Các nhà buôn vũ khí Mỹ đang kiếm lời từ các 'mối đe dọa'

Mọi người luôn nói 'không có người chiến thắng trong chiến tranh'. Nhưng đối với những gã khổng lồ công nghiệp-quân sự của Mỹ, chiến tranh là cơ hội tuyệt vời để kiếm lợi nhuận khổng lồ và đẩy giá cổ phiếu của họ lên cao.

Lợi nhuận khổng lồ

Một số người lưu ý rằng xung đột quân sự hoặc căng thẳng địa chính trị đã trở thành cỗ máy in tiền cho những nhà thầu vũ khí của Mỹ. Theo báo cáo của giới truyền thông Mỹ, ông James Taiclet, giám đốc điều hành tập đoàn công nghiệp-quân sự khổng lồ của Mỹ Lockheed Martin, cho biết vào tháng 1 rằng sự cạnh tranh giữa các cường quốc sẽ dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong ngân sách quốc phòng và mang lại nhiều hoạt động kinh doanh hơn cho công ty.

Hai máy bay F-35 Lighning II của Mỹ. Ảnh: AP

Bài liên quan

Phương Tây bắt đầu gửi nhiều vũ khí tấn công hạng nặng hơn cho Ukraine

Các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga khiến đồng đô la Mỹ trở nên "vũ khí hóa"

Điện Kremlin: Nga sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu sự tồn tại bị đe dọa

Bên trong bãi phế liệu tái chế vũ khí Nga của lực lượng Ukraine

Ông Gregory Hayes, giám đốc điều hành của Raytheon Technologies, nói với các nhà đầu tư rằng căng thẳng ở Đông Âu đã cho công ty những cơ hội kinh doanh mới.

Theo báo chí đưa tin, cổ phiếu của các công ty quân sự lớn của Mỹ đã tăng đáng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Cho đến nay, cổ phiếu của Lockheed Martin đã tăng khoảng 25%, trong khi cổ phiếu của Raytheon đã tăng 16,4% trong quý 1. Tương tự, cổ phiếu của Northrop Grumman và General Dynamics cũng tăng vọt.

Ngay sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, Mỹ tuyên bố sẽ viện trợ quân sự tổng trị giá 350 triệu USD cho Ukraine. Tổng thống Joe Biden đã viện trợ cho Ukraine các thiết bị quân sự bổ sung trị giá 200 triệu USD vào ngày 12/3 và thêm 800 triệu USD vũ khí nữa vào ngày 16/3.

Các khoản viện trợ sẽ đến từ một dự luật chi tiêu được ông Biden ký ban hành vào ngày 11/3, bao gồm 13,6 tỷ USD viện trợ mới cho Ukraine. Theo một báo cáo do Quốc hội Mỹ công bố, kể từ tháng 2, chính quyền ông Biden đã cung cấp tổng cộng 1,35 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine.

Đồng thời, trước tình hình căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, Đức và các nước châu Âu khác đã điều chỉnh chính sách quốc phòng của mình, tạo ra “cơ hội kinh doanh” mới cho các tập đoàn quân sự khổng lồ của Mỹ.

Xung đột Nga-Ukraine chắc chắn sẽ thúc đẩy các nước thành viên NATO tăng cường chi tiêu quốc phòng. Do NATO sử dụng một số lượng lớn vũ khí của Mỹ, nên một phần đáng kể các hợp đồng quốc phòng của các nước thành viên sẽ rơi vào tay các công ty Mỹ.

Một số nhà quan sát lưu ý rằng để đảm bảo nguồn thu nhập ổn định từ các cuộc chiến tranh, các công ty công nghiệp-quân sự của Mỹ đã nỗ lực rất nhiều trong việc vận động chính phủ Mỹ. Một trong những phương tiện chính của họ là tạo ra nhiều “lý thuyết về mối đe dọa”. Và họ cũng là những người khởi xướng “lý thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc”.

Chi tiêu quân sự của Mỹ đã tăng đáng kể trong hai thập kỷ vừa qua, đặc biệt là sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, dẫn đến sự gia tăng buôn bán vũ khí toàn cầu. “Cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” (GWOT) kéo dài 20 năm có mang lại cho người dân Afghanistan, Iraq hoặc Mỹ bất kỳ lợi ích nào không? Đó là câu hỏi mà ít người đặt ra.

Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Afghanistan vào cuối năm 2001, tổng chi tiêu của Lầu Năm Góc đã lên tới hơn 14 nghìn tỷ USD, với một phần ba đến một nửa trong số đó dành cho các nhà thầu quân sự, theo một bài báo được xuất bản bởi Viện Các vấn đề Quốc tế và Công cộng Watson tại Đại học Brown.

Năm nhà cung cấp quân sự lớn của Mỹ, bao gồm Lockheed Martin, Boeing, General Dynamics, Raytheon và Northrop Grumman, đã giành được 25 đến 35% tổng số hợp đồng của Lầu Năm Góc trong những năm gần đây. Chắc chắn các công ty vũ khí là những người hưởng lợi lớn nhất từ việc gia tăng chi tiêu quân sự của Mỹ trong thời kỳ hậu 11/9.

"Những mối đe dọa" có thật không?

Ngoài việc xúi giục chiến tranh và tạo ra căng thẳng địa chính trị, việc tạo ra nhiều “lực lượng chiến lược đối lập” và “lý thuyết về mối đe dọa” là những phương tiện quan trọng để các nhà buôn vũ khí tăng doanh thu của mình. Do đó, Trung Quốc được coi là "mối đe dọa hàng đầu" đối với Mỹ.

Trong báo cáo Chiến lược Quốc phòng Quốc gia năm 2022, Lầu Năm Góc nêu rõ quan ngại về sức mạnh quân sự của Trung Quốc và gọi “sự cạnh tranh giữa các cường quốc” là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh và ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ.

Sau xung đột Nga - Ukraine, các quốc gia không ngừng mua thêm vũ khí quân sự. Ảnh: Internet

Nhưng các đánh giá "mối đe dọa" này không dựa trên những thách thức hiện có, chẳng hạn như khủng bố toàn cầu, Triều Tiên hay Iran, mà là dựa vào một số rủi ro bị phóng đại.

9 trong số 12 thành viên của Ủy ban Chiến lược Quốc phòng Mỹ có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với ngành công nghiệp quốc phòng, theo một báo cáo được công bố bởi Dự án Giám sát Chính phủ (POGO), một cơ quan giám sát độc lập phi đảng phái có trụ sở tại Washington chuyên điều tra tham nhũng và lạm quyền.

Điều này chắc chắn đã có một tác động rất lớn đến việc cân nhắc và kết luận của ủy ban. Ngành công nghiệp vũ khí cũng có sẵn rất nhiều công cụ để tác động đến các quyết định về chi tiêu của Lầu Năm Góc trong tương lai.

Ngành công nghiệp này đã chi 285 triệu USD cho các khoản đóng góp cho chiến dịch bầu cử kể từ năm 2001, đặc biệt tập trung vào các ứng cử viên Tổng thống, lãnh đạo quốc hội, và các thành viên của các dịch vụ vũ trang và các ủy ban ở Hạ viện và Thượng viện.

Đây là những người có nhiều tiếng nói nhất trong việc phê duyệt ngân sách chi tiêu cho các mục đích quân sự, theo một báo cáo được công bố vào tháng 9 năm ngoái của William Hartung, Giám đốc Dự án Vũ khí và An ninh tại Trung tâm Chính sách Quốc tế (CIP), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington.

Ngoài ra, các nhà sản xuất vũ khí Mỹ đã chi 2,5 tỷ USD cho việc vận động hành lang trong hai thập kỷ qua. Cựu lãnh đạo Bộ Tham mưu liên quân, Tướng Joseph Dunford, người từng đề xuất mua chiếc máy bay chiến đấu F-35 của Lockheed Martin, đã gia nhập hội đồng quản trị của công ty chỉ 4 tháng sau khi rời quân ngũ. Cũng có một con số khiến chúng ta phải để ý khác là 4 trong số 5 bộ trưởng quốc phòng Mỹ gần đây đến từ 1 trong 5 nhà thầu vũ khí hàng đầu.

Dưới chính quyền ông Donald Trump, ông James Mattis (thành viên hội đồng quản trị tại General Dynamics), ông Patrick Shanahan (giám đốc điều hành tại Boeing) và ông Mark Esper (người đứng đầu quan hệ chính phủ tại Raytheon) được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng, trong khi Bộ trưởng hiện tại của ông Biden là ông Lloyd Austin, thành viên hội đồng quản trị của Raytheon Technologies.

Vậy câu hỏi được đặt ra cuối cùng là các "mối đe dọa" như từ Trung Quốc chẳng hạn có phải là thật và cấp thiết, hay đó chỉ là một cái cớ khác để các công ty quân sự tăng doanh thu?

Quốc Thiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cac-nha-buon-vu-khi-my-dang-kiem-loi-tu-cac-moi-de-doa-post188485.html