Các nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc thúc đẩy kế hoạch mở rộng bất chấp căng thẳng về chính trị

Theo SCMP, các nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc đang đẩy nhanh kế hoạch phát triển bất chấp các đe dọa hạn chế tiếp cận công nghệ tiên tiến từ Hoa Kỳ.

 Ảnh: SCMP

Ảnh: SCMP

Các nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc đang thúc đẩy kế hoạch mở rộng công suất, nhờ doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục cùng nhu cầu mạnh mẽ bất chấp các đe dọa của Mỹ nhằm hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận các công nghệ tiên tiến của họ.

Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC), tập đoàn lớn nhất Trung Quốc, cho biết chi tiêu của họ vào năm 2022 sẽ khoảng 5 tỉ USD với phần lớn quỹ được sử dụng cho ba dự án mới ở Bắc Kinh, Thâm Quyến và Thượng Hải cũng như việc mở rộng các nhà máy hiện có.

Trong khi đó, nhà sản xuất chip lớn thứ hai của Trung Quốc cũng đang mở rộng công suất và tìm kiếm một danh sách thứ cấp tại Thượng Hải. Doanh thu năm 2021 của Hua Hong Semiconductor tăng 70% so với một năm trước lên 1,63 tỉ USD, trong khi lợi nhuận ròng của doanh nghiệp này cũng tăng gần gấp bảy lần lên 231 triệu USD.

Hiệu suất hoạt động mạnh mẽ của hai nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc xuất phát từ sự gia tăng nhu cầu về chip từ các nhà máy sản xuất, chẳng hạn như các nhà sản xuất ô tô và nhà sản xuất thiết bị gia dụng.

Dẫu vậy, SMIC và Hua Hong hiện vẫn chưa thể sản xuất các loại chip tiên tiến được sử dụng trong iPhone và các điện thoại thông minh Android hàng đầu khác.

Việc mở rộng công suất cũng phản ánh nỗ lực trên toàn quốc của Trung Quốc nhằm cải thiện khả năng tự cung cấp các công nghệ chiến lược như chất bán dẫn, trong bối cảnh căng thẳng công nghệ với Washington leo thang.

Hoa Kỳ đã thêm SMIC vào Danh sách đen (Enity List) của mình vào tháng 12 năm 2020 vì lý do an ninh quốc gia, yêu cầu các nhà cung cấp của Hoa Kỳ phải xin giấy phép trước khi vận chuyển bất kỳ thiết bị tiên tiến nào cho SMIC.

Các quan chức Mỹ cũng đã cảnh báo rằng quyền tiếp cận của SMIC với các công nghệ của Mỹ sẽ bị hạn chế hơn nữa nếu công ty bị phát hiện vi phạm các lệnh trừng phạt thương mại về việc cung cấp thiết bị công nghệ cho Nga, quốc gia đang có cuộc xung đột với Ukraine.

Ba nhà máy mới của SMIC ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến đều tập trung vào các loại chip từ tiến trình 28 nanomét trở lên - những công nghệ chip tụt hậu so với xưởng đúc hàng đầu Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) nhiều thế hệ. Tuy nhiên, các công nghệ cũ hơn vẫn đang đáp ứng đủ tốt và đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ.

Sravan Kundojjala, một nhà phân tích cấp cao tại Strategy Analytics cho biết: “SMIC là cơ sở phát triển nhanh nhất vào năm 2021 và doanh thu từ các con chip bán dẫn của doanh nghiệp tăng nhanh hơn so với TSMC".

“SMIC là một công ty quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh chất bán dẫn vì công ty sẽ sớm bắt kịp với tất cả các nhà cung cấp chip điện thoại thông minh hàng đầu bao gồm Qualcomm, MediaTek và Unisoc”.

Hua Hong, mặt khác, có vị thế tốt trong lĩnh vực ô tô và công nghiệp so với SMIC, Kundojjala cho biết.

Trong khi đó, có những dấu hiệu cho thấy SMIC đã thu hẹp quy mô nghiên cứu và phát triển của mình trong bối cảnh lượng đơn đặt hàng quá lớn.

Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển giảm xuống 11,6% trong tổng doanh thu năm 2021, giảm từ tỷ lệ 17% vào năm 2020 và đội ngũ R&D giảm xuống còn 1.758, giảm mạnh so với 2.335 vào năm 2020, theo SCMP.

Năm 2021, doanh số bán dẫn toàn cầu lần đầu tiên vượt kỷ lục 500 tỉ USD, trong đó Trung Quốc là thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới.

Theo SCMP

Tiến Dũng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/cac-nha-san-xuat-chip-hang-dau-trung-quoc-thuc-day-ke-hoach-mo-rong-bat-chap-cang-thang-ve-chinh-tri-post155739.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_tinmoi_vt&utm_campaign=click_tinmoi