Các nhà lãnh đạo ASEAN chia sẻ quan điểm về kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0
Sáng 12-9, tại phiên khai mạc Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề 'Tương lai của ASEAN trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư'. Trong phiên thảo luận này, các nhà lãnh đạo ASEAN đã chia sẻ quan điểm của họ về ý nghĩa của cách mạng công nghiệp 4.0 với mỗi quốc gia cũng như với toàn khu vực.
Ông Lý Hiển Long - Thủ tướng Singapore: ASEAN có nhiều điều kiện để tận dụng tốt cơ hội
“Thế giới đang có nhiều chuyển đổi về công nghệ và có các công nghệ kết nối thế giới lại với nhau. Con người cũng sử dụng công nghệ để tăng năng suất lao động và mua bán, tăng cường mở rộng và tích hợp thị trường tốt hơn. ASEAN được dự báo là khu vực kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030 chỉ sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu. ASEAN có lực lượng lao động dân số trẻ, khoảng 25 tuổi; một số nền kinh tế đang phát triển dựa trên công nghệ số; GDP khoảng 2,7 nghìn tỷ USD…
Đây là những điều kiện quan trọng để ASEAN tận dụng tốt những cơ hội mang lại của cách mạng công nghiệp 4.0. Để thúc đẩy phát triển khu vực, với vai trò là Chủ tịch của ASEAN, Singapore cũng đã đưa ra những sáng kiến thành lập trung tâm nghiên cứu mới để thông qua đó hỗ trợ kỹ thuật cho các nước ASEAN. Để làm được điều này thì chúng ta cần phải dựa vào nỗ lực của các doanh nghiệp cũng như người dân ở các quốc gia ASEAN”.
Ông Joko Widodo - Tổng thống Indonesia: Tài năng của con người là tài nguyên vô hạn
“Chuyện gì đang diễn ra trong nền kinh tế thế giới ngày nay? Liệu chúng ta có đang hướng tới một cuộc chiến vô cực hay không? Kể từ cuộc đại khủng hoảng những năm 1930, chưa bao giờ chiến tranh thương mại lại bùng nổ mãnh liệt như hiện nay. Nhưng các vị hãy tin tưởng rằng chúng tôi luôn sẵn sàng để chống lại Thanos, nhân vật phản diện trong bộ phim bom tấn “Cuộc chiến vô cực” muốn tiêu diệt một nửa dân số toàn cầu sao cho những người còn sống sót có thể được hưởng thụ toàn bộ nguồn tài nguyên. Tuy nhiên có sai lầm cơ bản trong giả định của Thanos là Thanos tin rằng tài nguyên của hành tinh chúng ta là hạn chế nhưng thực tế nguồn tài nguyên sẵn có cho nhân loại không hạn chế mà vô hạn bởi tài năng của con người, đó là tài nguyên vô hạn.
Tôi tin rằng trong dài hạn cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn chứ không phải là cướp đi việc làm của con người. Cuộc cách mạng này cũng không làm tăng sự bất bình đẳng mà sẽ làm giảm sự bất bình đẳng vì nó giảm đáng kể chi phí các sản phẩm và dịch vụ, do đó tăng khả năng tiếp cận cho người thu nhập thấp”.
Ông Samdech Hun Sen - Thủ tướng Campuchia: Cần có sự chuẩn bị để đối phó với các nguy cơ
“Việc sử dụng các công nghệ như sinh học, người máy đã mang lại những thay đổi nhanh chưa từng thấy trong lịch sử con người. Nó thể hiện trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, công nghệ, giáo dục, thương mại và quản lý hành chính. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có sự kết nối tốt hơn với khu vực và thế giới, có các dịch vụ mới tốt hơn. Các nền kinh tế mới nổi có thể sử dụng các công nghệ tiên tiến này để tạo bước nhảy vọt trong bước phát triển và công nghiệp hóa của mình.
Cuộc cách mạng lần 4 cũng đưa lại những lo lắng, thách thức và khó khăn cho người lao động, trong đó có sự phân phối về lợi ích cho những nhóm người khác nhau, đặc biệt là nhóm người chưa có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin. ASEAN cần tiếp tục cải tiến cơ sở hạ tầng, gia tăng kết nối với các khu vực, cần có sự chuẩn bị để đối phó tốt hơn với các nguy cơ đó”.
Ông Thongloun Sisoulith - Thủ tướng nước CHDCND Lào: Trọng tâm là xây dựng cơ sở hạ tầng truyền thông mạnh hơn
“Với ASEAN, dự kiến trong thập kỷ tới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ trở thành cơ hội chưa từng có để phát triển. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhận thức rõ ràng hơn về những thách thức và khó khăn sắp tới như sự chênh lệch về mặt lợi ích giữa các quốc gia hoặc các nhóm người khác nhau, giữa các nhóm nước khác nhau; nguy cơ về an ninh mạng hay các vấn đề xã hội xuất phát từ sự phát triển của tiến bộ khoa học công nghệ.
Để làm được đó, ASEAN một mặt phải duy trì tính trung tâm là tính thống nhất của ASEAN để đảm bảo toàn bộ khu vực cùng phát triển và tăng trưởng; mặt khác phải thực thi được quy hoạch tổng thể với trọng tâm xây dựng cơ sở hạ tầng truyền thông thông tin mạnh hơn nữa để tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho các hoạt động thương mại, đầu tư, kinh doanh cũng như thu hẹp khoảng cách về mặt công nghệ để tạo được lợi ích tối đa từ đó. ASEAN cũng cần trao quyền nhiều hơn nữa cho khu vực tư nhân để họ cùng chúng ta vượt qua thách thức để cuối cùng ASEAN vượt lên các khu vực khác một cách hiệu quả hơn”.
Bà Aung San Suu Kyu - Cố vấn Nhà nước Cộng hòa Myanmar: Chất xúc tác làm thế giới tốt đẹp hơn
“Myanmar là nước gần như bị bỏ qua bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chúng tôi buộc phải đi tắt vào cuộc cách mạng công nghiệp này. Vì thế, chúng tôi buộc phải thực hiện bước nhảy vọt bằng tốc độ của bước nhảy vọt lượng tử. Ví dụ, 5 năm trước, giá một chiếc điện thoại di động ở Myanmar vào khoảng 1.500 USD, bây giờ nó đã giảm xuống còn khoảng 1,5 USD; tỷ lệ sử dụng băng thông rộng từ 1% tăng vọt lên 105%. Có thể gọi đó là một bước đại nhảy vọt, dẫn đến các bước đại nhảy vọt như trong lĩnh vực ngân hàng, thương mại điện tử, thương mại xã hội…
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư không phải là điều gì đó chúng ta đang mơ về mà là điều chúng ta đã biết đã thấy thông qua sự khác biệt với các cuộc cách mạng công nghiệp trước. Chúng ta cũng cần nghĩ đến mục tiêu của cuộc cách mạng này là gì? Liệu nó có làm cho thế giới tốt đẹp lên hơn không? Tôi nghĩ rằng hội nghị lần này sẽ cung cấp cơ hội để tìm hiểu xem chúng ta có thể làm gì để làm cho cách mạng công nghiệp lần thứ tư trở thành một chất xúc tác đem lại một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người”.
Ông Prajin Juntong - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan: Thúc đẩy kết nối toàn diện và đa chiều
“Với Thái Lan, công nghệ số hiện là phần không thể thiếu được trong xã hội ở mọi cấp độ. Nó đem lại lợi ích to lớn đồng thời đặt ra những thách thức không kém phần đáng lo ngại. Thái Lan đã xây dựng chính sách 4.0 ở cấp quốc gia. Đây là mô hình hướng tới việc chuyển đổi nền kinh tế dựa trên giá trị và được dẫn dắt bởi sự sáng tạo đổi mới nhiều hơn, trong đó chú trọng để mọi người dân đều được hưởng lợi từ tiến triển về kinh tế và không ai bị loại trừ khỏi cuộc cách mạng công nghệ số. Trong kỷ nguyên công nghệ số, Thái Lan nhận thấy chúng ta đều có sự kết nối với nhau, không thể đi một mình được, vì vậy Thái Lan cũng đặt ra mục tiêu tăng cường kết nối tiểu vùng và khu vực để chúng ta cùng tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư một cách chủ động và tích cực hơn. Với vai trò Chủ tịch ASEAN năm tới cũng như chủ nhà APEC vào năm 2022, Thái Lan sẽ tiếp tục cam kết thúc đẩy khả năng giữa các quốc gia trong khu vực với nhau, đặc biệt là sự kết nối toàn diện và đa chiều vì một ASEAN phát triển bền vững, dành cho tất cả mọi người”.