Các nhà nghiên cứu Trung Quốc lần đầu tiết lộ bằng chứng về nước lỏng trên sao Hỏa
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã lần đầu tiên tiết lộ bằng chứng về nước lỏng trên sao Hỏa được hình thành từ băng giá hoặc tuyết rơi, dựa trên dữ liệu thu thập được từ xe tự hành Chúc Dung (Zhurong) của nước này.
Phát hiện được công bố trên Tạp chí khoa học quốc tế Science Advances, cho thấy các đặc điểm như bề mặt có lớp vỏ, vết nứt, kết tụ, đường vân đa giác và vết nước hình dải được phát hiện trên cồn cát sao Hỏa tại khu vực hạ cánh của xe tự hành Chúc Dung. Phân tích dữ liệu còn cho thấy, bề mặt cồn cát rất giàu khoáng chất chứa nước như sunfat ngậm nước, đá protein và oxit sắt ngậm nước.
Phát hiện này có ý nghĩa to lớn đối với hiểu biết về sự phát triển của khí hậu sao Hỏa và việc tìm kiếm các môi trường có thể ở được, đồng thời cung cấp manh mối quan trọng cho việc tìm kiếm sự sống trong tương lai. Một trong những tác giả của bài viết, nhà nghiên cứu của Viện Địa chất và Địa vật lý thuộc Viện Khoa học Trung Quốc Tần Tiểu Quang khi nói với Nhật báo Khoa học Công nghệ nước này cho biết, quan trọng hơn là các nghiên cứu sâu hơn của nhóm cho thấy các đặc điểm chứa nước trên bề mặt cồn cát không phải do nước ngầm và carbon dioxide tạo thành, mà do sương giá hoặc tuyết rơi.
Sự hiện diện của nước lỏng trên sao Hỏa từ lâu đã là một chủ đề được quan tâm, vì nó có ý nghĩa quan trọng đối với sự di cư giữa các vì sao và hiểu biết về sự phát triển của khí hậu sao Hỏa. Nhật báo Khoa học Công nghệ Trung Quốc cho rằng, sự hiện diện của nước ở dạng lỏng có thể chỉ ra một môi trường có thể ở được trên sao Hỏa, thậm chí có khả năng tồn tại sự sống.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng sao Hỏa từng có lượng nước lỏng phong phú. Tuy nhiên, do sự biến mất của bầu khí quyển, khí hậu sao Hỏa đã trải qua một sự biến đổi lớn, áp suất không khí và hàm lượng hơi nước cực thấp khiến nước dạng lỏng khó tồn tại ổn định trên bề mặt sao Hỏa.
Những giọt nhỏ quan sát được trên cánh tay cơ học của tàu thăm dò sao Hỏa Phoenix của Mỹ đã cho thấy nước lỏng mặn có thể xuất hiện ở các vùng vĩ độ cao của sao Hỏa trong mùa Hè. Ngoài ra, các mô phỏng số cho thấy điều kiện khí hậu phù hợp với nước ở dạng lỏng vẫn có thể tạm thời xuất hiện ở một số khu vực trên sao Hỏa. “Tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu bằng chứng quan sát trực tiếp về sự tồn tại của nước lỏng ở những vùng vĩ độ thấp ấm nhất của sao Hỏa", ông Tần Tiểu Quang cho biết.
Năm 2021, trong sứ mệnh thăm dò sao Hỏa đầu tiên mang tên “Thiên Vấn -1” của Trung Quốc, xe tự hành Chúc Dung đã hạ cánh thành công xuống rìa phía Nam của Utopia Planitia, một khu vực có vĩ độ thấp trên sao Hỏa. Đến tháng 5/2022, Chúc Dung đã làm việc trên sao Hỏa hơn 350 ngày và di chuyển khoảng 2.000 mét, thu thập nhiều dữ liệu khoa học có giá trị.
Theo chuyên gia Tần Tiểu Quang, nghiên cứu của Trung Quốc đã lấp đầy khoảng trống bằng chứng quan sát về sự tồn tại của nước lỏng ở các vùng vĩ độ thấp của sao Hỏa, tiết lộ Hành tinh Đỏ hiện nay vẫn có thể tồn tại môi trường ẩm ướt ở các khu vực vĩ độ thấp tương đối ấm áp và phù hợp./.