Các nhà mạng tại Thái Nguyên tăng cường hỗ trợ chuẩn hóa thông tin thuê bao

Thời điểm này, các nhà mạng hoạt động trên địa bàn Thái Nguyên tiếp tục tích cực rà soát, đối chiếu, triển khai các giải pháp hỗ trợ người dùng xác thực thông tin cho thuê bao di động. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dùng nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không làm theo các yêu cầu từ cuộc gọi lừa đảo 'khóa thuê bao điện thoại'.

Thời điểm này, các nhà mạng hoạt động trên địa bàn Thái Nguyên tiếp tục tích cực rà soát, đối chiếu, triển khai các giải pháp hỗ trợ người dùng xác thực thông tin cho thuê bao di động. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dùng nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không làm theo các yêu cầu từ cuộc gọi lừa đảo “khóa thuê bao điện thoại”.

Nhiều người dân trực tiếp đến các điểm giao dịch của Vietel Thái Nguyên để thực hiện kiểm tra và chuẩn hóa thông tin thuê bao di động.

Nhiều người dân trực tiếp đến các điểm giao dịch của Vietel Thái Nguyên để thực hiện kiểm tra và chuẩn hóa thông tin thuê bao di động.

Thời điểm từ giữa tháng 3 trở lại đây, các điểm giao dịch của các doanh nghiệp viễn thông VinaPhone; Vietel; Mobifone thường chật kín khách hàng đến xác thực thông tin thuê bao.

Theo quan sát của chúng tôi, người dùng đến điểm giao dịch làm thủ tục chuẩn hóa thông tin đều được hỗ trợ nhanh chóng. Đối với người tuổi cao hoặc thao tác trên điện thoại chưa thành thạo, nhân viên của các doanh nghiệp viễn thông trực tiếp hướng dẫn hoặc giúp thao tác.

Các chủ thuê bao đến để chuẩn hóa lại những thông tin như: Thay đổi từ số chứng minh thư sang thẻ căn cước công dân, chỉnh sửa họ tên, ngày, tháng, năm, sinh… thì hoàn tất xác thực rất nhanh, chỉ mất khoảng 3 đến 10 phút.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp việc chuẩn hóa phức tạp hơn, là sim đứng tên người khác. Sim đứng tên người khác lại có hai dạng: Dạng 1 là sim không đổi được thông tin do thông tin trên sim đã được cập nhật chuẩn hóa của người khác nên cần có mặt chủ sim cũ và phải làm thủ tục để sang tên; dạng 2 là trường hợp sim chuẩn hóa dễ dàng, nhanh chóng chuyển thông tin về chính chủ. Đây thường gọi là “sim rác”, chưa được cập nhật thông tin. Những sim này trước kia được đại lý, những cửa hàng bán sim số kích hoạt sẵn để bán. Dạng này vẫn dùng được bình thường và cập nhật chuẩn hóa cũng rất nhanh chóng.

Ông Vũ Thạch Hiển Giang, Phó Giám đốc Vietel Thái Nguyên, cho biết: Từ tháng 3 trở lại đây, lượng khách hàng đến giao dịch tăng khoảng 60% so với trước. Đơn vị đã tăng cường nhân lực hỗ trợ để giảm thời gian chờ đợi của khách hàng. Bên cạnh đó, Vietel cũng mở cửa tất các 400 điểm giao dịch ngoài giờ hành chính trong và tất cả các ngày để hỗ trợ khách hàng thực hiện chuẩn hóa.

Nhân viên Vietel Thái Nguyên hỗ trợ người cao tuổi chuẩn hóa thông tin thuê bao tại điểm giao dich.

Nhân viên Vietel Thái Nguyên hỗ trợ người cao tuổi chuẩn hóa thông tin thuê bao tại điểm giao dich.

Cùng với hỗ trợ tại quầy, các doanh nghiệp viễn thông cũng triển khai nhiều giải pháp khác như: Truyền thông trên báo chí về việc chuẩn hóa thông tin tại các cửa hàng giao dịch, trên các ứng dụng và trang web của nhà mạng; gửi thông báo, dán mã QR tại các điểm giao dịch để khách hàng chủ động chuẩn hóa thông tin thuê bao…

Từ ngày 1-4, sau khi khóa một chiều đối với các thuê bao chưa chuẩn hóa, các doanh nghiệp viễn thông vẫn tiếp tục tích cực hỗ trợ khách hàng tại các cửa hàng giao dịch, trên ứng dụng và trang web của nhà mạng. Những thuê bao bị khóa một chiều bên cạnh đến điểm giao dịch để thực hiện trực tiếp thì vẫn có thể truy cập vào web hay ứng dụng của nhà mạng qua wifi để chuẩn hóa thông tin cá nhân trước ngày 15-4.

Với các nỗ lực đó, tính đến ngày 6-4, số thuê bao đã được chuẩn hóa đạt gần 20.000, tương đương tỷ lệ 72% trên tổng số thuê bao chưa chuẩn hóa ban đầu. Trên 7.700 thuê bao chưa chuẩn hóa còn lại đều đã bị khóa một chiều, cần người dùng tiếp tục chuẩn hóa.

Bên cạnh nỗ lực hỗ trợ người dùng chuẩn hóa thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp viễn thông khuyến cáo người dùng cảnh giác trước tình trạng nhiều đối tượng lợi dụng thông báo về chuẩn hóa thuê bao để lừa đảo.

Cụ thể: Các đối tượng thực hiện cuộc gọi thoại thông báo tới số máy người dùng thông báo sẽ bị cắt thuê bao sau 1 hay 2 giờ và để giải quyết cần làm theo hướng dẫn như: Cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân gồm họ tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân... Khi đã nắm được thông tin cá nhân của người dùng, các đối tượng hướng dẫn làm bước tiếp theo như: Thực hiện các cú pháp sang tên đổi chủ thông tin số điện thoại, cú pháp chuyển hướng cuộc gọi… để chiếm quyền nhận cuộc gọi. Sau đó, đối tượng lừa đảo sẽ thực hiện chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, tiền trong tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử…

Ông Trần Ngọc Dĩnh, Trưởng Phòng Bưu chính - Viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông, khuyến cáo: Khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân không cung cấp thông tin, đồng thời lưu lại bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm) để phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông, cơ quan Công an gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.

- Với Viettel, khách hàng chỉ thực hiện chuẩn hóa thông tin khi nhận được tin nhắn có định danh VIETTEL hoặc cuộc gọi từ số 02462660198 (tên hiển thị VIETTELCSKH) và 02466888098 (tên hiển thị VIETTELCARE).

- Với VinaPhone, tin nhắn chuẩn hóa thuê bao có định danh VinaPhone, cuộc gọi từ số 0888001091, 0911001091 hoặc cuộc gọi hiển thị VinaPhone.

- Với MobiFone, tin nhắn chuẩn hóa thuê bao có định danh MobiFone hoặc cuộc gọi từ số 9090.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202304/cac-nha-mang-tai-thai-nguyen-tang-cuong-ho-tro-chuan-hoa-thong-tin-thue-bao-e9143b3/