Các nhóm thuốc điều trị cường giáp và lưu ý khi dùng
Cường giáp là một trong những bệnh lý phổ biến liên quan tới nội tiết. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống của người bệnh…
1. Cường giáp là bệnh gì?
ThS. BSNT Phạm Thị Hồng Nhung, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, cường giáp, hay còn gọi là cường tuyến giáp, là hội chứng tuyến giáp hoạt động quá mức, sản xuất nhiều hormone giáp hơn so với nhu cầu của cơ thể.
Các hormone tuyến giáp như Thyroxine (T4) và Triiodothyronine (T3) có vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng, chuyển hóa và phát triển cơ thể. Vì vậy, khi nồng độ những hormone này trong máu cao sẽ gây ảnh hưởng đến gần như mọi khía cạnh của sức khỏe.
ThS. BSNT Phạm Thị Hồng Nhung, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đưa ra một số lưu ý trong điều trị cường tuyến giáp.
2. Các nhóm thuốc điều trị bệnh cường giáp
Hiện nay có 3 phương pháp điều trị bệnh cường giáp bao gồm điều trị nội khoa (uống thuốc), liệu pháp phóng xạ và điều trị ngoại khoa (phẫu thuật tuyến giáp). Mục tiêu chung của điều trị cường giáp là đưa lượng hormone trở về trạng thái bình giáp, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng có thể gây ra.
Theo đó, các thuốc điều trị bệnh cường giáp bao gồm:
Ức chế tổng hợp hormon tuyến giáp:
- Thuốc kháng giáp trạng tổng hợp: Thuốc kháng giáp trạng này ngăn chặn quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp, bảo vệ tuyến giáp.
Hai loại thuốc kháng giáp thường dùng là propylthiouracil và methimazole. Điều trị bằng thuốc trong thời gian từ 12-24 tháng có thể làm giảm tình trạng tái phát. Thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ như phát ban đỏ, nổi mề đay, ngứa ngáy…
Tuy nhiên cũng có thể có những tác dụng phụ nặng nguy hiểm như hạ bạch cầu đa nhân trung tính, viêm gan nhiễm độc cần ngừng thuốc và chuyển sang phương pháp điều trị khác. Nếu gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ điều trị để có phương án khắc phục kịp thời.
Thuốc kháng giáp có thể gây tương tác bất lợi nếu sử dụng chung với thuốc chống đông và một số loại thuốc khác. Vì vậy người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về các thuốc đang sử dụng. Người có bệnh về máu, gan, thận cần đặc biệt cẩn trọng khi dùng thuốc.
Trước khi ngừng thuốc, người bệnh cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa, đánh giá các nguy cơ tái phát của bệnh.
- I-ốt vô cơ: Nồng độ i-ốt trong máu cao làm tăng nồng độ i-ốt trong tuyến giáp, ức chế gắn i-ốt với thyroglobulin làm giảm lượng hormon tuyến giáp trong máu. Chỉ định i-ốt vô cơ khi người bệnh chuẩn bị phẫu thuật để giảm chảy máu tuyến giáp khi mổ, cơn nhiễm độc giáp cấp.
Điều trị triệu chứng cường giao cảm
Thuốc chẹn beta như metoprolol, bisoprolol, propranolol... giúp làm giảm nhanh các triệu chứng của cường giáp như run tay, tim đập nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực, lo lắng… Thuốc thường được chỉ định khởi đầu với liều thấp, sau đó tăng dần đến khi các triệu chứng cường giáp của bệnh nhân được kiểm soát.
Thuốc chẹn beta có thể gây ra tác dụng không mong muốn là chóng mặt, đau đầu, rối loạn tiêu hóa. Khi gặp phải hiện tượng này, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ để điều chỉnh liều lượng liều lượng thuốc hoặc đổi sang thuốc khác thích hợp hơn.
Cần lưu ý, nếu người bệnh mắc các bệnh như huyết áp thấp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh đường hô hấp, hen suyễn... cần báo ngay cho bác sĩ trước khi dùng thuốc chẹn beta, bởi thuốc này có thể làm các triệu chứng trên trở nên trầm trọng hơn.
Người bệnh không uống nước ép bưởi khi dùng thuốc để tránh ảnh hưởng tới hiệu quả của thuốc.
Các thuốc khác
- Glucocorticoid: Thường chỉ được sử dụng trong biến chứng mắt do Basedow hoặc cơn cường giáp cấp.
- Thuốc an thần: Dùng cho bệnh nhân lo lắng quá mức hoặc mất ngủ.
3. Một số lưu ý khi dùng thuốc điều trị cường giáp
ThS. BSNT Phạm Thị Hồng Nhung nhấn mạnh, bệnh cường giáp không thể điều trị ổn định trong ngày một, ngày hai. Vì vậy, người bệnh cần kiên trì, tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
Trong quá trình dùng thuốc điều trị cường giáp, người bệnh cần lưu ý:
Không tự ý tăng giảm liều hoặc đổi thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ;
Nếu gặp phải các tác dụng phụ của thuốc, cần báo ngay cho bác sĩ để có phương án xử lý kịp thời;
Tái khám định kỳ đúng hẹn để bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe và có những điều chỉnh thuốc phù hợp.
Mời bạn đọc xem tiếp video: