Các nhà khoa học trẻ đưa giải pháp phát triển môi trường bền vững
Ngày 17/5, Hội nghị các nhà khoa học trẻ đã diễn ra tại Bộ Khoa học và Công nghệ. Các nhà khoa học trẻ đã đưa ra các sáng kiến về việc phát triển môi trường bền vững.
Cơ hội và thách thức trong phát triển khoa học công nghệ
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang đánh giá cao chủ đề của Hội nghị về mục tiêu phát triển bền vững; đồng thời khẳng định Hội nghị được tổ chức để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trẻ chia sẻ những góc nhìn, đồng thời nhìn nhận về cơ hội làm chủ tri thức khoa học và công nghệ hiện đại, hướng đến một nền khoa học mới đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang, đây là dịp các bên cùng nhìn nhận, đánh giá các vấn đề thực tế Việt Nam đang đối mặt; từ đó cùng nhau tìm ra giải pháp, để khoa học công nghệ có thể tham gia sâu, giải quyết tốt nhất bài toán mà doanh nghiệp và xã hội đang gặp phải; hỗ trợ để doanh nghiệp có thể cạnh tranh tốt trên thị trường và mang lại giá trị gia tăng tốt hơn.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam tiếp tục duy trì thứ hạng cao trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua. Ngoài ra, cũng theo đánh giá của Tổ chức năng suất Châu Á (APO), trong giai đoạn 10 năm trở lại đây, nền kinh tế của Châu Á tăng trưởng ổn định với tốc độ tăng của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào khoảng 1%/năm. Trong đó, Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng TFP dương, và thuộc nhóm các nước tăng TFP cao nhất với bình quân 1,4%/năm. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) Việt Nam xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế.
Giai đoạn phát triển 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đảng và Nhà nước đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, xem đây là "đột phá chiến lược", "động lực chính" để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang, định hướng và kỳ vọng đó đặt lực lượng khoa học và công nghệ trước những cơ hội và thách thức phải đổi mới, để không tụt hậu, phát triển nhanh hơn, thực chất và bền vững hơn. Qua đó, đóng góp hiệu quả hơn cho các mục tiêu phát triển quốc gia trong trung, dài hạn.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho biết, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều chương trình, xây dựng, sửa đổi các chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học phát huy năng lực sáng tạo. Đồng thời, kích cầu công nghệ từ khu vực doanh nghiệp, cũng như tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thông qua tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lập quỹ phát triển khoa học công nghệ, thành lập cơ sở R&D, doanh nghiệp khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo.
Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) có nhiều thay đổi, tạo thuận lợi hơn để các nhà khoa học trẻ có cơ hội làm chủ nhiệm đề tài, tham gia các hội nghị hội thảo quốc tế. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh hội nghị đưa đến thông điệp về các cơ chế, chính sách khoa học công nghệ nhằm truyền cảm hứng để cộng đồng khoa học cùng chia sẻ với các bàn toán lớn của đất nước.
Phát triển nền kinh tế xanh
Trong khuôn khổ của hội nghị, phiên tọa đàm với chủ đề “Giải pháp giúp doanh nghiệp phá triển bền vững” đã làm rõ được vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp với phát triển bền vững, các giải pháp giúp phát biển bền vững.
TS. Lương Quang Huy, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra biểu đồ dự báo mức độ phát thải khí nhà kính đến 2030 của các quốc gia có thể tăng gấp đôi hiện tại nếu chúng ta không kịp thời đưa ra giải pháp. Các biểu hiện của biến đổi khí hậu tại Việt Nam như bão, lũ, hạn hán, sạt lở... dù đang xảy ra nhiều hơn nhưng chưa được đưa vào chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc. Việt Nam đang làm tốt công tác phòng chống thiên tai nhưng cần có sự đầu tư thêm để đảm bảo các hoạt động được nâng cao. Trong đó, nhiều mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu của các nhà khoa học trẻ đang được áp dụng hiệu quả trên thế giới.
TS. Lương Quang Huy cũng chỉ ra các thách thức về khoa học - công nghệ tại Việt Nam hiện nay như toàn cầu hóa khiến thị trường sản phẩm khoa học công nghệ Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt, công nghệ trong nước còn chậm, khung pháp lý, thể chế, hệ thống chính sách vẫn còn nhiều bất cập, thiếu cơ chế quản lý khoa học...
Bên cạnh đó, những thuận lợi của doanh nghiệp Việt đang có là nhận thức và nhu cầu của người tiêu dùng có xu hướng tích cực, tiến trình hội nhập quốc tế tạo ra các áp lực phải chuyển đổi, một số thị trường mới đang hình thành… Mặt khác, các doanh nghiệp đang gặp phải thách thức trong tư duy hệ thống trong chính sách, pháp luật và thực tiễn sản xuất, kinh doanh chưa đồng bộ, hiệu quả; tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật còn hạn chế, vẫn lấy mục tiêu ngắn hạn về lợi nhuận mà chưa cân nhắc đến các lợi ích lâu dài, bền vững.
Ông Vũ Chí Công, Giám đốc ESG, Quỹ đầu tư VinaCapital cho hay, cam kết, nỗ lực phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam là cam kết tích cực nhưng cũng đặt ra rất nhiều thách thức. Không ngẫu nhiên thời gian qua, những yêu cầu về ESG được đặt ra cấp thiết và dồn dập như vậy.
Được biết, trước đây, các quỹ đầu tư lựa chọn doanh nghiệp chỉ nhìn vào các yếu tố như lợi nhuận doanh nghiệp, dòng tiền... nhưng hiện nay, các quỹ đầu tư đánh giá thêm tiêu chí ESG, xem hoạt động của doanh nghiệp có thể gây ra những rủi ro với môi trường như thế nào, doanh nghiệp chú trọng phát triển bền vững ra sao. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Dòng vốn FDI từ các quốc gia phát triển đến quốc gia đang phát triển vận hành theo xu hướng này.
Còn TS. Ngô Thị Thúy Hường, Giảng viên Khoa Công nghệ sinh học, Hóa học và Kỹ thuật môi trường, Trưởng nhóm nghiên cứu Hóa môi trường và Độc học sinh thái, Trường Đại học Phenikaa chia sẻ bài tham luận "Phát triển - Môi trường - Sức khỏe: Giải pháp nào cho phát triển bền vững?".
TS. Ngô Thị Thúy Hường chia sẻ về chất ô nhiễm trong môi trường, phổ biến tại các lưu vực sông ở Việt Nam là các kim loại (Zn, Cu, Pb, Cd, etc.) và các chất hữu cơ khó phân hủy như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, PCB, dioxins... từ nhiều hoạt động như khai thác mỏ và hoạt động canh tác nông nghiệp của người dân cũng đốt rác thải tự phát, quá trình tự nhiên trong hệ sinh thái. Điều này ảnh hưởng đến sinh vật thủy sinh ở các mức độ: phân tử, hóa sinh, cơ quan, cá thể, quần thể, quần xã, hệ sinh thái, canh quan, sinh quyển. Trước những thách thức đó, nhóm thực hiện nghiên cứu giảm thiểu dioxin ở đất, trầm tích và các chuỗi thức ăn bị nhiễm dioxins.
Cụ thể, nhóm thực hiện "Nghiên cứu khả năng giảm nhẹ ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin của cỏ Vetiver - Áp dụng thử nghiệm tại sân bay Biên Hòa". Tiếp đó là nghiên cứu "Ứng dụng cỏ vetiver ở quy mô thực tế nhằm giảm nhẹ ô nhiễm dioxins trong đất tại sân bay Biên Hòa" do PEER/USAID tài trợ. Dự án này kết thúc hồi tháng 2/2023, kết quả cho thấy, công nghệ xử lý ô nhiễm dioxins bằng thực vật được phát triển và có tiềm năng ứng dụng rộng rãi cho những vùng ô nhiễm chất hữu cơ khó phân hủy.
Hướng nghiên cứu thứ 2 của nhóm là tìm câu trả lời cho những dòng sông "chết". Một trong những chất phổ biến tại các dòng sông ô nhiễm là kim loại nặng (Pb, Cd, Ni, Cr, Cu...). Lượng chất thải đưa ra quá nhiều khiến khả năng tự làm sạch của hệ sinh thái không đáp ứng được, khiến nhiều sinh vật không thể sinh sống. Nhóm bắt đầu dự án "Điều tra nghiên cứu và đánh giá sự tích tụ sinh học của kim loại nặng trên một số loài cá kinh tế trong lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy và sự ảnh hưởng đến nghề nuôi trồng thủy sản trong lưu vực sông", tiếp đó là nghiên cứu "Đặc điểm phơi nhiễm kim loại đối với các loài cá nước ngọt quan trọng ở lưu vực sông Nhuệ - Đáy, Việt Nam", do VLIR-UOS, Bỉ tài trợ năm 2019-2020.
Cuối cùng là dự án Đánh giá nồng độ sinh khả dụng của As và Hg tại một số khu vực của lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy và các tác động tiềm ẩn đối với động vật thủy sinh", do VLIR-UOS, Bỉ tài trợ năm 2020-2021. Nhóm nghiên cứu kết luận, kim loại trong trầm tích gây ra rủi ro cao đối với hệ sinh thái và sức khỏe người tiêu thụ (qua cá chép, cá rô phi), đặc biệt bởi Cd và Pb.
Trường Đại học Phenikaa đã hợp tác Đại học Heriot-Watt (Anh) để nghiên cứu về ảnh hưởng ô nhiễm vi nhựa ở đại dương lên một số nền kinh tế mũi nhọn ở Việt Nam cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Dự án mới bắt đầu từ 2022, tiến hành thu mẫu ở bờ biển Việt Nam và đang được phân tích. Song song với việc nghiên cứu, cần đào tạo nguồn lực cho tương lai để phục vụ phát triển bền vững cũng như nâng cao nhận thức của mọi người. Trường đại học Phenikaa đã phát triển ngành học Sức khỏe môi trường và Phát triển bền vững, đồng hành với các sinh viên nghiên cứu khoa học, học sinh phổ thông trong việc nâng cao nhận thức.
Theo TS. Ngô Thị Thúy Hường, để có cuộc sống chất lượng và hạnh phúc cần nhận thức được mối nguy đến từ môi trường đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Xây dựng và duy trì một môi trường sống lành mạnh. Để đạt được mục tiêu đó, ngoài các chính sách, luật pháp, cần thiết phải đưa giáo dục về môi trường vào trong trường học.