Các nước ASEAN và cuộc chiến chống đại dịch COVID-19
Đại dịch COVID-19 đã cho thấy chủ đề 'Gắn kết và Chủ động Thích ứng' mà Việt Nam đã đề ra cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là hoàn toàn xác đáng.
Bắt đầu từ cuối năm 2019, đến nay, đại dịch COVID-19 đã lan ra tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, với gần 5 triệu người mắc, trong đó có 324.446 người tử vong trên toàn cầu.
Dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới; tác động tiêu cực đối với các hoạt động kinh tế-xã hội toàn cầu, khu vực ASEAN và Việt Nam.
Tác động của COVID-19 và những nỗ lực của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020
Không chỉ gây thiệt hại lớn về người, đại dịch còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của các nước ASEAN và các hoạt động hợp tác, giao lưu trong nội khối ASEAN cũng như giữa ASEAN và các đối tác.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam cho biết Việt Nam đã chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng tổ chức các hoạt động hội nghị trong khuôn khổ Năm Chủ tịch ASEAN 2020 cùng với các ưu tiên và các kết quả dự kiến.
Sự bùng phát và lây lan của dịch COVID-19 đã buộc các nước phải dành ưu tiên hàng đầu cho ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh. Điều này cũng đã có ảnh hưởng nhất định đến kế hoạch công tác cả năm 2020 cũng như các hoạt động xây dựng Cộng đồng của ASEAN.
Theo thống kê của Ban thư ký ASEAN, hơn 200 hoạt động của ASEAN đã bị hoãn lại hoặc bị hủy vì COVID-19.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam xác định rõ cần nỗ lực và bằng nhiều hình khác nhau để duy trì được các hoạt động của ASEAN, cố gắng bảo đảm tiến độ triển khai kế hoạch, các kết quả mà ASEAN dự kiến trong năm.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, đại dịch COVID-19 đã cho thấy chủ đề “Gắn kết và Chủ động Thích ứng” mà Việt Nam đã đề ra cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là hoàn toàn xác đáng.
Những nỗ lực Việt Nam đã và đang triển khai trong vai trò Chủ tịch ASEAN thời gian qua đã thể hiện rõ tinh thần của chủ đề này. Thứ nhất, Việt Nam nhanh chóng xác định cần chuyển trọng tâm hoạt động trong ASEAN; theo đó, Việt Nam phối hợp với các nước ASEAN tập trung vào hợp tác ứng phó dịch bệnh, coi đây là ưu tiên hàng đầu của ASEAN trong giai đoạn hiện nay.
Thứ hai, Việt Nam đã chủ động đề xuất, điều phối các hoạt động cụ thể của ASEAN hướng đến việc chống dịch bệnh như ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó của ASEAN với dịch bệnh COVID-19 vào ngày 14/2 trước khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố COVID-19 là đại dịch, tổ chức các cuộc họp của Hội đồng điều phối ASEAN, đề xuất thành lập và tổ chức họp Nhóm Công tác liên ngành (cấp Thứ trưởng) của Hội đồng Điều phối ASEAN về ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và tổ chức các cuộc họp dưới hình thức trực tuyến.
Hai Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN và ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) về ứng phó với dịch bệnh COVID-19 diễn ra vào ngày 1 4/4/2020 là các hội nghị cấp cao được tổ chức bằng hình thức trực tuyến lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN.
Nỗ lực này thể hiện rõ vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm của Việt Nam - nước Chủ tịch ASEAN 2020. Thứ ba, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã nỗ lực đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các quốc gia và tổ chức quốc tế trong phòng, chống dịch.
Việt Nam phối hợp tổ chức và tham dự nhiều cuộc họp quan trọng giữa ASEAN với các đối tác như Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, ASEAN+3, Tổ chức Y tế Thế giới…để trao đổi về hợp tác, sớm kiểm soát, khống chế, đẩy lùi dịch bệnh.
Cam kết chính trị ở cấp cao nhất hướng tới người dân
Tại các hội nghị Cấp cao đặc biệt trực tuyến ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó với dịch bệnh COVID-19 ngày 14/4/2020, các nhà lãnh đạo khẳng định đoàn kết và hợp tác chính là sức mạnh giúp ASEAN chiến thắng đại dịch COVID-19, cùng nhau đề ra các biện pháp hợp tác cụ thể nhằm kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu các tác động về kinh tế-xã hội của dịch bệnh, đồng thời bảo đảm sự phát triển năng động, bền vững của khu vực về dài hạn.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh các Hội nghị này thể hiện cam kết chính trị ở cấp cao nhất của ASEAN và cũng như của ASEAN với Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản về tăng cường phối hợp và hợp tác cụ thể giữa các nước trong ứng phó với đại dịch COVID-19.
Mặt khác, đây là một thông điệp mạnh mẽ của các Nhà Lãnh đạo gửi đến người dân và doanh nghiệp rằng, người dân các nước nhận được sự quan tâm, chăm sóc về sức khỏe, cuộc sống và được bảo hộ quyền lợi chính đáng, được đối xử bình đẳng cho dù họ ở bất kỳ đâu; các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được hỗ trợ, tạo điều kiện để duy trì hoạt động và tiếp tục phát triển hậu COVID-19.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, các Hội nghị cũng chuyển tải thông điệp của các nước ASEAN và ASEAN +3 ủng hộ chủ nghĩa đa phương, tự do thương mại, đầu tư và đảm bảo tính liên tục của chuỗi cung ứng.
ASEAN phối hợp hành động nhằm phục hồi hậu COVID-19
Khi dịch bệnh bùng nổ, các nước buộc phải áp dụng nhiều biện pháp rất mạnh, hạn chế việc đi lại của người dân, cách ly, thậm chí là phong tỏa một số địa điểm, đóng cửa biên giới ở các mức độ khác nhau, hủy bỏ các chuyến bay và các giao thương nhất định.
Các biện pháp này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế cũng như sinh hoạt của người dân.
Trong bối cảnh đó, các nước ASEAN đều nhất trí rằng sẽ triển khai từng bước và sớm nhất để có thể gỡ bỏ dần các biện pháp này một cách phù hợp theo tiến độ của lộ trình chống dịch.
Đồng thời, các nước đều áp dụng những gói cứu trợ đảm bảo cuộc sống cho người dân, cũng như hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này.
Chia sẻ về những biện pháp khơi thông dòng chảy thương mại, đầu tư, khôi phục kinh tế cũng như đảm bảo an sinh xã hội sau khi đại dịch COVID-19 cơ bản được khống chế, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết, các nước đều nhất trí cần phải duy trì một chuỗi cung ứng liền mạch, bảo đảm lưu thông hàng hóa, dịch vụ, nhất là hàng hóa thiết yếu, trang thiết bị y tế, đẩy mạnh thương mại, đầu tư nội khối, thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác kinh tế đang trong quá trình đàm phán, tận dụng và phát huy vai trò của các cơ chế hiện có…
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cũng chia sẻ thông tin rằng, các nhà lãnh đạo ASEAN xác định cần xây dựng một kế hoạch phục hồi tổng thể sau dịch bệnh. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng và Việt Nam đang cùng với các nước xây dựng kế hoạch này.
Chính chủ đề “Gắn kết và Chủ động Thích ứng” đã làm phép thử cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Làm thế nào để chủ động thích ứng trong bối cảnh dịch bệnh chưa từng có? So với các khu vực khác trên thế giới, ASEAN đã chủ động gắn kết với nhau để phòng chống dịch bệnh và bước đầu đã có những biện pháp ứng phó mang lại hiệu quả.
Tuy nhiên, thích ứng và kiềm chế đại dịch COVID-19 vẫn là một thách thức lớn, đòi hỏi ASEAN phải tiếp tục phát huy tinh thần gắn kết, đoàn kết đồng thời cũng phải có cơ chế thích ứng nhanh với những biến đổi liên tục của tình hình khu vực, thế giới và dịch bệnh./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/cac-nuoc-asean-va-cuoc-chien-chong-dai-dich-covid-19-a95992.html