Các nhà khoa học vật lý thiên văn hàng đầu thế giới tụ hội ở Quy Nhơn
Hội nghị 'Lý thuyết gặp thực nghiệm: Vật lý thiên văn và vũ trụ học' là hội nghị quốc tế đầu tiên của chuỗi sự kiện khoa học nằm trong Chương trình 'Gặp gỡ Việt Nam' lần thứ 21 diễn ra tại tỉnh Bình Định năm 2025.
Ngày 6/1, gần 60 nhà khoa học trên thế giới đã về Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE, tại TP Quy Nhơn, Bình Định) tham dự hội nghị 'Lý thuyết gặp thực nghiệm: Vật lý thiên văn và vũ trụ học' (TMEX-2025).
Hội nghị "Lý thuyết gặp thực nghiệm: Vật lý thiên văn và vũ trụ học" (TMEX-2025) do Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và Trung tâm ICISE phối hợp cùng Viện Nghiên cứu các định luật cơ bản của vũ trụ thuộc Ủy ban Năng lượng nguyên tử và Năng lượng thay thế (Pháp) tổ chức.
Diễn ra từ ngày 6 đến 11/1, hội nghị thu hút gần 60 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học và nhà nghiên cứu trẻ đến từ 16 quốc gia trên thế giới. Đây là hội nghị quốc tế đầu tiên của chuỗi sự kiện khoa học nằm trong Chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ 21 tại tỉnh Bình Định năm 2025.
Hội nghị là diễn đàn để các nhà khoa học gặp gỡ, chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới nhất và thảo luận về các hướng đi mới trong lĩnh vực vật lý thiên văn và vũ trụ học.
Hội nghị TMEX-2025 vinh dự có sự góp mặt của nhiều diễn giả uy tín trong lĩnh vực vật lý thiên văn và vũ trụ học, bao gồm Giáo sư Teshima Masahiro từ Viện Max Planck về Vật lý, Đức; Giáo sư Rosinska Dorota từ Đại học Warsaw, Ba Lan; Giáo sư Barwick Steven từ Đại học California tại Irvine, Mỹ; Giáo sư Bulik Tomasz từ Đại học Warsaw, Ba Lan; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Baumgart Matthew từ Đại học Arizona (ASU), Mỹ; và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Crocker Roland từ Trường Nghiên cứu Thiên văn và Vật lý Vũ trụ (RSAA), Đại học Quốc gia Úc (ANU), Australia.
Các vấn đề quan trọng như vật chất tối, phát hiện sóng hấp dẫn, và sự phát triển của thiên văn học đa kênh tín hiệu đang đặt ra những thách thức cũng như cơ hội mới cho cộng đồng nghiên cứu khoa học.
Hội nghị không chỉ thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu mà còn tạo cơ hội cho các nghiên cứu sinh và nhà khoa học trẻ kết nối, trao đổi kiến thức với các chuyên gia và nhà nghiên cứu uy tín trên thế giới, mở ra nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.
Hội nghị có 52 bài báo cáo tại phiên toàn thể, với các chủ đề: vũ trụ học, tia gamma, neutrino, vật chất tối, tia vũ trụ, sóng hấp dẫn, các thí nghiệm và cơ sở nghiên cứu tương lai, thiên văn học miền thời gian và thiên văn học đa kênh tín hiệu.