Các nhân chứng kể về chiến thắng lịch sử ngày 1/4
Đại tá Trần Văn Mười tại bờ biển TP Tuy Hòa năm 1975. Ảnh do nhân vật cung cấp
Sau gần nửa thế kỷ chiến tranh kết thúc, nhưng ký ức về trận đánh lịch sử giải phóng TX Tuy Hòa và giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Yên năm ấy vẫn còn nguyên vẹn trong lòng của các cựu chiến binh (CCB): đại tá Trần Văn Mười, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, nguyên Trưởng Ban Tác chiến Tỉnh đội Phú Yên chiến dịch Xuân 1975; thiếu tá Trần Thanh Quang, người dẫn đầu đoàn xe tăng đánh cửa mở; trung úy Ngô Minh Kỳ, nguyên Tiểu đoàn phó, Huyện đội phó Tuy An.
Để có được cuộc sống hòa bình như hôm nay, biết bao người con của quê hương Phú Yên, của đất mẹ Việt Nam đã hy sinh tuổi thanh xuân và cả xương máu của mình. Các CCB Trần Văn Mười, Trần Thanh Quang, Ngô Minh Kỳ là những người may mắn trong hàng vạn, hàng triệu người trực tiếp cầm súng chiến đấu chống giặc được chứng kiến giờ phút tỉnh nhà được giải phóng, hai miền Bắc - Nam thống nhất.
Thời khắc lịch sử không quên
Nhắc đến thời khắc lịch sử quan trọng năm ấy, đại tá Trần Văn Mười như trẻ lại, sôi nổi hẳn và cho biết: “Không riêng gì tôi mà tất cả đồng đội, mọi người dân Phú Yên đều vỡ òa trong hạnh phúc, niềm vui vô bờ khi quê hương Phú Yên được hoàn toàn giải phóng”.
Ông Mười nhớ lại: Ngày 25/3/1975 kết thúc trận đánh Đường 5, địch tan rã hoàn toàn, số bị tiêu diệt, bị bắt, một số chạy thoát, quân ta thu chiến lợi phẩm và tiến hành cải tạo tù binh. 8 giờ ngày 26/3, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 hiệp đồng với Tỉnh đội để đánh vào TX Tuy Hòa, giải phóng Phú Yên. Đoàn cán bộ của Tỉnh đội gồm: đồng chí Ông Văn Bưu (Tỉnh đội trưởng) cùng nhiều đồng chí khác, khi đi qua đoạn xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa bây giờ) thì quân ta tưởng địch còn sót lại đang cải trang để trốn chạy nên nổ súng, nhưng đã nhanh chóng nhận ra. Rất may là không ai bị thương. Sau khi vượt sông Ba, trưa hôm đó, đoàn dừng lại ở Thạnh Hội (xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa) tổ chức họp bàn giải phóng TX Tuy Hòa và toàn tỉnh Phú Yên theo chỉ đạo của Quân khu 5.
Theo chỉ thị của Sở chỉ huy và Ban Tác chiến, các đơn vị tổ chức kiểm tra, gỡ bom mìn hai bên đường số 7 để chuẩn bị tập trung lực lượng tấn công địch, giải phóng TX Tuy Hòa. Đại đội Công binh 19 của Tỉnh đội và Sư đoàn 320 bộ đội chủ lực tiến hành rà soát kiểm tra đến tối 29/3 mới xong. Đêm 30/3, Sư đoàn 320 vượt sông Ba sang Tuy Hòa 1 cùng phối hợp các đơn vị của tỉnh đánh địch theo trục đường 5. Còn trung đoàn 2, 3 phụ trách bên Tuy Hòa 2 đánh địch theo trục đường 7. Quân ta chia làm 2 mũi. Đúng 5 giờ sáng 1/4/1975 tất cả đồng loạt nổ súng tấn công TX Tuy Hòa. Địch chống đỡ yếu ớt, hoảng hốt tháo chạy xuống bờ biển trước cửa Tỉnh đường (nay là trụ sở khối Mặt trận) và vượt sông sang phía Đông Tác. Bị cánh quân của ta bên đó chốt sẵn, chặn đánh nên chúng không có đường lui. Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, phụ tá hành quân Tư lệnh Quân đoàn II, trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân đóng tại dinh Tỉnh trưởng Phú Yên không lên máy bay được, bị bộ đội chủ lực của ta bắt giữ. Bộ binh Sư đoàn 320 phát triển ra Tuy An và giải phóng hoàn toàn Phú Yên.
Thiếu tá Trần Thanh Quang, người dẫn đầu đoàn xe tăng đánh cửa mở vào Tỉnh đường ngụy, nhớ lại: Ngày 27/3/1975, tôi được bổ sung vào đơn vị tăng của Sư đoàn 320 đảm nhiệm dẫn đường đánh cửa mở vào Tỉnh đường (Tiểu khu Tỉnh đường ngụy). Đoàn xe tăng gồm 12 chiếc T54, M41 (mỗi xe 5 người) triển khai đội hình 2 mũi song song. Mỗi mũi 6 xe đi từ Củng Sơn xuôi theo quốc lộ 25, khi xuống tới quốc lộ 1 thì mũi 1 đi theo đường Trần Hưng Đạo tiến đánh Tỉnh đường ngụy; mũi còn lại rẽ sang sân bay Đông Tác. Tôi ở mũi 1.
Từ 0 giờ 1/4/1975, quân ta tiến đánh địch đến cây số 2 (quốc lộ 25) rồi rẽ sang cầu Ông Chừ. Lúc đó hỏa lực trận địa pháo của địch từ trên Tháp Nhạn bắn xuống cấp tập. Ta dùng pháo 100 nòng dài của xe tăng T54 bắn thẳng mục tiêu của địch, đánh chiếm quốc lộ 1; triển khai 2 mũi, một mũi từ trái đến ngã ba quốc lộ 1, một mũi theo đường Trần Hưng Đạo tiến xuống Tỉnh đường. Khi đoàn xe xuống đến ngã tư Duy Tân - Trần Hưng Đạo, địch từ sở chỉ huy của chúng đánh lên. Hai bên giằng co quyết liệt. Đến 7 giờ sáng 1/4 quân ta đánh chiếm sở chỉ huy của địch, giải phóng TX Tuy Hòa.
Còn cựu chiến binh Ngô Minh Kỳ, khi ấy là lính bộ binh của Tiểu đoàn 96 kể: Sau khi đánh địch giải phóng thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) ngày 24/3, Tiểu đoàn 96 hành quân xuống Phú Sen củng cố lực lượng, chuẩn bị phối hợp với các đơn vị tấn công giải phóng TX Tuy Hòa. Nhận lệnh, tối 30/3/1975, Tiểu đoàn 96 chuẩn bị đánh địch ở vùng ven. Đại đội 1 đánh cứ điểm Núi Sầm (xã Hòa Trị) có sự hỗ trợ của lực lượng pháo Sư đoàn 320. Lúc đầu địch chống trả quyết liệt, nhưng trước sự tấn công như vũ bão của ta, đến 6 giờ sáng 31/3 địch tháo chạy. Đại đội 1 tiếp quản cứ điểm này. Sau khi đóng chốt và truy quét tàn quân ở vùng ven của xã Hòa Trị, sáng 1/4 Tiểu đoàn 96 tiếp tục truy quét tàn quân địch ở TX Tuy Hòa, một đại đội tiến đánh và trấn giữ sân bay Khu chiến (quốc lộ 1), một đại đội trấn giữ sân vận động.
Hòa niềm vui chiến thắng
Đến trưa 1/4/1975, cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc dinh Tỉnh trưởng Phú Yên, Đài chỉ huy quân sự sân bay Đông Tác, Chi khu Tuy Hòa 1, Chi khu Tuy Hòa 2...; tỉnh Phú Yên hoàn toàn giải phóng, kết thúc cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh trong hơn 20 năm.
Giờ đây, đã 45 năm trôi qua, những dấu tích của chiến tranh, của Phú Yên xưa phần lớn đã được thay thế bằng những công trình kiến trúc sáng đẹp; TP Tuy Hòa hôm nay với vóc dáng, diện mạo mới, nhưng ký ức về ngày giải phóng 1/4, trên sân vận động và khắp TX Tuy Hòa rực rỡ cờ hoa, lòng người hân hoan vui mừng chiến thắng mãi mãi khắc sâu trong tâm trí của những cựu chiến binh đã chứng kiến trọn vẹn thời khắc lịch sử ấy.
Ông Mười cho biết: “Do có sự chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ từ trước nên việc tiếp quản các công sở, cơ sở vật chất của Mỹ - ngụy diễn ra nhanh gọn, trật tự và an toàn. Tạm gác lại niềm vui chiến thắng, ta khẩn trương thành lập chính quyền cách mạng và tập trung cải tạo số binh lính sĩ quan chế độ cũ và sẵn sàng đánh địch phản kích”.
Ông Quang hồi tưởng: “Đây là lần đầu tiên ở chiến trường Phú Yên, đội hình tác chiến của bộ đội ta có xe tăng, pháo binh phối hợp đã gây cho địch hoang mang. Trước ngày Phú Yên giải phóng, địch đã đàn áp dã man những người yêu nước nên TX Tuy Hòa hầu như nhà nào cũng đóng cửa. Đến khi Phú Yên giải phóng, bà con mở cửa ùa ra chào đón bộ đội, cán bộ giải phóng. Khung cảnh buổi sáng hôm đó thật nhộn nhịp, kẻ khuân, người vác, gồng gánh, gọi nhau í ới… trở về quê cũ, trên khuôn mặt hoan hỉ rạng rỡ nụ cười xen lẫn với nước mắt dâng trào. Những người chiến sĩ như chúng tôi vừa tự hào vừa xúc động không sao diễn tả hết”.
Tôi may mắn được trở về với gia đình, được chứng kiến quê nhà giải phóng, sạch bóng quân thù. Chỉ tiếc rằng, đến giờ phút cận kề với chiến thắng nhưng vẫn còn đồng đội phải hy sinh. Vì vậy, tôi luôn tự nhủ và nhắc nhở con cháu phải sống sao cho xứng đáng với những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc, để chúng ta có cuộc sống tươi đẹp. Ông Ngô Minh Kỳ