Các nước âm thầm chạy đua vũ trang, châu Á nguy cơ trở thành 'thùng thuốc súng'
Nguy cơ xung đột vũ trang ở khu vực châu Á gia tăng khi các quốc gia âm thầm gia tăng sức mạnh quân sự, mạnh tay trong chi tiêu quốc phòng.
Tăng chi tiêu quốc phòng, trang bị khí tài hiện đại được xem nhu cầu các nước trong việc tăng cường tiềm lực quân sự, bảo đảm chủ quyền quốc gia. Thậm chí, đối với nhiều nước, sức mạnh từ vũ khí, năng lực hạt nhân còn là quân bài để phô trương sức mạnh, mặc cả với các cường quốc. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nhiều quốc gia châu Á đang âm thầm thực hiện quá trình quân sự hóa, khiến nguy cơ đối đầu vũ trang trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết.
Đua nhau ‘bơm tiền' cho quốc phòng
Trong những tháng gần đây, eo biển Đài Loan nhận được sự chú ý của toàn cầu khi căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc leo thang. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, nguy cơ xung đột vũ trang ở châu Á không chỉ dừng lại ở điểm nóng này, mà còn vươn đến nhiều không gian, khu vực khác ở châu lục.
Trên khắp châu Á, các nước âm thầm tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang để tránh bị bỏ lại phía sau. Các quốc gia trong khu vực đang mua hoặc phát triển các loại khí tài mới, bắt nguồn từ những lo ngại an ninh từ Trung Quốc, cũng như mong muốn giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.
Trong cuộc đua chạy đua này, xu hướng trang bị tên lửa được các nước chú trọng hơn hết. Giới phân tích quân sự nhận định, trước khi kết thúc thập kỷ này, châu Á sẽ bùng nổ các tên lửa thông thường bay xa và nhanh hơn, sở hữu sức công phá mạnh và tinh vi hơn. Loại vũ khí này ngày càng có độ chính xác cao, trong khi giá thành phải chăng hơn.
Khi một số nước tích trữ tên lửa, các nước láng giềng khác trong khu vực cũng không muốn bị kém cạnh. Các quốc gia cho rằng, tên lửa mang đến nhiều lợi ích chiến lược như ngăn chặn kẻ thù, tăng cường vị thế với các đồng minh và có thể là một mặt hàng xuất khẩu béo bở.
Trung Quốc đang sản xuất hàng loạt vũ khí đa nhiệm DF-26 có thể tích hợp đầu đạn hạt nhân và mang phạm vi tấn công lên tới 4.000 km. Ngoài ra, nước này cũng sở hữu tên lửa siêu thanh DF-17, tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 có khả năng vươn tới Mỹ.
Đáng lo ngại hơn, gần đây rộ lên thông tin Trung Quốc thử nghiệm vũ khí siêu thanh có tốc độ lên tới 33.796 km/h, bay xung quanh Trái Đất trước khi lao xuống tấn công mục tiêu, có khả năng tấn công bất cứ nơi nào trên Trái Đất trong vòng vài phút.
Tại khu vực Đông Á, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang nhanh chóng hiện đại hóa quân đội nhằm đối phó với những mối đe dọa đến từ Trung Quốc. Hàn Quốc có chương trình phát triển tên lửa đạn đạo nội địa mạnh mẽ nhất, được thúc đẩy nhờ vào thỏa thuận gần đây với Washington cho phép Seoul vượt lên những giới hạn về khả năng quân sự.
Mới đây, Hàn Quốc đã thử thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và trở thành quốc gia đầu tiên không sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng lại phát triển được một hệ thống như vậy. Tên lửa này là một phiên bản của tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2B với tầm bắn 500 km.
Trong khi đó, kho vũ khí, số lượng đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên hiện vẫn có nhiều bí ẩn. Bình Nhưỡng gần đây đã thử nghiệm loại vụ thử tên lửa được cho là phiên bản cải tiến tên lửa KN-23 với đầu đạn nặng 2,5 tấn mà các nhà phân tích cho rằng nhằm mục đích đánh bại đầu đạn nặng 2 tấn trên tên lửa Hyunmoo-4 của Hàn Quốc.
Tại Nam Á, Ấn Độ chú trọng nghiên cứu phát triển, mua sắm các loại vũ khí chiến lược để trang bị cho quân đội, nhằm tăng cường khả năng răn đe chiến lược từ nhiều năm nay. Đáng chú ý, việc Ấn Độ tăng cường đầu tư quân sự diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Trung Quốc ở biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya.
Ấn Độ đã trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới thử nghiệm thành công công nghệ tên lửa siêu thanh. Ấn Độ theo đuổi mục tiêu trở thành quốc gia có vũ khí siêu thanh để giành lợi thế lớn khi đối chọi với đối thủ không có vũ khí siêu thanh là Pakistan. Theo kế hoạch, đến năm 2025, hải quân Ấn Độ sẽ có 5 tàu ngầm hạt nhân INS Arihant (kẻ hủy diệt), là loại tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo đầu tiên do New Delhi nghiên cứu chế tạo.
“Việc các nước trong khu vực tăng cường tiềm lực quân sự được cho xuất phát từ cách hành xử của Trung Quốc. Bắc Kinh đang chớp lấy thời cơ để lấp khoảng trống quyền lực, thay đổi cán cân quân sự là lý do Trung Quốc thể hiện sự hung hăng trong thời gian gần đây. Giờ đây, các nước trong khu vực đang tăng cường trang bị khí tài để cố gắng bắt kịp Bắc Kinh”, Tiến sĩ Satoru Nagao (chuyên gia tại Viện Hudson, Mỹ) nhận định.
Cùng với sự phát triển kinh tế, ngân sách quốc phòng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng đã gia tăng nhiều. Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Anh chỉ ra rằng chi tiêu quốc phòng theo con số công bố của châu Á (không bao gồm Australia và New Zealand) đã vượt qua NATO từ năm 2012.
Trong đó, Trung Quốc có sự gia tăng vượt trội so với các nước khác. Theo dữ liệu về chi tiêu quân sự của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), từ năm 2011-2020, Trung Quốc đã tăng chi tiêu quân sự lên 76%. Trong cùng thời kỳ, Ấn Độ tăng chi tiêu quân sự 34%, Australia tăng 33%, còn Mỹ giảm chi tiêu 10%.
Nhật Bản và Hàn Quốc không muốn bỏ lại phía sau. Đây là hai trong số quốc gia có tốc độ quân sự hóa nhanh nhất tại châu Á. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida từng cam kết tăng gấp đôi ngân sách quân sự, lần đầu tiên tăng lên mức 2% GDP kể từ Thế chiến thứ Hai. Trong khi đó, Hàn Quốc cũng công bố "Kế hoạch trung hạn quốc phòng 2022-2026", phác thảo tăng cường nguồn lực quân sự trong vòng 5 năm tới, lên đến 271,37 tỷ USD.
'Thùng thuốc súng' chờ nổ
Theo chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia - Malcolm Davis, khu vực này đang bị mắc kẹt trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” về an ninh khi, rơi vào vòng xoáy địa chính trị khi các quốc gia liên tục tăng cường tiềm lực quân sự để củng cố sức mạnh, đối phó trước các thách thức trong khu vực. Chuyên gia này nhận định, nguy cơ về một cuộc chiến quyền lực lớn ngày càng gia tăng.
Chính sách ngoại giao và đường lối hiếu chiến của Trung Quốc trong những năm qua đang khiến các nước láng giềng cảnh giác và quan ngại. Mặc dù chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn thể hiện cam kết, tiếp tục thực thi sáng kiến “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” song nhiều nước ở khu vực giờ đây muốn tự chủ trong việc bảo vệ chủ quyền hơn là “cậy nhờ” Mỹ.
Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, Mỹ tham gia các liên minh an ninh chặt chẽ với Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines với tuyên bố mục tiêu đảm bảo an ninh khu vực. Tuy nhiên, nhiều đối tác của Mỹ vẫn chưa yên lòng và tiếp tục tăng cường tiềm lực quân sự. Lòng tin nhiều đồng minh của Mỹ tại khu vực bị suy giảm khi cựu Tổng thống Donald Trump thực thi chính sách “Nước Mỹ trên hết”.
“Nguy cơ bùng nổ xung đột vũ trang ở khu vực phụ thuộc vào thái độ của Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh tiếp tục hành xử như hiện nay, tình hình an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ là một cơn ác mộng. Tuy nhiên, các nước trong khu vực cũng sẽ cố gắng tìm cách vô hiệu hóa sự hung hăng của Trung Quốc, trong đó hợp tác của cơ chế nhóm ‘Bộ tứ’ - QUAD là ví dụ. Nếu các nước QUAD phối hợp tốt, họ có thể buộc Bắc Kinh phải phòng thủ cùng lúc trên nhiều mặt trận.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc sẽ phải đồng thời tăng các khoản chi tiêu quốc phòng đối phó với Mỹ và Nhật Bản ở phía Thái Bình Dương cũng như Ấn Độ ở phía biên giới. Hợp tác giữa Washington và các đồng minh, đối tác sẽ giúp duy trì sự cân bằng quân sự ngay cả khi chi tiêu quốc phòng của Bắc Kinh đang tăng với tốc độ nhanh chóng”, chuyên gia Satoru Nagao phân tích.
Theo vị chuyên gia này, trong một thời gian dài, không có quốc gia nào ngoại trừ Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ sở hữu đủ năng lực để đối trọng với Trung Quốc. Tuy nhiên, một khi Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đều sở hữu vũ khí có khả năng tấn công tầm xa sẽ buộc Bắc Kinh phải phòng thủ trên nhiều mặt trận. Trung Quốc vẫn cần phải tăng cường chi tiêu quốc phòng, nâng cao năng lực quân sự nhất định để tự vệ trước sức ép mạnh mẽ từ Washington và Tokyo.
Hiện không có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ dừng tăng chi tiêu quốc phòng, gia tăng sức mạnh quân sự. Bắc Kinh vẫn luôn miệng đổ lỗi cho Washington là nguyên nhân khiến bùng nổ cuộc “chạy đua vũ trang” trong khu vực. Và khi Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh năng lực quân sự, các quốc gia trong khu vực không thể ngồi yên.
Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đều đang có kế hoạch sở hữu các tên lửa có khả năng tấn công tầm xa 1000-2000 km như tên lửa hành trình và máy bay phản lực F-35. Và trên thực tế, Đài Loan, Philippines và Hàn Quốc cũng đang tăng cường kho vũ khí tấn công bằng tên lửa đất đối đất. Động thái này sẽ gia tăng nguy cơ đối đầu quân sự trực diện.
Thế nhưng, không phải tất cả đồng minh của Mỹ đều tìm cách độc lập quân sự. Hồi tháng 9, Australia, Anh và Mỹ thành lập liên minh an ninh AUKUS. Theo thỏa thuận, Mỹ và Anh sẽ hỗ trợ Australia mua và phát triển 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Nếu Australia sở hữu các tàu ngầm hạt nhân với khả năng tấn công tầm xa, lực lượng hải quân nước này có thể hoạt động trong phạm vi rộng lớn hơn ở khu vực và có khả năng chống lại mối đe dọa của Trung Quốc.
Việc quân sự hóa trong khu vực khó có thể kết thúc “một sớm một chiều”, thậm chí khả năng tiếp diễn còn rất cao. Do đó, tính toán sai của các nước sẽ dẫn đến nguy cơ xung đột vũ trang, hậu quả khôn lường.
Cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện nay được các chuyên gia so sánh với tình hình ở châu Âu trong những năm 1930 - ngay trước khi Thế chiến thứ Hai bắt đầu. Nhà nghiên cứu tại Viện châu Á của Đại học Griffith - Peter Layton, nhận định khả năng xảy ra chiến tranh giữa các cường quốc ở khu vực châu Á trong 10 năm tới đang tăng lên.
Tuy nhiên, chuyên gia Peter Layton cho rằng, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và các nước khác ở châu Á, cũng như Mỹ, có thể giúp ngăn chặn hành động quân sự.