Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc bất đồng về cách giải quyết khủng hoảng bất động sản
Các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đang bất đồng về chiến dịch chỉnh đốn lĩnh vực bất động sản và điều này cho thấy Bắc Kinh đang đứng trước các sự lựa chọn khó khăn trong nỗ lực củng cố động lực tăng trưởng kinh tế.
Máy đào làm việc tại công trường xây dựng của một dự án chung cư tại Thượng Hải. Thị trường bất động sản Trung Quốc rơi vào cơn suy thoái kể từ khi Tập đoàn Evergrande, nhà phát triển bất động sản vay nợ lớn nhất Trung Quốc, chìm sâu vào cuộc khủng hoảng thanh khoản hồi năm ngoái. Ảnh: Reuters
Các phó thủ tướng chia rẽ về chính sách đối với bất động sản
Financial Times dẫn lời các cố vấn chính sách Trung Quốc cho biết các nhà quản lý thuộc nhóm do Phó thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu lo ngại chính phủ đang đánh giá thấp tác động kinh tế của chiến dịch chấn chỉnh thị trường nhà đất cũng như các lệnh phong tỏa kiểm soát dịch bệnh Covid-19 ở Thượng Hải và các thành phố khác.
Tuy nhiên, các quan chức cấp cao khác phản đối các nỗ lực của ông Lưu Hạc nhằm nới lỏng sức ép đối với thị trường bất động sản.
Các bất đồng chính sách trong nội bộ chính phủ Trung Quốc cho thấy giới lãnh đạo nước này đang đối mặt các sự lựa chọn khó khăn khi tìm cách vực dậy động lực tăng trưởng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng đồng thời vẫn theo đuổi chiến lược “zero Covid” nghiêm ngặt cũng như gia tăng kiểm soát các nhà phát triển bất động sản vay nợ lớn.
GDP của Trung Quốc tăng 4,8% trong quí 1 nhưng mức giảm 3,5% ở doanh số bán lẻ trong tháng 3 cho thấy các biện pháp chống dịch đang kìm hãm nền kinh tế vốn đang chịu tổn thương vì những bất ổn trên thị trường bất động sản.
Hôm 26-4, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi tăng tốc đầu tư trong một loạt lĩnh vực hạ tầng trọng yếu. Ông Lưu Hạc, cố vấn kinh tế và tài chính lâu năm của Chủ tịch Tập Cận Bình, là người đứng đầu một ủy ban quyền lực có nhiệm vụ điều phối chính sách giữa Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) và ngành ngân hàng, chứng khoán và các cơ quan quản lý khác, đã lên tiếng ủng hộ những động thái gần đây của các chính quyền vùng nhằm nới lỏng các hạn chế mua bất động sản.
Tuy nhiên, theo một số cố vấn chính sách của Trung Quốc , hai phó thủ tướng khác, Hàn Chính và Hồ Xuân Hoa đã đứng về phía Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị- nông thôn Trung Quốc khi bộ này muốn duy trì sức ép đối với các nhà phát triển bất động sản bằng cách siết chặt quản lý cách mà họ sử dụng doanh thu bán nhà từ các dự án.
Ủy ban Phát triển và ổn định tài chính thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, nơi ông Lưu giữ chức chủ tịch, muốn các nhà phát triển bất động sản đang vay nợ lớn được phép linh hoạt hơn trong việc sử dụng doanh thu từ nguồn tiền mà khách mua nhà trả trước.
Trong năm qua, các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã siết chặt quản lý các nguồn doanh thu này nên các tập đoàn bất động sản Trung Quốc chỉ có thể sử dụng chúng để hoàn thành dự án liên quan.
“Gần đây, các ngân hàng và các trái chủ đã giãn thời hạn trả nợ cho các nhà phát triển bất động sản. Nếu thị trường nhà ở tiếp tục suy yếu, điều này có thể khiến nợ xấu tăng vọt và toàn bộ ngành tài chính nguy ngập”, một cố vấn chính phủ, người chia sẻ mối lo ngại của Phó Thủ tướng Lưu Hạc, nói.
Một lãnh đạo giấu tên của tập đoàn phát triển bất động sản Sunac, có trụ sở tại thành phố Thiên Tân đề xuất các công ty bất động sản nên được cho phép sử dụng doanh thu bán nhà từ các dự án mới để trả nợ cho những dự án cũ, giúp họ tránh vỡ nợ.
Vị lãnh đạo này nói: “Nếu chúng tôi thu được 1 tỉ nhân dân tệ (153 tỉ đô la Mỹ) doanh thu bán nhà mà sẽ được sử dụng đầu tư cho một dự án trong suốt 3 năm, tại sao chúng tôi không thể trích 100 triệu nhân dân tệ từ khoản doanh thu đó để sử dụng cho các dự án khác, rồi sẽ trả lại sau này?”
Trong khi đó, những người ủng hộ lập trường của hai phó thủ tướng Hàn Chính và Hồ Xuân Hoa cho rằng các lo ngại về tác động của vấn đề nợ ở các công ty bất động sản đối với các ngân hàng lớn của nhà nước đã bị thổi phồng quá mức.
Thận trọng nới lỏng tiền tệ
Phó thủ tướng Lưu Hạc từ lâu được xem là cố vấn kinh tế và tài chính quyền lực nhất của Trung Quốc, nhưng ông Hàn Chính mới là người có vai vế chính trị cao nhất trong số các phó thủ tướng. Ông là một trong 7 ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông cũng được xem là ứng cử viên hàng đầu tiếp quản ghế thủ tướng của ông Lý Khắc Cường vào năm tới.
Ông Lưu đã hối thúc các chính quyền địa phương ở các vùng bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19 bảo vệ các chuỗi cung ứng và hỗ trợ các công ty nối lại hoạt động.
Tuy nhiên đối mặt với triển vọng và các điều kiện kinh tế ngày càng xấu của Trung Quốc kể từ khi đại dịch bắt đầu, trong những tuần gần đây, các nhà hoạch định chính sách tài chính chỉ đưa ra các biện pháp nới lỏng tiền tệ ở mức có chừng mực.
Sự thận trọng của họ một phần xuất phát từ mối lo ngại rằng các biện pháp kích thích mạnh hơn chỉ mang lại hiệu quả ở mức hạn chế, đặc biệt là ở những vùng đang bị tê liệt vì các lệnh phong tỏa.
Ông Lưu và Thống đốc PBoC, Dịch Cương, một nhà kỹ trị được kính trọng ở Trung Quốc, cũng lo ngại về biện pháp hạ lãi suất rộng rãi vì điều này có thể làm tổn hại thành tích ổn định tỷ lệ nợ tổng thể trên GDP của Trung Quốc trong 5 năm qua.
Họ cho rằng với lãi suất ở Mỹ giờ đây cao hơn Trung Quốc lần đầu tiên trong nhiều năm qua, biện pháp hạ lãi suất sẽ càng làm suy yếu đồng nhân dân tệ và thúc đẩy dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc.
“Chính sách kinh tế hiện tại của Trung Quốc có thể chưa đủ quyết liệt. Nhưng kể từ khi Mỹ bắt đầu tăng lãi suất, đồng nhân dân tế suy yếu. Nếu chúng ta hạ lãi suất, đà giảm giá của nhân dân tệ có thể vượt tầm kiểm soát”, một học giả có tầm ảnh hưởng ở Bắc Kinh, nói.
Hầu hết mọi nghiệp vụ hỗ trợ chính sách từ PBoC và Quốc vụ viện Trung Quốc trong những tuần gần đây đều kèm theo các lưu ý rằng họ sẽ không sử dụng chính sách kích thích ồ ạt và sẽ tiếp tục quyết tâm duy trì sự ổn định của các khoản mức nợ vĩ mô
Hôm 26-4, PBoC khẳng định sẽ sử dụng chính sách tiền tệ thận trọng để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chịu đòn giáng nặng nề nhất từ các lệnh phong tỏa, đồng thời cam kết mở rộng năng lực cho vay của các ngân hàng. Tuyên bố này đã giúp chặn đứng cơn bán tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc khi giới đầu tư lo ngại một lệnh phong tỏa tương tự như ở Thượng Hải sẽ sớm được áp đặt ở Bắc Kinh, nơi vừa chứng kiến dịch Covid-19 bùng phát.
Tuy nhiên, các cam kết tương tự của Phó thủ tướng Lưu Hạc hồi giữa tháng 3 khi chỉ số CSI 300 (theo dõi biến động giá của 300 cổ phiếu lớn nhất niêm yết trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến) giảm xuống gần sát mức thấp nhất trong 2 năm, chỉ có hiệu ứng tạm thời. Cú bật dậy của thị trường chứng khoán Trung Quốc nhờ những phát triển trấn an của ông Lưu bị tắt ngúm nhanh chóng khi PBoC thông báo cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng chỉ 25 điểm phần trăm.
“Ông Lưu Hạc và ông Dịch Cương lo ngại bong bóng tài sản tái xuất hiện. Họ muốn cung cấp thanh khoản cho những ai cần nó nhưng họ nghĩ rằng có thể làm điều này thông qua biện pháp hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc và các hướng dẫn nới lỏng cho vay có trọng điểm hơn là sử dụng các biện pháp có tác động rộng rãi. Biện pháp kích thích ồ ạt sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực ở những khu vực của đất nước chưa bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa nhưng sẽ không tạo ra nhiều khác biệt ở những khu vực đang bị đặt dưới lệnh phong tỏa”, một nguồn tin có quan hệ công việc mật thiết với ông Dịch Cương cho biết.
Theo Financial Times
Chánh Tài