Các nhà xuất bản trên thế giới chống sách giả, sách lậu như thế nào?
Hàng trăm triệu USD bị thất thoát mỗi năm vì sách giả, sách lậu. Vấn nạn này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà xuất bản, nhất là trong bối cảnh nhiều nơi 'đóng băng' vì dịch Covid-19.
Sách giả, sách lậu đang giết chết nhiều nhà xuất bản, công ty sách lớn nhỏ trên toàn cầu mỗi năm. Nó khiến các tác giả mất thu nhập và không còn cảm hứng sáng tác. Trong khi đó, bạn đọc mất tiền nhưng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí tiếp nhận thông tin sai trong sách.
"3 nhà" đều thiệt hại vì sách giả, sách lậu
Đài CNBC dẫn thông tin từ Cengage - đơn vị xuất bản nội dung số về giáo dục và công nghệ, hiện hoạt động trên 20 quốc gia - ước tính rằng doanh thu từ mảng sách giáo khoa của công ty đã sụt giảm đến 17% trong năm 2017. Nguyên nhân chính là “sự gia tăng đột biến của sách giáo khoa giả và sách điện tử lậu".
“Chúng tôi phải chịu thiệt hại đến 100 triệu USD vì sách giả, sách lậu. Đây là con số đáng báo động", CEO Michael E. Hansen của Cengage cho biết.
Theo người này, công nghệ làm sách giả đang ngày càng tinh vi, có hệ thống. Trong khi đó, số lượng vụ vi phạm tác quyền liên tục tăng trong những năm gần đây.
Bên cạnh nhà xuất bản và tác giả, bạn đọc cũng chịu thiệt hại vì nạn sách lậu, sách giả. Số lượng tác giả “biến mất" do mất thu nhập từ viết sách ngày càng tăng, trong khi độc giả ngày càng khó tìm thấy tác phẩm chất lượng.
Năm 2017, hai tựa sách best seller là Microbiology: A Systems Approach và Business Driven Information Systems bị làm giả chỉ sau vài tuần ra mắt. Đặc biệt, bản ebook của cuốn sách xuất hiện phiên bản tải về miễn phí chỉ sau ít giờ nó được phát hành.
Những phiên bản “lỗi" trôi nổi trên mạng đó thường chỉ được sao chép một cách sơ sài, thiếu nhiều nội dung, hoặc tệ hơn là bị chỉnh sửa thông tin. Chính điều này gây tổn hại nghiêm trọng với độc giả, khi họ phải tiếp nhận thông tin sai lệch, bị chỉnh sửa hoặc cắt xén quá nhiều.
Rất nhiều tác giả đã lên tiếng và sát cánh cùng đơn vị xuất bản để nỗ lực đẩy lùi nạn sách giả, sách lậu.
Năm 2019, liên minh tác giả gồm John Grisham, Scott Turow, R.L. Stine, Sylvia Day và nhiều nhà văn hàng đầu khác tại Mỹ, đã cùng nhà xuất bản Penguin Random House theo đuổi cuộc chiến pháp lý, nhằm chống lại một trong những website chuyên ăn cắp và bán sách điện tử lậu lớn nhất thế giới.
"Đã đến lúc các đơn vị xuất bản cần chung tay hành động để chặn đứng hành vi phạm pháp này", Michael E. Hansen nói.
Các nhà xuất bản “phản công"
Năm 2012, hai nhà xuất bản McGraw-Hill và Pearson Education đệ đơn lên tòa án Mỹ, khởi kiện doanh nhân Murray Chuck Jones, vì làm giả những bộ sách giáo khoa của họ. Nguyên đơn tố cáo Murray đã làm giả số lượng lớn sách giáo khoa, bán và cho sinh viên thuê với giá thấp hơn một nửa so với thị trường.
Vụ kiện này buộc Murray và các công ty liên kết phải dừng hành vi vi phạm bản quyền và bồi thường cho các nhà xuất bản. Đây chính là phát súng mở đầu cho một liên minh gồm nhiều nhà xuất bản cùng chống lại ngành công nghiệp làm giả sách.
Chúng tôi phải chịu thiệt hại đến 100 triệu USD vì sách giả, sách lậu. Đây là con số đáng báo động.
CEO Michael E. Hansen
Giờ đây, hàng loạt đơn vị trong ngành xuất bản như Cengage, McGraw-Hill Education, Pearson và Ingram & Chegg cùng nhau triển khai chiến dịch quy mô lớn, chống lại nạn sách giả, sách lậu tại thị trường Bắc Mỹ.
Từ năm 2018, chiến dịch chống sách giả do liên minh EPEG (Educational Publishers Enforcement Group) dẫn đầu, đã làm việc trực tiếp với các nhà phân phối sách để chấm dứt tình trạng bán sách giả tràn lan.
Chiến dịch này yêu cầu thiết lập những quy trình đặc biệt gồm xác minh thông tin nhà cung cấp; kiểm tra thường xuyên tựa sách được phân phối; phối hợp điều tra những đơn vị bán sách bất hợp pháp. Quan trọng hơn, khi phát hiện được sách giả, họ sẽ chia sẻ dữ liệu để giúp xác định nguồn gốc và tiến hành quy trình tố tụng.
Tại thị trường châu Âu, nhà xuất bản HarperCollins cùng Penguin Random House triển khai hệ thống nhằm giúp người đọc có thể phản ánh việc mua sách giả, thậm chí hỗ trợ để bảo vệ quyền lợi của người mua sách.
Các nhà xuất bản có thể hành động quyết liệt hơn tại châu Âu là nhờ có luật bản quyền nghiêm ngặt, đặc biệt là tại Anh, Pháp và Đức. Ở những quốc gia này, người xâm hại tác quyền có thể bị phạt tù lên đến 5 năm.
Kể từ năm 2017, Công ty Cengage đã áp dụng công nghệ chống sách giả. Một mã QR bắt buộc được gắn trên bìa từng cuốn sách, người mua có thể xác thực hiện trạng của sản phẩm chỉ qua việc quét mã. Nếu thông tin không chính xác, hoặc sách không có mã QR, người đọc có thể phản ánh trực tiếp trên trang web của công ty.
Tương tự, McGraw-Hill Education sử dụng cái mà họ gọi là "Prooftag", được gắn sau mỗi cuốn sách thật. Bạn đọc có thể tra cứu số liệu như thời gian xuất bản, thông tin pháp lý và địa điểm mua, thông qua việc quét mã hoặc tra cứu trên trang web của đơn vị này.