Các nhà khoa học phát hiện những yếu tố nguy cơ gây COVID kéo dài
Theo một nghiên cứu mới được công bố hôm 26/1, có 4 yếu tố chính có thể giúp xác định liệu những người mắc COVID-19 có bị các triệu chứng kéo dài hay không.
Nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Cell đã tiết lộ 4 yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh COVID kéo dài dựa trên thông tin từ hơn 200 bệnh nhân. Mặc dù cần nghiên cứu thêm để xác nhận những yếu tố này và có khả năng khám phá ra những yếu tố khác, nhưng nghiên cứu này là một bước quan trọng đầu tiên để tìm hiểu người nào có thể bị COVID kéo dài và cách điều trị hoặc ngăn ngừa nó trong tương lai.
Các yếu tố rủi ro đối với hội chứng COVID kéo dài
Nghiên cứu đã xác định 4 yếu tố (được gọi là các yếu tố dự đoán PASC) có thể làm tăng khả năng mắc COVID kéo dài của bạn:
- Bệnh tiểu đường loại 2, cũng là một yếu tố nguy cơ khiến bệnh nhân COVID-19 trở nặng.
- Mức độ RNA của SARS-CoV-2 trong máu ở giai đoạn đầu khi bị nhiễm virus - một dấu hiệu của tải lượng virus trong cơ thể: RNA của SARS-CoV-2 trong máu là một hiện tượng trong đó chủng virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào hệ thống huyết tương của bệnh nhân. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), COVID-19 nhân lên trong các tế bào, bao gồm cả máu, và khi nó xảy ra, nó sẽ thay đổi môi trường của máu. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nhân mắc COVID kéo dài, virus không rời khỏi huyết tương.
- Một số loại tự kháng thể: Sự tồn tại của các tự kháng thể cụ thể đã được báo cáo là có liên quan đến rối loạn chức năng miễn dịch và tử vong do COVID-19 và được suy đoán là có liên quan đến PASC. Theo một nghiên cứu của Frontiers, tự kháng thể là những kháng thể tấn công nhầm vào các bộ phận khỏe mạnh của cơ thể, với một số người có nguy cơ mắc các bệnh tự miễn dịch, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, bệnh Lupus hoặc bệnh Graves (cường giáp tự miễn). Các tự kháng thể được cho là đã bỏ qua mục tiêu virus SARS-CoV-2, do đó kéo dài các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải.
- Sự tái hoạt của virus Epstein-Barr: Virus Epstein-Barr (EBV) là một loại virus herpes phổ biến có thể gây mệt mỏi và sưng hạch bạch huyết. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), EBV tiềm ẩn (không hoạt động) trong cơ thể bạn, nhưng sau này có thể hoạt động trở lại. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Scientific Reports cho biết sự tái hoạt động của EBV có thể liên quan đến mức độ nghiêm trọng của COVID-19. Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu nhận thấy virus này đã hoạt động trở lại trong một số trường hợp COVID kéo dài.
“Có thể xác định các yếu tố có khả năng gây ra COVID kéo dài, gây ra tình trạng mạn tính, là bước đầu tiên để xác định rằng nó thực sự là một tình trạng có thể điều trị được. Và sau đó dựa trên một số yếu tố này trên thực tế, giới khoa học có thể phát triển các phương pháp điều trị”.
Các nhà nghiên cứu đã xác định những yếu tố này bằng cách nghiên cứu một nhóm gồm 209 người mắc COVID-19 vào năm 2020 hoặc đầu năm 2021 và được điều trị tại khu vực Seattle. Dựa trên kết quả khảo sát và hồ sơ sức khỏe, họ phát hiện 37% người trong nhóm này có từ 3 triệu chứng COVID kéo dài trở lên. Tiến sĩ Jim Heath, trưởng nhóm điều tra, cho biết, trong nhóm bị COVID kéo dài đó, 95% có 1 hoặc nhiều yếu tố trên. Các tự kháng thể có liên quan đến 2/3 các trường hợp COVID kéo dài.
Các tác giả nghiên cứu cũng lưu ý, họ đã tìm thấy mối liên hệ giữa 4 yếu tố này với COVID kéo dài, nhưng cần phải nghiên cứu thêm để hiểu mối quan hệ nhân quả - chính xác cách những yếu tố đó dẫn đến hội chứng này.
Theo New York Times, các chuyên gia không liên quan đến nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khung thời gian của nghiên cứu (bệnh nhân được theo dõi trong 2 – 3 tháng) có thể quá ngắn và phần lớn bệnh nhân đã nhập viện vì COVID-19. Điều này đặt ra câu hỏi về việc liệu những yếu tố này có đáng kể đối với những người mắc COVID-19 ở thể nhẹ ban đầu hay không.
Tuy nhiên, nghiên cứu này đã mở ra hi vọng và cung cấp những gợi ý đầu tiên về cách điều trị và có khả năng ngăn ngừa bệnh COVID kéo dài./.