhiên, phương thức này chỉ có thể mang lại tác dụng thực tế khi có sự hợp tác hoặc sự đồng nhất về nguyên tắc giữa các nước.
Phương thức song phương (hoặc đa phương): Là phương thức loại trừ hoặc giảm bớt việc đánh thuế trùng trên cơ sở các hiệp định tránh đánh thuế trùng được ký kết giữa hai hoặc nhiều nước. Các hiệp định thuế song phương (hoặc đa phương) về tránh đánh thuế trùng và chống trốn lậu thuế được coi như một công cụ thay thế hữu hiệu, thậm chí duy nhất, trong việc loại trừ ảnh hưởng tiêu cực của việc đánh thuế trùng.
Đến nay, các nước và vùng lãnh thổ đã ký kết với nhau được hơn 3.000 hiệp định thuế song phương. Với hiệp định thuế đa phương, đến ngày 29/9/2020, có 94 nước và vùng lãnh thổ đã ký kết và 4 nước bày tỏ sự quan tâm tham gia ký hiệp định thuế đa phương.
Là thành viên thứ 100 của Diễn đàn Chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS), từ năm 2017, Việt Nam cam kết thực hiện 15 hành động BEPS, trong đó ít nhất phải thực hiện 4 tiêu chuẩn tối thiểu mà tất cả các nước thành viên phải cam kết. Trong 15 hành động của diễn đàn BEPS, nội dung thứ 15 là tiến hành ký kết Hiệp định thuế đa phương thực hiện các biện pháp BEPS.
Đối với Việt Nam, việc tham gia ký kết hiệp định thuế đa phương là biện pháp nhanh chóng, nhất quán sửa đổi toàn bộ các hiệp định thuế hiện hành mà không cần đàm phán song phương lại từng hiệp định đã ký kết (đến ngày 28/10/2020, Việt Nam đã ký kết 80 hiệp định thuế song phương). Việc tham gia hiệp định thuế đa phương thể hiện Việt Nam sẵn sàng thực hiện các cam kết quốc tế, các tiêu chuẩn tối thiểu về ban hành quy định chống lạm dụng hiệp định thuế và nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp hiệp định.
Biện pháp tránh đánh thuế trùng
Biện pháp miễn thuế: Đây là biện pháp mà các nước - nơi nhà đầu tư cư trú có thể đơn phương miễn thuế đối với một số loại thu nhập có nguồn nước ngoài nhất định (miễn thuế toàn bộ). Tuy nhiên, trong trường hợp nước cư trú áp dụng thuế suất thuế thu nhập lũy tiến, nước này có thể tính thu nhập có nguồn nước ngoài này vào tổng thu nhập chịu thuế để xác định thuế suất (miễn thuế lũy tiến).
Biện pháp khấu trừ thuế: là biện pháp mà nước cư trú của nhà đầu tư (nước cư trú) sẽ xử lý số thuế đã (hoặc sẽ phải) nộp ở nước ngoài như là thuế đã (hoặc sẽ được) thanh toán tại nước đó. Khi thực hiện biện pháp khấu trừ thuế, các nước có thể: (i) Cho phép khấu trừ toàn bộ số thuế đã nộp tại nước khác đối với số thu nhập có thể bị đánh thuế tại nước cư trú; hoặc (ii) Số thuế được khấu trừ tại nước cư trú cho số thuế đã nộp tại nước khác được giới hạn trong tổng số thuế mà nước cư trú (theo nội luật của mình) có thể thu được trên tổng số thu nhập có nguồn nước ngoài đó.
Biện pháp trừ chi phí: là biện pháp mà một số ít các nước coi số thuế đã nộp tại nước ngoài của các đối tượng cư trú của họ như một khoản chi phí được phép trừ khỏi tổng thu nhập khi xác định thu nhập chịu thuế.
Biện pháp khoán thuế: Số thuế khoán là số thuế lẽ ra đối tượng cư trú của một nước phải nộp tại nước nguồn trên khoản thu nhập phát sinh tại nước nguồn, nhưng theo quy định tại luật của nước nguồn, thu nhập đó được miễn hoặc giảm như một biện pháp ưu đãi đặc biệt. Số tiền thuế khoán sẽ được khấu trừ vào số thuế phải nộp tại nước cư trú. Biện pháp này thường được các nước đang phát triển áp dụng để thu hút đầu tư nước ngoài.
Với vị thế của một nước đang phát triển, Việt Nam tham gia diễn đàn BEPS nhằm cập nhật các nguyên tắc mới về thuế quốc tế để ngăn chặn các hành vi lạm dụng, trốn tránh thuế; đồng thời, đưa hệ thống chính sách, quản lý thuế của Việt Nam tiếp cận các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài chính (2013), “Hướng dẫn Hiệp định tránh đánh thuế hai lần”;
2. Paul Vandenberg and Alan Myrold (2015), “Exchanging Information to Combat Tax Evasion”, Asian Development Bank Institute;
3. OECD (2013), Action Plan on Base Erosion and Profit Shifting, OECD Publishing;
4. OECD (2015), International Taxation and Global Forum, OECD Publishing;
5. Các website: www.gdt.gov.vn; https://www.ibfd.org/; www.oecd.org.