Các nhân chứng khai gì trong phần xét hỏi vụ án nâng điểm tại Sơn La?
Chiều nay (16/10), phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi tại tỉnh Sơn La tiếp tục được diễn ra ở phần xét hỏi. HĐXX tập trung hỏi các nhân chứng trong vụ án.
Theo đó, ông Đinh Văn An, nhân chứng (đã nghỉ hưu) khai báo là đồng nghiệp với các bị cáo tại Sở GD&ĐT và có quen biết với 2 bị cáo là công an. “Trong kỳ thi THPT năm 2018, tôi được phân công giám sát kỳ thi, giám sát công tác chấm thi. Về các tình tiết trong vụ án này, tôi chỉ biết sau khi vụ án và các bị cáo bị khởi tố”, ông An nói.
Trong công tác giám sát môn thi tự luận, ông An cho biết không được giao nhiệm vụ mà chỉ giám sát bên bộ phận chấm thi trắc nghiệm. Ngày 29/6/2018 đến khi kết thúc chấm thi trắc nghiệm, ông An chỉ làm việc theo giờ hành chính, trong quá trình làm việc không phát hiện ra điểm gì tiêu cực trong tổ chấm thi.
Cũng được triệu tập với tư cách người làm chứng, ông Trần Văn Điện, cán bộ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP.Sơn La, tỉnh Sơn La có quen biết với bị cáo Nga qua công việc.
Trong kỳ thi THPT năm 2018, ông Điện có nhờ bị cáo Nga xem điểm giúp 4 thí sinh là con của bạn thân và anh em cùng cơ quan với mong muốn truyền đạt nguyện vọng của phụ huynh “muốn xem trước điểm để có thể điều chỉnh nguyện vọng cho thí sinh một cách phù hợp”.
“Tôi trực tiếp đưa thông tin các thí sinh cho bị cáo Nga gồm thẻ dự thi photo của các thí sinh, ngoài ra không có thêm thông tin gì. Bị cáo Nga chỉ nói nếu xem được sẽ thông báo nhưng bị cáo Nga không thông báo lại”, ông Điện nói.
Ngoài ra, ông Điện cũng cho biết không rõ bị cáo Nga có thực hiện không, chỉ sau khi vụ án bị khởi tố mới biết các thí sinh đã nhờ nằm trong danh sách các thí sinh được nâng điểm.
Đối chất ngay tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga cho rằng ông Điện nhờ giúp đỡ cho các cháu, không nói là xem điểm mà chỉ nói “giúp đỡ để đạt điểm như mong muốn”; và bị cáo đã thực hiện việc sửa và nâng điểm. Trong quá trình giúp đỡ, ông Điện có cảm ơn 1.040.000.000 đồng. Hiện, bị cáo đã nộp cho CQĐT.
Phản bác lại lời khai trên của bị cáo Nga, ông Điện một lần nữa khẳng định “chỉ nhờ bị cáo xem trước điểm cho các thí sinh để gia đình kịp thời điều chỉnh nguyện vọng”.
Ngoài ra, những người làm chứng khác cũng khai báo rằng, họ chỉ nhờ xem trước điểm cho con em mình để kịp thời điều chỉnh nguyện vọng. Tuy nhiên, hầu hết những trường hợp này đều đã được sửa và nâng điểm. Theo lời khai của các nhân chứng trước tòa, sau khi Bộ GD&ĐT tổ chức chấm lại bài thi, những thí sinh này đã được nhà trường trả về.
Trước đó, trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Trần Xuân Yến, nguyên Phó GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cho biết, bị cáo không nhất trí với nội dung cáo buộc về trách nhiệm và hành vi. Cáo trạng nêu bị cáo chịu trách nhiệm giám sát kết quả chấm thi trắc nghiệm là không đúng nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, nguyên PGĐ Sở GD&ĐT Trần Xuân Yến khẳng định không nhận nâng điểm cho thí sính nào. Danh sách thí sinh mà bị cáo nhận và đưa cho bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Sơn La là để nhờ xem hộ điểm cho con em của bạn bè, đồng nghiệp. Trong vụ việc này, bị cáo một lần nữa khẳng định không nhận được bất kỳ lợi ích nào.
Tại phiên tòa, bị cáo Yến phủ nhận toàn bộ lời khai của cấp dưới về đưa danh sách 13 thí sinh nhờ nâng điểm thực chất chỉ để “nhờ xem điểm”.
Cụ thể, theo lời khai của nguyên Phó GĐ Sở GD&ĐT, ngày 28/6/2018, ông Hoàng Tiến Đức, nguyên GĐ Sở GD&ĐT Sơn La có đưa 2 tờ danh sách với thông tin của 8 thí sinh nhờ xem điểm. Ông Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng phòng Giáo dục THPT, Sở GD&ĐT đưa 1 tờ danh sách viết tay có thông tin của 2 thí sinh.