Các nhà tuyển dụng chỉ ra điểm yếu của sinh viên mới ra trường

Kinhtedothi – Các nhà tuyển dụng chỉ ra rằng, thực tế kinh nghiệm không phải là điểm bất lợi của sinh viên mới ra trường. Bất lợi đến từ chính thái độ làm việc, thái độ nhập cuộc của ứng viên trẻ.

Sinh viên mới ra trường, kinh nghiệm ở đâu?

Hầu như vị trí tuyển dụng nào cũng yêu cầu ứng viên có vài năm kinh nghiệm. Với sinh viên mới ra trường, yêu cầu này được cho là rào cản lớn nhất để các em đến với công việc mà mình mơ ước.

Các nhà tuyển dụng phỏng vấn ứng viên là sinh viên

Các nhà tuyển dụng phỏng vấn ứng viên là sinh viên

“Chúng em vừa ra trường, vị trí tuyển dụng lại yêu cầu có kinh nghiệm thì làm sao chúng em đáp ứng được? Em thấy việc đưa ra tiêu chuẩn về kinh nghiệm trong tuyển dụng và áp dụng với mọi ứng viên là không công bằng bởi rõ ràng chúng em thua cuộc ngay từ vòng “gửi xe” so với các ứng viên đã từng đi làm hoặc chuyển vài ba công ty”- Nguyễn Ngọc Hiền, sinh viên năm cuối khối ngành Kinh tế chia sẻ.

Theo các nhà tuyển dụng thì nhìn chung nhân sự ngành nào cũng "rất thiếu, vô cùng thiếu" nhưng các đơn vị chỉ tuyển vào làm và chỉ trả lương cho người biết, có kiến thức về khối ngành mình được đào tạo.

"Khi phỏng vấn các ứng viên vừa rời ghế nhà trường, chúng tôi thường đặt câu hỏi về kiến thức cơ bản, cốt lõi mà các em được học. Tôi từng gặp nhiều ứng viên, khi được hỏi các câu hỏi như vậy lại trả lời "không nhớ", "không biết" hoặc "quên rồi". Với những ứng viên như vậy, chúng tôi đánh giá là các em không có thái độ cầu thị, chưa sẵn sàng làm việc; do vậy, chúng tôi không tuyển dụng những ứng viên này", ông Nguyễn Hải Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghê tế bào Mescells bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Hải Nam, sinh viên ngồi trên ghế nhà trường là phải học, lĩnh hội tất cả kiến thức cơ bản, cốt lõi được thầy cô truyền dạy cộng ý thức tự học của cá nhân để tạo một nền tảng vững chắc, cũng như định vị cá nhân mình. Những nhà tuyển dụng không bao giờ vô lí đến mức yêu cầu sinh viên vừa ra trường đã có kinh nghiệm làm việc. Chữ “kinh nghiệm” ở đây được hiểu là tinh thần sẵn sàng nhận công việc trên cơ sở tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng từ ngày còn ngồi trên giảng đường đại học.

“Ví như, khi còn là sinh viên, bạn tham gia các công việc của phòng thí nghiệm, đó là bạn có kinh nghiệm làm việc tại phòng thí nghiệm; bạn tham gia tổ chức sự kiện cho Đoàn thanh niên, đó là kinh nghiệm tổ chức sự kiện hay trong thời gian làm khóa luận, bạn tích cực thực hiện các nội dung phục vụ khóa luận. Tất cả những thứ đó chính là kinh nghiệm”- ông Nguyễn Hải Nam nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm– CEO Cty TNHH BCE Việt Nam thành thật kể rằng, bà và cộng sự rất “sợ” những ứng viên mới ra trường, đi xin việc và nghĩ rằng mình có bằng đại học là “giỏi”, là “oai”; dù chưa có kỹ năng đã đòi làm việc lớn, không muốn làm việc đơn giản.

“Tất cả kỹ năng đều phải học từ việc làm nhỏ nhất. Kỹ năng không, hiểu biết chưa, hỏi về kiến thức sách vở cũng lắc đầu. Thử hỏi, ai dám nhận các bạn như vậy”?- bà Thanh Tâm nói; đồng thời cho biết, lý do các công ty muốn nhận người có kinh nghiệm, cái chính là bởi những người này vừa biết việc lại vừa có thái độ đúng, có tính khiêm nhường nhất định. Thái độ và ý thức mới là điều quan trọng nhất của ứng viên mới ra trường.

Các ứng viên trẻ cần gì?

Bằng trải nghiệm của chính mình, các chuyên gia, các nhà tuyển dụng cho rằng, sinh viên nên sớm đến các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức để xin kiến tập, tìm hiểu công việc mình sẽ làm trong tương lai; từ đó tiếp cận, nghiên cứu công việc theo ngành nghề mình đã và đang học càng sớm càng tốt.

Sinh viên nên sớm đến các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức để xin kiến tập, tìm hiểu công việc mình sẽ làm trong tương lai

Sinh viên nên sớm đến các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức để xin kiến tập, tìm hiểu công việc mình sẽ làm trong tương lai

Trong quãng thời gian sinh viên, các em cần tranh thủ học, ngoài kiến thức nền tảng trong sách vở còn học các kiến thức khác ở nhiều kênh, nguồn khác nhau. Đừng để năm thứ tư mới bắt đầu tìm hiểu ngành nghề, lĩnh vực mình sẽ làm. Việc tìm hiểu này cần được thực hiện sớm ngày từ lớp 12 hoặc sinh viên năm nhất.

"Khi đã bước chân đi xin việc, các ứng viên trẻ cần xác định và có ý thức làm việc rõ ràng, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, nhận thử thách. Ngoài kiến thức nền tảng, các em cần trang bị cho mình kiến thức xã hội, kỹ năng về tin học và ngoại ngữ. Hãy bước ra khỏi vùng an toàn, mạnh mẽ đưa chân ra ngoài cuộc sống để thử thách và sáng tạo", ông Lê Khắc Quyết- Cố vấn Kỹ thuật Tổ chức WWF Việt Nam nêu kinh nghiệm

Còn Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn BioGroup Lê Văn Trị khẳng định, sinh viên học ngành nào ra trường cũng đều có thể làm được việc, xin được việc nếu có ý chí, nguyện vọng, quyết tâm và định hướng rõ ràng.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BioGroup thì sinh viên tốt nghiệp đại học hay chưa không quan trọng, có chứng chỉ ngoại ngữ hay tin học cũng không quan trọng. Khi đi làm, mọi bằng cấp là yếu tố cần để được trao cơ hội; khi vào làm rồi, năng lực từ những tấm bằng hay chứng chỉ kia phải được thể hiện qua thực tế , qua hiệu quả, qua sản phẩm; từ đó các kỹ năng, kiến thức sẽ bộc lộ hết ra ngoài.

Trước đó, trả lời băn khoăn về việc sinh viên học trường đại học tốp trung bình, khi ra trường có bị "lép vế" so với sinh viên trường tốp đầu không, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy cho rằng, mỗi cơ sở giáo dục đại học có sự chọn lọc khác nhau về đầu vào cũng như đầu ra. Với các trường đặt chuẩn đầu ra cao, chắc chắn sẽ tạo được sức hấp dẫn hơn, sinh viên các trường đó cũng được thị trường lao động tin tưởng đón nhận hơn.

“Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cá nhân mỗi sinh viên còn quan trọng hơn rất nhiều so với nhiều danh tiếng hay tên của một tấm bằng đại học. Một sinh viên xuất sắc nhất trường tốp trung bình tốt hơn rất nhiều sinh viên làng nhàng trường tốp đầu. Các nhà tuyển dụng cũng đánh giá trên năng lực thực tế của từng cá nhân chứ không phải chìa bằng cấp ra là họ tin ngay, nhận ngay. Có sinh viên học ở những trường không phải tốp đầu nhưng với nỗ lực, khả năng tự học, tự thích ứng với thị trường lao động, sự thay đổi của công nghệ cộng kiến thức nền tảng tại các nhà trường, các em hoàn toàn có thể vươn lên khẳng định mình và chứng minh doanh nghiệp, đơn vị đó may mắn khi có mình...."- Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy bày tỏ.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cac-nha-tuyen-dung-chi-ra-diem-yeu-cua-sinh-vien-moi-ra-truong.html