Các nữ chính trị gia Uganda tự trang bị 'vũ khí' trên môi trường trực tuyến

Doreen Nyanjura là một chính trị gia hiện đại. Cô đã thông báo trên Twitter về việc tham gia cuộc bầu cử Tổng thống năm 2026 của Uganda, nhưng điều đó khiến cô phải đối mặt một thách thức khó tránh khỏi, đó là những lời chế nhạo, thậm chí đe dọa trên mạng xã hội.

Doreen Nyanjura, Phó Thị trưởng chủ trì cuộc họp hội đồng tại Tòa thị chính Kampala, Uganda

Doreen Nyanjura, Phó Thị trưởng chủ trì cuộc họp hội đồng tại Tòa thị chính Kampala, Uganda

Nạn nhân của quấy rối, tấn công trực tuyến

Giữ chức Phó Thị trưởng Thủ đô Kampala của Uganda từ năm 2020, cô Nyanjura không xa lạ gì với các cuộc tấn công cá nhân trực tuyến. “Việc tôi độc thân là một lý do dẫn đến việc bị bắt nạt, khi nhiều người ám chỉ rằng tôi đã làm gì đó mờ ám để được thăng tiến. Lại có người nói tôi không thể chịu trách nhiệm vì chưa kết hôn. Họ nói hãy kết hôn đi rồi tranh giành chiếc ghế tổng thống, vì nếu cô không thể trị được người mà mình kết hôn thì khuyên được ai?” - Nyanjura nói với CNN.

Nữ chính trị gia 33 tuổi này từng tốt nghiệp Đại học Makerere ở Kampala trước khi tham gia đảng Diễn đàn vì sự thay đổi dân chủ (FDC) vào năm 2016, cô còn bị quấy rối tồi tệ hơn khi ủng hộ bình đẳng giới. “Khi lên kế hoạch cho một cuộc biểu tình về bình đẳng giới, tôi nhận được những lời đe dọa sẽ bị bắt cóc. Những lúc đó tôi tránh xa nhà và yêu cầu các thành viên trong gia đình làm điều tương tự”. Lúc đầu, việc lạm dụng khiến nữ chính trị gia sợ hãi, nhưng cô nhận ra rằng những kẻ lạm dụng chỉ muốn mình im lặng. Vì vậy, Nyanjura quyết định giữ vững lập trường và trở thành tấm gương tích cực cho những phụ nữ khác trong cuộc sống.

Tương tự, khi Olive Namazzi (34 tuổi) quyết định trở thành thành viên đảng FDC, cô không ngờ một người khuyết tật như mình bước vào chính trường, lại phải rơi vào cảnh chịu áp lực suốt nhiều năm. Với vai trò giám sát sức khỏe, giáo dục, môi trường và thể thao cho Hội đồng thành phố Kampala, Namazzi cho biết mạng xã hội là công cụ quan trọng giúp công việc của cô được mọi người biết đến và thu hút sự ủng hộ của cử tri. Nhưng đó cũng là không gian mà cô phải tự bảo vệ mình trước làn sóng lạm dụng. Một tai nạn vào năm 2013 khiến Namazzi đi khập khiễng và cô phải đi đôi giày được chế tạo đặc biệt. Đối với một số người, đó là điều thường xuyên bị gièm pha, chế giễu. Đôi khi những lạm dụng này đến từ chính đồng nghiệp nam của Namazzi.

Nắm lấy thế giới kỹ thuật số để không bị bỏ lại phía sau

Nghiên cứu năm 2021 cho thấy rằng, tại Uganda, việc các nữ chính trị gia sử dụng nền tảng truyền thông xã hội để tương tác với cử tri thấp hơn so với nam giới và con số tiếp tục giảm do tình trạng lạm dụng trực tuyến. Một nghiên cứu khác vào năm 2021 về phụ nữ trong các nghị viện châu Phi do Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và Liên minh Nghị viện châu Phi (APU) thực hiện công bố, 42% nữ nghị sĩ đã nhận được “những lời dọa giết, đe dọa hiếp dâm, đánh đập hoặc bắt cóc, thường là trực tuyến”. Nhiều chuyên gia pháp lý và quyền phụ nữ Uganda nói rằng, những thách thức trong việc sử dụng luật để truy tố hành vi quấy rối trực tuyến khiến phụ nữ quyết định không báo cáo hành vi lạm dụng cho các cơ quan hữu quan. Đối với Namazzi, cảnh sát không giúp được gì. “Các nhà chức trách không coi bắt nạt trực tuyến là nghiêm trọng như bắt nạt thể chất và do đó không xử lý nó với mức độ nghiêm trọng cần thiết” - Namazzi nói.

Các tổ chức xã hội dân sự như Pollicy (tổ chức chuyên về các giải pháp công nghệ dành cho nữ quyền) đã dành nhiều năm để tạo ra các chương trình cấp quốc gia và khu vực nhằm giúp phụ nữ tự bảo vệ mình trên mạng. Tổ chức này đã tạo ra một trò chơi kỹ thuật số, trong đó người chơi bước vào cuộc sống của 3 người phụ nữ hư cấu để tìm hiểu về các mối đe dọa kỹ thuật số mà họ thường xuyên phải đối mặt, bao gồm cả lừa đảo, mạo danh và chia sẻ hình ảnh khiêu dâm mà không có sự đồng ý.

Trò chơi đã giúp phụ nữ học cách đối phó với những kẻ bắt nạt mình, dạy họ khi nào nên phớt lờ và khi nào chặn, báo cáo hành vi bắt nạt trên nền tảng xã hội. Pollicy cũng tổ chức các sự kiện đào tạo nữ chính trị gia. Vào tháng 2-2023, 90 phụ nữ từ Uganda, Tanzania và Senegal đã cùng nhau tham gia chương trình chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, cách chống lại bạo lực và quấy rối trực tuyến cũng như tham gia tranh luận công khai một cách an toàn. Cả Nyanjura và Namazzi đều tham dự sự kiện này. “Tôi muốn nói với những người phụ nữ khác rằng, khi bạn đứng lên thì những kẻ quấy rối sẽ phải để bạn yên. Nếu phụ nữ không nắm lấy thế giới kỹ thuật số, họ chắc chắn sẽ bị bỏ lại phía sau” - Phó Thị trưởng Kampala Nyanjura nói.

Theo CNN

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cac-nu-chinh-tri-gia-uganda-tu-trang-bi-vu-khi-tren-moi-truong-truc-tuyen-post541780.antd