Các nhà trường ở tỉnh vùng cao Lai Châu nỗ lực đảm bảo chương trình năm học
Dịch bệnh Covid-19 đã, đang xâm nhập, gây khó khăn cho công tác dạy và học ở các nhà trường ở tỉnh Lai Châu. Nhờ sự hỗ trợ của các lực lượng đứng chân trên địa bàn, các nhà trường đang nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành chương trình theo tiến độ đề ra.
Dịch bệnh Covid-19 đã, đang xâm nhập vào các trường học ở tỉnh biên giới Lai Châu, gây khó khăn cho công tác dạy và học ở các nhà trường. Do giao thông cách trở, điều kiện kinh tế khó khăn, nên việc dạy và học trực tuyến cũng gặp nhiều trắc trở. Thế nhưng, nhờ sự hỗ trợ của các lực lượng đứng chân trên địa bàn, các nhà trường ở Lai Châu đang nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành chương trình năm học theo tiến độ đề ra.
Cách trung tâm xã khoảng 1km và thuận lợi về giao thông, nhưng Bản Hợp 2, xã Dào San lại là địa bàn phức tạp về dịch bệnh Covid-19. Đến nay, bản đã ghi nhận hơn 40 trường hợp F0 và hàng trăm F1, nhiều gia đình đã phải đóng cửa nhà để cách ly y tế và điều trị. Vì vậy, nhiều em học sinh đã không thể đến trường học trực tiếp, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng học tập.
Em Dì Thị Nhung ở Bản Hợp 2, học sinh lớp 9A1, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Dào San chia sẻ, khi phát hiện người thân nhiễm Covid-19, em không thể đến trường học trực tiếp. Thời gian đầu, các thầy, cô giáo in bài giao về tận nhà cho em làm, nhưng không có người hướng dẫn, nên em không hoàn thành 100% bài tập được. Khi nhà trường chuyển sang dạy học trực tuyến, em được bố mẹ mua cho điện thoại để học, nhưng lại gặp khó khăn khi truy cập. May mắn nhờ có các chú bộ đội hỗ trợ, nên việc học của em trở nên dễ dàng hơn.
"Em lo sợ khi không được đến trường học trực tiếp sẽ mất đi nhiều kiến thức và không đủ kiến thức đề thi vào cấp 3. Nhờ có sự giúp đỡ của các chú bộ đội và các thầy, cô mà giờ đây em đã được vào học trực tuyến. Lúc đầu em mới vào thì không quen và chưa biết cách vào, nhưng nhờ sự giúp đỡ của các chú bộ đội mà giờ đây em đã vào học một cách thuần thục hơn", em Dì Thị Nhung nói.
Dù điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng vì tương lai con em mình, nhiều gia đình ở Dào San, Phong Thổ đã “thắt lưng buộc bụng” bán ngô, thóc, hoặc vay mượn để mua thiết bị cho con em để học trực tuyến. Song, do học sinh vùng cao ít được tiếp xúc với các thiết bị thông minh, nên khi tiếp cận sử dụng rất bỡ ngỡ.
Chị Sùng Thị Dẻ ở bản Hợp 2, xã Dào San cho biết: "Tôi rất lo lắng với tình hình dịch bệnh hiện nay, các con không thể đến trường học được, không theo kịp kiến thức các bạn học tập trên lớp. Tình hình dịch bệnh trong bản hiện nay số ca nhiễm Covid-19 cũng tăng nhiều, do người dân đi làm ăn xa về. Nhưng nhờ các chú bộ đội mà các con đã biết truy cập vào học trực tuyến, nắm được các kiến thức các cô giáo dạy trên lớp".
Về phía các nhà trường, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc dạy và học nhiều khi bị gián đoạn, nên không khỏi lo lắng. Để đảm bảo chương trình của năm học, các nhà trường đã linh hoạt trong việc giảng dạy như giao bài, học trực tuyến... dưới sự hỗ trợ của các lực lượng đứng chân trên địa bàn như bộ đội biên phòng, công an, dân quân, cán bộ các thôn, bản...
Cô giáo Nguyễn Thị Nga, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Dào San chia sẻ: "Tình hình dịch bệnh phức tạp như thế này thì không biết đến khi nào các em có thể quay trở lại lớp để học trực tiếp được. Thế nên là việc học trực tuyến vẫn phải diễn ra để cho các em có kiến thức để chuẩn bị thi học kỳ. Cũng rất mong là các chú bộ đội sẽ tiếp tục cố gắng, nhiệt tình giúp đỡ các thầy, cô giáo hoàn thành tốt chương trình năm học của năm nay".
Đồn Biên phòng Dào San, huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) hiện đang quản lý địa bàn 3 xã, gồm Dào San, Mù Sang, Tung Qua Lìn, với gần 30 bản, khoảng 14.000 nhân khẩu.
Đại úy Đinh Danh Cẩn, Chính trị viên của Đồn cho biết, dịch bệnh Covid-19 đang tác động rất lớn đến đời sống của người dân, nhất là việc học tập của con em các dân tộc trên địa bàn. Đến nay, các trường học ở 3 xã đã ghi nhận hơn 170 học sinh mắc Covid-19, khiến việc học tập gặp không ít khó khăn.
"Quán triệt chương trình “Nâng bước em đến trường” của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Đảng ủy Đồn cũng đã chỉ đạo Đội vận động quần chúng của đơn vị phối hợp với cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương; đặc biệt là các đơn vị trường trên địa bàn thực hiện cải cách, đổi mới nhiều phương pháp tuyên truyền, vận động các em đến trường. Bằng phương pháp “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng học sinh”, thì chúng tôi cũng đã phối hợp với giáo viên của các điểm trường, hướng dẫn cho các em để kết nối với các điểm cầu của nhà trường; để làm sao có những hình ảnh thông suốt nhất, cho các em dễ hiểu nhất", Đại úy Đinh Danh Cẩn cho hay.
Dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có việc giảng dạy, học tập của các nhà trường. Tại tỉnh biên giới Lai Châu, nhờ sự nỗ lực, linh hoạt của các thầy, cô giáo trong tổ chức giảng dạy; sự quan tâm, hỗ trợ của các lực lượng đứng chân trên địa bàn, đã, đang giúp các nhà trường nơi đây cơ bản hoàn thành chương trình năm học 2021 - 2022 theo tiến độ đề ra./.