Các nước Bắc Âu chia sẻ kinh nghiệm kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải
Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong đó có các nước Bắc Âu về phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ giúp có thêm những gợi mở chính sách phù hợp với điều kiện thực tế đất nước để xây dựng nền kinh tế vững mạnh, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Tọa đàm với chủ đề Giải pháp Xanh của Bắc Âu về Kinh tế Tuần hoàn và Quản lý Chất thải: Bài Học Kinh nghiệm và Khuyến Nghị Chính sách cho Việt Nam đã được đại sứ quán các nước Bắc Âu: Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 23/3 tại Hà Nội.
Sự kiện nhằm mục đích cung cấp cái nhìn toàn cảnh về các chính sách, sáng kiến và các giải pháp sáng tạo của các nước Bắc Âu trong quá trình chuyển đổi xanh, có thể phù hợp và áp dụng được ở Việt Nam trong việc loại bỏ chất thải và giảm thiểu ô nhiễm, tuần hoàn sản phẩm và tái tạo thiên nhiên.
Đây là lần thứ 5 tọa đàm được tổ chức, với sự tham gia của đại diện các cơ quan trung ương và địa phương, các phòng thương mại, các lãnh đạo doanh nghiệp và công ty khởi nghiệp, các nhà hoạt động xã hội dân sự, các nhà nghiên cứu, nhà đổi mới và thanh niên.
Chia sẻ tại tọa đàm, PGS.TS. Dương Trung Ý, Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, khi Việt Nam cam kết chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp và xanh hơn sau Covid-19, đây thực sự là thời điểm thích hợp để để lồng ghép kinh tế tuần hoàn nhằm quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên, hạn chế khí thải và chất thải, cũng như tái tạo môi trường. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong đó có các nước Bắc Âu về phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ giúp có thêm những gợi mở chính sách phù hợp với điều kiện thực tế đất nước để xây dựng nền kinh tế vững mạnh, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Còn theo bà Ann Måwe, tính tuần hoàn và phát triển bền vững là trọng tâm của các quốc gia Bắc Âu. Và các nước Bắc Âu mong muốn được chia sẻ những bài học và kinh nghiệm quý báu của mình để có thể chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng bền vững hơn, theo đó vừa tăng trưởng kinh tế và vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo.