Các nhân tố ảnh hưởng đến việc tuân thủ thuế thu nhập cá nhân của người nộp thuế thu nhập cá nhân tại Chi cục Thuế quận 3

NGUYỄN THỊ NGỌC ĐIỆP - NGUYỄN QUỐC THỊNH (Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến tính tuân thủ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của người nộp thuế TNCN tại Chi cục Thuế quận 3. Dữ liệu nghiên cứu thu nhập từ 216 phiếu tại TP. Hồ Chí Minh. Các phương pháp kiểm định Cronbach's Alpha, phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA) và hồi quy tuyến tính đa biến được sử dụng trong nghiên cứu này. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 4 nhân tố ảnh hưởng, trong đó có 3 nhân tố ảnh hưởng tích cực, là: kiến thức thuế, nhận thức tính công bằng thuế, nhận thức về hình phạt và có 1 nhân tố ảnh hưởng tiêu cực là chi phí tuân thủ thuế.

Từ khóa: tuân thủ thuế, thuế thu nhập cá nhân.

1. Đặt vấn đề

Thuế TNCN là một sắc thuế trực thu, ra đời tương đối sớm, lần đầu áp dụng tại Hà Lan vào năm 1797. Sau đó, thuế TNCN được nhanh chóng áp dụng ở các nước phát triển. Đến nay, đã có hơn 180 nước áp dụng thuế TNCN và thuế TNCN đã trở thành một trong những thuế quan trọng không thể thiếu trong hệ thống pháp luật thuế của nhiều nước trên thế giới. Các quốc gia phát triển đều coi thuế TNCN là một trong những sắc thuế có tầm quan trọng đặc biệt trong việc huy động nguồn thu của ngân sách và thực hiện phân phối, điều tiết nền kinh tế.

Hiện nay, Việt Nam mỗi năm có hàng nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh. Đây là tiền đề cho nền kinh tế phát triển nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với các cơ quan thuế trong việc quản lý thuế của các cơ quan thuế đặc biệt quan tâm. Tuy đã có nhiều tiến bộ, song qua quá trình thực hiện, luật thuế TNCN đã gặp một số mặt hạn chế: cơ sở thuế hẹp, quá nhiều thuế suất, không bảo đảm tính đơn giản, minh bạch về nghiệp vụ, nhiều quy định khó có thể thực hiện, cơ chế quản lý chưa hiệu quả. Để tăng cường tính tuân thủ thuế TNCN, nhóm tác giả đưa ra nghiên cứu xác định các nhân tố ảnh hưởng đến tính tuân thủ thuế TNCN tại Chi cục Thuế quận 3. Kết quả là cơ sở để nhóm tác giả đề xuất các khuyến nghị, nhằm tăng cường việc tuân thủ thuế TNCN của người nộp thuế.

2. Cơ sở lý thuyết 2.1. Lý thuyết triển vọng

Lý thuyết triển vọng được đề xuất lần đầu tiên bởi Daniel Kahneman và Amos Tversky (1979). Nội dung của lý thuyết này như sau: hành vi ra quyết định của con người có 3 đặc điểm chính: (1) tùy thuộc vào bản chất của triển vọng là gì, hành vi của con người đôi lúc thể hiện sự không thích rủi ro; (2) con người đánh giá với các khoản lời và lỗ so với một mức tham khảo; (3) con người sợ thua lỗ bởi cái mất tác động đến cảm xúc của họ mạnh mẽ hơn cái có được.

Lý thuyết triển vọng được áp dụng để nghiên cứu về độ tuân thủ thuế. Để kiểm tra mối quan hệ quan hệ giữa nhân tố rủi ro bị phát hiện và mức độ tăng nặng của hình phạt trong trường hợp trốn thuế.

2.2. Lý thuyết hành động hợp lý

Lý thuyết hành động hợp lý được khởi xướng bởi Ajzen và Fishbein, 1975. Nội dung của lý thuyết này là xem xét các mối quan hệ giữa niềm tin và thái độ, động cơ, ý định và hành vi, trước khi quyết định một hành vi nào đó mọi người sẽ cân nhắc và xem xét những kết quả có thể xảy ra nếu thực hiện các hành vi đó và mọi người sẽ lựa chọn thực hiện hành vi có khả năng mang lại kết quả như mong muốn.

Lý thuyết hành động hợp lý giúp các nhà nghiên cứu có thêm công cụ hữu ích để giải thích hành vi tuân thủ thuế thông qua các công trình nghiên cứu như về hành vi tuân thủ thuế như (Jackson và Milliron, 1986), (Benk và cộng sự, 2011). Nhiều nghiên cứu cho rằng việc thiết lập sự tin tưởng lẫn nhau và thấu hiểu người nộp thuế có ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ thuế của người nộp thuế.

2.3. Lý thuyết kỳ vọng

Lý thuyết kỳ vọng được Lewin (1944) phát triển, nội dung của lý thuyết này cho rằng con người quyết định theo một hướng cụ thể, hành động này dựa trên hành động khác mà việc lựa chọn đó dựa trên mong muốn nhận thức của cá nhân đó về kết quả của hành vi được lựa chọn. Nói cách khác, khi một người tin tưởng hành động của họ sẽ cho ra kết quả tốt hơn, kết quả đó dẫn đến phần thưởng xứng đáng và có ý nghĩa với sự mong đợi rằng hành vi sẽ tạo ra một kết quả tốt hơn,. Theo lý thuyết, yếu tố cơ bản chi phối hành vi tuân thủ thuế đó là sự mong đợi rằng hành vi sẽ tạo ra một kết quả cụ thể như mong đợi của người nộp thuế. Do đó, điều kiện thứ nhất là người nộp thuế phải có một ý định trốn thuế và thứ hai là có phương tiện trốn thuế để chuyển ý định hành động.

3. Giả thuyết và mô hình nghiên cứu 3.1. Giả thuyết nghiên cứu 3.1.1. Hiểu biết thuế

Thuế là một trong những kiến thức xã hội phức tạp, do đó, để có thể làm chính xác và hiệu quả đòi hỏi người nộp thuế phải có một kiến thức thuế nhất định. Trình độ giáo dục của người nộp thuế tiếp nhận được là nhân tố quan trọng trong việc quyết định tuân thủ thuế hay trốn thuế. Theo Mohd (2002), khi nắm vững các quy định về thuế và có sự hiểu biết về thuế và có sự hiểu biết cụ thể thì sẽ giúp người dân có thể suy ra được những hệ quả của việc né tránh thuế. Nghiên cứu của Eriksen và Fallan (1996) đều cho rằng, người có kiến thức thuế có nhiều khả năng tuân thủ thuế tốt hơn so với người nộp thuế có ít hiểu biết về thuế. Trên cơ sở đó, giả thuyết nghiên cứu đặt ra như sau:

H1: Kiến thức thuế có tác động tích cực đến hành vi tuân thủ thuế TNCN của người nộp thuế.

3.1.2. Nhận thức về tính công bằng thuế

Trong công trình nghiên cứu của Fisher (1992), nhận thức về sự công bằng thuế có liên quan trực tiếp với sự tuân thủ thuế. Người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi nhận thức về tính công bằng của hệ thống thuế, giải thích thêm tầm quan trọng về tính nhận thức công bằng của người nộp thuế, từ đó ảnh hưởng đến việc quyết định kê khai của họ (Chung, 2002) và cho rằng nếu người nộp thuế nhận thức được tính tích cực của thuế thì họ sẽ nâng cao trình độ hiểu biết về tài chính và cải thiện sự tuân thủ thuế. Trong bài nghiên của Wenzel, M (2002) cũng cho rằng người nộp thuế sẽ tuân thủ luật thuế khi họ đã xác định và nghĩ rằng họ được đối xử tốt và nghĩ rằng người nộp thuế đối xử một cách công bằng và tôn trọng của Cơ quan Thuế. Từ các vấn đề nêu trên, giả thuyết nghiên cứu được đề xuất như sau:

H2: Hệ thống thuế tác động tích cực đến hành vi tuân thủ thuế TNCN của người nộp thuế.

3.1.3. Hệ thống thuế

Theo Jackson và Milliron (1986) đã cho rằng, tính chất phức tạp được nhận thấy như là một nguyên nhân có thể dẫn đến không chấp hành pháp luật. Tính chất phức tạp của thuế bao gồm 2 khía cạnh là quá nhiều chi tiết và yêu cầu tính toán quá nhiều. Theo Palil (2010) đã chỉ ra rằng, mức quy định thuế suất càng cao sẽ làm giảm hành vi tuân thủ thuế. Bên cạnh đó, các nghiên cứu Allingham và Sandmo (1972) đã chỉ ra xác suất bị kiểm tra thuế càng cao thì hành vi trốn thuế càng giảm. Từ đó, giả thuyết nghiên cứu được đề xuất.

H3: Hệ thống thuế có tác động tích cực đến hành vi tuân thủ thuế TNCN của người nộp thuế

3.1.4. Nhận thức về hình phạt

Nghiên cứu của Witte và Woodbury (1985) đã cho rằng hành vi tuân thủ thuế có bị tác động bởi nhân tố phát hiện và hình phạt. Theo Friedland (1982) xử phạt càng cao hay thấp đều có mức độ ảnh hưởng tương đương đến hành vi tuân thủ thuế. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng cho thấy tiền phạt càng lớn thì xác suất bị phát hiện thấp có tác động mạnh mẽ hơn mức phạt thấp và khả năng bị phát hiện cao. Từ những cơ sở trên, nhóm tác giả đưa ra giả thuyết.

H4: Nhận thức về hình phạt có tác động tích cực đến hành vi tuân thủ thuế TNCN của người nộp thuế.

3.1.5. Chi phí tuân thủ thuế

Chi phí tuân thủ thuế là những chi phí liên quan đến phạt thuế, thanh tra thuế, kiểm tra thuế… sẽ phát sinh nếu người nộp thuế buộc phải thực hiện. Ngoài các đặc điểm cá nhân, hành vi cá nhân còn bị chi phối bởi sự tính toán giữa lợi ích và chi phí thực hiện hành vi khai báo thuế TNCN. Đối với người nộp thuế, họ sẽ tính toán giữa lợi ích trốn thuế và chi phí tuân thủ thuế. Ngoài ra, chi phí tuân thủ thuế còn phụ thuộc vào hệ thống thuế và sự khác nhau giữa các ngành nghề khác nhau, người nộp thuế có đặc điểm khác nhau. Từ những cơ sở trên, nhóm tác giả đưa ra giả thuyết.

H5: Chi phí tuân thủ thuế có tác động tích cực đến hành vi tuân thủ thuế TNCN của người nộp thuế.

3.2. Mô hình nghiên cứu

Từ cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu có liên quan, nhóm tác giả xây dựng mô hình hồi quy tuyến tính ban đầu như sau: (Xem Hình)

4. Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện mục tiêu nghiên cứu, nhóm tác giả sử dụng cách tiếp cận suy diễn, tức là dựa vào lý thuyết của nghiên cứu trước đây và kết quả nghiên cứu định tính thông qua phỏng vấn chuyên gia đề xuất mô hình. Đồng thời, nhóm tác giả kết hợp với phương pháp quy nạp để kiểm chứng, dựa vào kết quả nghiên cứu định tính sẽ điều chỉnh, bổ sung các biến quan sát trong bảng hỏi để thực hiện nghiên cứu định lượng. Kế thừa nhiều kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả xác định có 5 nhân tố ảnh hưởng đến việc tuân thủ thuế TNCN của người nộp thuế bao gồm: kiến thức thuế, tính nhận thức công bằng thuế, hệ thống thuế, nhận thức về hình phạt và chi phí tuân thủ thuế.

Phương pháp thu nhập số liệu được thực hiện thông qua việc khảo sát, đối tượng khảo sát là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thuế. Số mẫu khảo sát phát ra là 225 thu về 219 phiếu, sau khi kiểm tra các thông tin trên các phiếu, có 216 phiếu có đầy đủ thông tin để nhập dữ liệu và thực hiện phân tích.

5. Kết quả nghiên cứu 5.1. Kiểm định thang đo

Kiểm định thang đo các nhân tố ảnh hưởng đến tính tuân thủ thuế TNCN của người nộp thuế được thực hiện bằng hệ số tin cậy Cronbach's Alpha và phân tích EFA. Kết quả kiểm định cho thấy phần lớn nhân tố đều có hệ số Cronbach's Alpha lớn hơn 0.6; hệ số tương quan biến tổng của các thang đo đều lớn hơn 0.3. Sau khi loại trừ 3 biến quan sát bao gồm KTT04, HTT04 và HP4 còn lại 18 biến quan sát được sử dụng để phân tích EFA.

Phân tích EFA được thực hiện với phương pháp trích hệ số là Component Analysis và phép xoay Varimax, kết quả phân tích có 18 biến quan sát của thang đo các biến độc lập đạt được kiểm định KMO = 0.705, kiểm định Bartlett's Test có Sig = 0.000; số lượng các nhân tố trích được là 5, tương đương với mô hình lý thuyết ban đầu xây dựng, tổng phương sai trích đạt 64.966% (1 nhân tố giải thích 64.966% biến thiên của dữ liệu), trọng số các nhân tố đều lớn hơn 0.5. Như vậy, phân tích EFA thích hợp với các dữ liệu và các biến quan sát tương quan với nhau trong tổng thể, nên được sử dụng cho phân tích tiếp theo.

Thực hiện phân tích EFA của biến phụ thuộc “Tính tuân thủ thuế TNCN”, thì hệ số KMO = 0,788 và kiểm định Bartlett’s Test có Sig = 0,000 thích hợp với các dữ liệu, các biến có tương quan với nhau trong tổng thể. Hệ số tải nhân tố của các biến thang đo chấp hành pháp luật về thuế đều lớn hơn 0,5, giá trị Eigenvalues là 2.807 và phương sai trích 70.164%.

5.2. Phân tích tương quan giữa các biến

Phân tích tương quan cho kết quả hệ số tương quan giữa các biến, mục đích của kiểm tra mối tương quan chặt chẽ giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc để loại bớt các nhân tố có thể dẫn đến hiện tượng đa cộng tuyến trước khi chạy mô hình hồi quy. Trong 5 nhân tố HTT có hệ số Sig > 5% nên bị loại, nhân tố này không tương quan với biến phụ thuộc. Hệ số tương quan của 4 nhân tố còn lại bao gồm: kiến thức thuế (KTT) (0.325), nhận thức về tính công bằng thuế (CBT) (0.346), nhận thức về hình phạt (HP) (0.421), chi phí tuân thủ thuế (CP) (-0.232). Điều này cho thấy biến phụ thuộc có sự tương quan tuyến tính với 4 nhân tố, các biến này có phân phối chuẩn.

5.3. Phân tích hồi quy

Để xác định, đo lường và đánh giá mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến việc tuân thủ thuế TNCN của người nộp thuế, nhóm tác giả sử dụng phương pháp hồi quy tuyến tính bội giữa 4 nhân tố ảnh hưởng thu được từ phần phân tích nhân tố khám phá thu được từ phân tích nhân tố khám phá ở trên (Bảng 1).

Bảng 1. Kết quả hồi quy đa biến

Nguồn: Kết quả phân tích từ SPSS

Theo kết quả hồi quy Enter, ta thu được kết quả hồi quy theo Bảng 1. Kết quả này cho giá trị R2 = 0.561; giá trị R2 cho biết rằng các biến độc lập trong mô hình có thể giải thích được 56.1% sự thay đổi của biến phụ thuộc, còn lại 43.9% là những nhân tố không được đưa vào mô hình. Đồng thời kết quả phân tích cho thấy hệ số phóng đại phương sai VIF nhỏ, đều nhỏ hơn 2, cho thấy các biến độc lập này không có quan hệ chặt chẽ với nhau nên không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến.

Về kiểm định tính độc lập của phần dư chính là đại lượng thống kê Durbin - Watson của hàm hồi quy có giá trị 1.956 < 3 cho thấy không có hiện tượng tự tương quan chuỗi bậc 1 hay nói cách khác các phần dư ước lượng của mô hình độc lập không có mối quan hệ tuyến tính với nhau. Giá trị t tương ứng với Sig của các biến độc lập đều nhỏ hơn 0.05 nên có ý nghĩa thống kê. Từ Bảng 1 cho thấy trong 4 nhân tố quan sát đều ảnh hưởng đến tính tuân thủ thuế TNCN trong đó có 3 nhân tố tác động cùng chiều và 1 nhân tố tác động ngược chiều. Phương trình hồi quy đối với các biến có hệ số chuẩn hóa có dạng như sau:

Y = 0.163X1 + 0.270X2 + 0.463X3 - 0.189X4 + ε1

Trong đó: Y: Tính tuân thủ thuế TNCN

X1: Kiến thức thuế (KTT)

X2: Nhận thức về tính công bằng thuế (CBT)

X3: Nhận thức về hình phạt (HP)

X4: Chi phí tuân thủ thuế (CP)

Bảng 2. Tổng hợp mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đến

tính tuân thủ thuế TNCN của người nộp thuế

Nguồn: Kết quả phân tích từ SPSS

Theo Bảng 2, trong các nhân tố ảnh hưởng, nhân tố nhận thức về hình phát có ảnh hưởng lớn nhất và thuận chiều đến tính tuân thủ thuế TNCN, cụ thể: HP: nhận thức về hình phạt chiếm 42.67%; đứng thứ 2 là CBT: nhận thức về tính công bằng thuế, chiếm 24.88%; đứng thứ 3 là nhân tố CP: chi phí tuân thủ thuế, chiếm 17.42%, đứng thứ tư là nhân tố KTT: kiến thức thuế chiếm 15.02%.

6. Hàm ý chính sách 6.1. Nâng cao kiến thức cho người nộp thuế

Tiếp tục cải tiến chương trình tuyên truyền chính sách thuế thông qua các kênh truyền thông tích hợp. Công tác tuyên truyền thuế TNCN phải được thực hiện sâu rộng, có phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế với cơ quan thông tin đại chúng, tổ chức xã hội. Cơ quan Thuế tăng cường hướng dẫn người nộp thuế lập hồ sơ phải đảm bảo tính đầy đủ, đúng thủ tục, hợp pháp đảm bảo tính đầy đủ, đúng thủ tục, hợp pháp theo quy định của pháp luật.

6.2. Nâng cao nhận thức công bằng về thuế

Tăng cường tính công khai, minh bạch các thông tin cải cách các chính sách thuế từ các kế hoạch, dự toán thu ngân sách nhà nước, báo cáo tài chính của các đối tượng nộp thuế đến mô hình tổ chức, quy trình thực hiện,… nhằm tạo điều kiện về tính minh bạch để cho các đối tượng nộp thuế hiểu biết và thực hiện, tuân thủ theo các quy định hiện hành về thuế TNCN.

Luôn quan tâm đến những lợi ích họ nhận được từ nhà nước thông qua các chính sách phúc lợi. Từ đó, người nộp thuế sẽ chấp nhận tốt các quy định, nâng cao hiệu quả quản lý. Phải cho người nộp thuế thấy được việc nộp thuế là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công công dân, mọi người đều phải bình đẳng.

6.3. Tăng cường nhận thức về hình phạt

Cần xây dựng một chính sách chế tài đủ răn đe những người cố tình trốn thuế. Nếu những người này cố tình trì hoãn tiếp tục trốn thuế, nợ thuế có thể sử dụng các hình phạt nặng hơn như là phạt tù, tạm giam. Từ đó, tạo ra những thông điệp đến người nộp thuế là họ cố tình trốn thuế thì sẽ họ sẽ bị phạt rất nặng.

Tăng cường tuyên truyền hỗ trợ để người nộp thuế nhận thức và hiểu các quy định pháp luật và các hình phạt có thể gánh chịu để có thể tự nguyện tuân thủ thuế.

6.4. Đơn giản hóa các chi phí tuân thủ thuế

Việc có luật thuế quá phức tạp sẽ càng tạo ra nhiều lỗ hổng cho người nộp thuế cho người nộp thuế dựa vào đó để có những hành vi gian lận. Nếu luật thuế phức tạp sẽ gây khó hiểu cho cho người nộp thuế. Đơn giản hóa luật thuế cho người nộp thuế lẫn cơ quan thuế sẽ giảm bớt chi phí phát sinh trong quá trình thực thi và tuân thủ luật thuế, đồng thời đảm bảo tính công bằng cho người nộp thuế, không có sự bao che cho bất kỳ đối tượng nào.

7. Kết luận

Bài viết phân tích để nhận diện 4 nhân tố ảnh hưởng đến việc tuân thủ thuế TNCN của người nộp thuế tại Chi cục Thuế quận 3, bao gồm: Kiến thức thuế, nhận thức về tính công bằng thuế, nhận thức về hình phạt và chi phí tuân thủ thuế. Nhóm hi vọng với kết quả nghiên cứu đạt được sẽ giúp các cơ quan thuế có những chính sách phù hợp và đưa ra những giải pháp phù hợp hơn trong thời gian tới để nâng cao việc tuân thủ thuế TNCN trong cộng đồng người nộp thuế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Kahneman, D., & Tversky, A. (1979). On the interpretation of intuitive probability: A reply to Jonathan Cohen, University of British Columbia. 2. Ajzen, F. M. (2007). I 1975 Belief, attitude, intention, and behavior: An introduction to theory and research. MA: Addison-Wesley.
Jackson Betty và Valerie C Milliron. (1986). Tax compliance research: findings, problems and prospects. Journal of Accounting Literature, 5.
Benk, S., Cakmak, A. F., & Budak, T. (2011). An investigation of tax compliance intention: A theory of planned behavior approach. European Journal of Economics, Finance and Administrative Sciences, 28(28), 180-188.
Lewin Kurt (1944), Personality and the behavior disorders.
Mohd, R. P. (2002). Study on fairness and individual tax compliance in Malaysia: Preliminary Findings. International Journal of Business, Economics and Law, 8, 74-79.
Eriksen, K. and Fallan, l. (1996). Tax Knowledge and Attitudes Towards Taxation: A Report on a Quasi – experiment, Journal of Economic Psychology, 17, 1-6.
Fischer CM, Wartick M, Mark M (1992). Detection Probability and Taxpayer Compliance: A Review of the Literature. J. Acc. Lit. 11: 1-46.
Chung, K. (2002). Does Fairness Matter in Tax Reporting Behavior? Journal of Economic Psychology, 23, 1-8.
Wenzel, M. (2002). The impact of outcome orientation and justice concerns on tax compliance: The role of taxpayers' identity. Journal of applied psychology, 87(4), 629.
Allingham, M.G., and Sandmo, A. (1972). Income tax evasion: A theoretical analysis. Journal of Public Economics, 1(34), 323-38.
Witte, A., and Woodbury, D.F. (1985). What we know about the factors affecting compliance with the tax laws? In P. Sawicki (ed.), Income Tax Compliance: A Report of The ABA Section of Taxation Invitational Conference on Income Tax Compliance, American Barr Association, Chicago, 133-148.13. Friedland, N. (1982). A note on tax evasion as a function of the quality of informationJournal of Applied Social Psychology, 12(1), 54-59.

Factors affecting the personal income tax compliance of taxpayers under the management of the Department of Tax District 3,

Ho Chi Minh City

Nguyen Thi Ngoc Diep 1

Nguyen Quoc Thinh 1

1 Ho Chi Minh City Open Universiy

ABSTRACT:

This study determine the factors affecting the personal income tax compliance of taxpayers under the management of the Department of Tax District 3, Ho Chi Minh City. This study’s data sets were collected from 216 taxpayers. The Cronbach's Alpha, exploratory factor analysis (EFA) and multivariate linear regression were used in this study. The study’s results indicate that there are four factors affecting the personal income tax compliance. In which, 3 factors which have positive correlations with the personal income tax compliance are tax knowledge, perception of tax fairness, perceptions of tax evasion penalties. The factor of tax compliance cost has a negative correlation with the personal income tax compliance.

Keywords: tax compliance, personal income tax.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 3 năm 2021]

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/cac-nhan-to-anh-huong-den-viec-tuan-thu-thue-thu-nhap-ca-nhan-cua-nguoi-nop-thue-thu-nhap-ca-nhan-tai-chi-cuc-thue-quan-3-80326.htm