Các nước Baltic kêu gọi EU trừng phạt Nga vì công nhận 2 vùng ly khai ở Ukraine
Chính phủ ba nước Baltic đồng loạt kêu gọi EU áp đặt biện pháp trừng phạt Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin công nhận hai khu vực ly khai ở Ukraine là những quốc gia độc lập.
Chính phủ ba nước Baltic gồm Estonia, Latvia và Lithuania hôm 21-2 đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Nga, ngay sau khi nước này công nhận hai khu vực ly khai của Ukraine là các quốc gia độc lập.
"EU phải áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga ngay lập tức" - Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics viết trên trang Twitter của mình.
"Tôi vẫn tin rằng một hành vi khiến căng thẳng leo thang như vậy nên được xử lý với các biện pháp trừng phạt" - Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cũng chia sẻ quan điểm giống người đồng cấp Latvia trên Twitter.
Theo hãng tin Reuters, đại diện quốc hội Lithuania cho biết sẽ xem xét "không bao giờ công nhận" bất kỳ sự thay đổi nào về tình trạng của hai khu vực ly khai ở vùng Donbass, miền đông Ukraine.
Trong một tuyên bố chung, Ngoại trưởng Rinkevics cùng Tổng thống Latvia Egils Levits và thủ tướng nước này là ông Arturs Krišjānis Kariņš đã kêu gọi cộng đồng quốc tế "thực hiện các biện pháp mạnh nhất có thể để ngăn chặn một cuộc tấn công tiềm tàng của Nga và nhanh chóng hỗ trợ Ukraine".
Trong khi đó, Tổng thống Estonia Alar Karis cũng kêu gọi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hành vi của Nga mà ông cho là "đang chà đạp thô bạo và vô cớ vào hệ thống luật pháp quốc tế".
"Việc Nga công nhận các nước cộng hòa ly khai Donetsk và Luhansk là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế không thể dung thứ được. Nó cũng đồng nghĩa với việc đơn phương rút khỏi các thỏa thuận Minsk" - Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda nhấn mạnh, đề cập đến các thỏa thuận ngừng bắn ở Donbass.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh công nhận các khu vực Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine là hai quốc gia độc lập, nâng cao vị thế của các khu vực này trong cuộc khủng hoảng mà phương Tây lo ngại có thể nổ ra một cuộc chiến tranh lớn tại Ukraine.
Cũng trong ngày 21-1, các nước Baltic đã thông báo sẽ cung cấp cho Ukraine tên lửa phòng không và thiết giáp do Mỹ sản xuất, vài ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ cho phép gửi tên lửa và các loại vũ khí khác tới quốc gia này.
Không giống như Ukraine, ba quốc gia Baltic đều là thành viên của NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) và EU.
Ngoại trưởng các nước Baltic cũng đang có kế hoạch thăm Ukraine vào cuối tuần này để thể hiện tình đoàn kết, Reuters đưa tin.