Các nhà đầu tư toàn cầu đổ xô vào trái phiếu ngân hàng Trung Quốc
Các nhà đầu tư thị trường mới nổi đang kỳ vọng rằng đợt tăng giá trên thị trường trái phiếu của Trung Quốc sẽ vẫn tiếp diễn, ngay cả khi các nhà chức trách nước này cảnh báo ngày càng tăng với đợt tăng vọt của giá trái phiếu chính phủ.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cố gắng làm dịu cơn sốt trái phiếu chính phủ dài hạn trong năm nay do các nhà đầu tư trong nước thúc đẩy, dẫn tới lợi suất xuống khoảng 2%, một phản ứng trước nhu cầu tiêu dùng đang chững lại ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài đã cắt giảm lượng nắm giữ trực tiếp trái phiếu chính phủ Trung Quốc trong những tháng gần đây, thay vào đó, họ lại đổ tiền vào các sản phẩm nợ ngắn hạn do các ngân hàng Trung Quốc phát hành và sử dụng giao dịch tiền tệ để thúc đẩy lợi suất chung lên mức cao hơn trái phiếu Kho bạc Mỹ.
"Theo quan điểm vĩ mô, cơ bản, vẫn còn nhiều sự hỗ trợ cho lợi suất giảm xuống…Nền kinh tế có rất ít lạm phát bất kể nhìn nhận thế nào, và điều đó phản ánh nhu cầu trong nước yếu. Lợi suất thực tế của trái phiếu khá hấp dẫn", Mark Evans, nhà phân tích về trái phiếu và tiền tệ châu Á tại công ty quản lý tài sản Ninety One cho biết.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống còn 2,1% và trái phiếu kỳ hạn 30 năm đã đạt 2,3%, vì lo ngại về giảm phát đã đeo bám nền kinh tế Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản.
Trên lý thuyết, lợi suất danh nghĩa thấp hơn nhiều so với trái phiếu Kho bạc Mỹ trong một thị trường vốn vẫn còn đóng cửa phần lớn sẽ ngăn cản người mua nước ngoài. Theo ChinaBond, người nước ngoài sở hữu khoảng 2.200 tỷ nhân dân tệ (300 tỷ USD) trái phiếu chính phủ Trung Quốc, chiếm khoảng 7% tổng số, giảm so với hơn 10% ba năm trước.
Nhưng các sản phẩm nợ trong nước của Trung Quốc vẫn tương đối hấp dẫn đối với các nhà đầu tư bên ngoài, họ cũng có thể kiếm thêm lợi nhuận từ việc hoán đổi đô la Mỹ sang nhân dân tệ.
Theo dữ liệu của Shanghai Clearing House, lượng nắm giữ ở nước ngoài của các chứng chỉ tiền gửi có thể chuyển nhượng này do các ngân hàng Trung Quốc phát hành đã tăng vọt lên hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ tính đến cuối tháng 7, so với khoảng 260 tỷ nhân dân tệ một năm trước.
Sabrina Jacobs, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại Pictet Asset Management cho biết: "Khi thực hiện giao dịch kỳ hạn để phòng ngừa rủi ro, thì đó là mức tăng lợi nhuận khá hấp dẫn…Điều đó đưa bạn vào lợi nhuận 6% tính theo đô la Mỹ, đối với một loại tài sản không tương quan nhiều với thị trường Mỹ”.
Theo các nhà phân tích tại Citic Securities, lợi suất cao hơn một chút và thời hạn đáo hạn ngắn hơn đối với các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi của ngân hàng đã khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn đối với các hợp đồng hoán đổi này. Trong năm qua, khoản nợ này đã chiếm khoảng 2/3 lượng mua ròng trái phiếu Trung Quốc của người nước ngoài, trong khi đó, họ đã cắt giảm trái phiếu chính phủ xuống còn khoảng một nửa tổng lượng nắm giữ.
PBOC cho biết, họ đã chuẩn bị can thiệp vào thị trường trái phiếu chính phủ lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ để ngăn chặn sự sụt giảm mạnh về lợi suất dài hạn do lo ngại rằng sự phục hồi cuối cùng có thể gây ra tổn thất theo kiểu Silicon Valley Bank (SVB) trong hệ thống tài chính.
"Các nhà chức trách không thích kỳ vọng một chiều và họ không thích tâm lý đám đông, do rủi ro về sự ổn định tài chính", nhà phân tích Mark Evans cho biết.
Nhưng một số nhà đầu tư quốc tế cho biết các bình luận và sự can thiệp tiềm tàng của ngân hàng trung ương dường như nhằm mục đích đảm bảo lợi suất trái phiếu dài hạn không giảm quá nhiều so với lãi suất ngắn hạn, thay vì kìm hãm toàn bộ thị trường.
“PBOC tập trung vào việc ngăn chặn "sự mất cân đối tài sản nợ" ở các ngân hàng nhỏ hơn, những tổ chức đang mua trái phiếu dài hạn để tích trữ tiền từ dòng tiền gửi khi các hộ gia đình tiết kiệm thay vì chi tiêu hoặc đầu tư vào bất động sản”, Liam Spillane, giám đốc bộ phận nợ thị trường mới nổi tại Aviva Investors cho biết.
"Ngân hàng trung ương đang rất minh bạch trong mong muốn cố gắng tạo ra thêm một chút rủi ro và biến động hai chiều trong đường cong… Chúng tôi không nghĩ rằng họ đang cố gắng đẩy lợi suất lên cao hơn", ông cho biết.
Dòng vốn nước ngoài chảy ra khỏi trái phiếu chính phủ Trung Quốc diễn ra bất chấp các cải cách trong những năm gần đây giúp các nhà đầu tư bên ngoài dễ dàng mua các tài sản như vậy hơn.
Trung Quốc cũng đã được chấp nhận vào các chuẩn mực toàn cầu đối với trái phiếu thị trường mới nổi bằng đồng nội tệ, mặc dù vẫn có tỷ trọng tương đối nhỏ so với thị phần của mình trong các chỉ số chứng khoán thế giới.
Malcolm Dorson, Giám đốc chiến lược thị trường mới nổi tại Global X ETFs cho biết: "Không giống như cổ phiếu với mức độ tiếp xúc là hơn 20%, Trung Quốc không tác động đến các nhà đầu tư thu nhập cố định tại các thị trường mới nổi… Hiện tại, không có nhiều bất lợi khi từ bỏ trái phiếu Trung Quốc”.
Nhưng vì trái phiếu chính phủ Trung Quốc đã giao dịch không đồng bộ với các thị trường trái phiếu toàn cầu khác trong những năm gần đây nên chúng đã mang lại lợi nhuận khá, dù là bằng đồng nhân dân tệ hay được phòng ngừa bằng các loại tiền tệ khác.
Cuối cùng, các nhà đầu tư đang kỳ vọng các ngân hàng Trung Quốc và các nhà đầu tư trong nước khác sẽ tiếp tục phải mua trái phiếu chính phủ thay vì cho vay đối với nền kinh tế đang chậm lại với rất ít biện pháp trong tương lai để thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng.
Đặc biệt, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc gần đây đã từ chối đề xuất của IMF về một kế hoạch trị giá hàng nghìn tỷ đô la để giảm bớt tổn thất của hộ gia đình đối với bất động sản thông qua việc chính phủ mua lại các kho nhà ở chưa hoàn thiện đã bán trước.
Nhà phân tích Evans cho biết, một sự thay đổi lộ trình mạnh mẽ cũng khó có thể xảy ra khi các mục tiêu tăng trưởng chính thức vẫn đang được đáp ứng. "Nếu GDP tăng trưởng ở mức 3,5% thay vì 4,5% hoặc 5% như hiện tại, có lẽ họ sẽ lo lắng hơn một chút".