Các nhà khoa học CERN lần đầu tiên quan sát được 3 hạt 'kỳ lạ'
Các nhà khoa học vận hành Máy va chạm Hadron Lớn (LHC) đã phát hiện ra 3 hạt hạ nguyên tử chưa từng thấy trước đây. Phát hiện quan trọng này sẽ giúp nhân loại tiếp tục mở khóa các khối cấu tạo của vũ trụ - theo trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu CERN cho biết hôm thứ Ba (5/7).
Máy va chạm LHC có chiều dài tới 27 km tại CERN chính là cỗ máy đã tìm ra hạt Higgs cách đây 10 năm. Đây là Một trong những khám phá khoa học vĩ đại nhất của thế giới hiện đại.
Nó đã giúp giải thích nhiều câu hỏi lớn trong khoa học, bao gồm cả cách các hạt cơ bản có được khối lượng. Phát hiện này còn rất quan trọng trong việc tìm hiểu sự hình thành vũ trụ sau vụ nổ Big Bang 13,7 tỷ năm trước.
Pentaquark mới, được minh họa ở đây là một cặp hadron tiêu chuẩn liên kết lỏng lẻo trong một cấu trúc giống như phân tử. Ảnh: CERN
Hạt boson Higgs giúp giải thích mô hình chuẩn của vật lý. Ảnh: CERN
Cơ chế hoạt động của hạt Higgs giúp giải thích cách khối lượng vật chất được tạo ra, qua đó được ví như "Hạt của Chúa". Ảnh: CERN
Giờ đây, các nhà khoa học tại CERN cho biết họ đã quan sát thấy một loại "pentaquark" và cặp "tetraquark" mới, thêm ba thành viên vào danh sách các hạt hadron mới được tìm thấy tại LHC. Chúng sẽ giúp các nhà vật lý hiểu rõ hơn về cách các hạt quark liên kết với nhau thành các hạt tổng hợp.
Các hạt quark là các hạt cơ bản thường kết hợp theo nhóm hai và ba để tạo thành các hạt hadron như proton và neutron trong hạt nhân nguyên tử. Tuy nhiên, hiếm hơn, chúng cũng có thể kết hợp thành các hạt bốn quark và năm quark, tức tetraquark và pentaquark.
Nhà vật lý Niels Tuning cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi thực hiện càng nhiều phân tích, chúng tôi càng tìm thấy nhiều loại hạt hadron kỳ lạ hơn”.
Ông chia sẻ thêm: "Chúng ta đang chứng kiến một giai đoạn khám phá tương tự như những năm 1950, khi một 'vườn thú hạt' gồm các hạt hadron bắt đầu được phát hiện. Và giờ chúng ta đang tạo ra Vườn thú hạt 2.0".
Để tìm ra các hạt hadron mới lần này, máy va chạm đã sử dụng một nguồn năng lượng chưa từng có là 13,6 teraelectronvolt (TeV) để tăng tốc và va chạm các chùm proton. Trong 2 lần chạy đầu tiên trước đây, máy va chạm từng chỉ sử dụng 2 nguồn năng lượng lần lượt là 6,5 và 13 TeV.
Khoảng 3.000 bài báo khoa học đã được xuất bản bằng cách sử dụng dữ liệu thu được trong 2 đợt chạy máy va chạm LHC trước đây. Các nhà khoa học mong đợi kết quả tương tự từ lần chạy va chạm này.
Hoàng Hải (theo CERN, DW, Reuters)