Các nước châu Á bắt đầu siết chặt quản lý 'Big Tech'
Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc là những thị trường lớn ở châu Á-Thái Bình Dương đang siết chặt các quy định kiểm soát quyền lực của các 'ông lớn công nghệ' (Big Tech) bao gồm Apple và Google. Họ đang hành động tương tự như Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ nhằm tạo ra một sân chơi công bằng cho các đối thủ nhỏ hơn cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các nhà phát triển ứng dụng.
Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida gần đây thông qua dự luật cấm các nền tảng trực tuyến lớn nhất sử dụng quyền lực thống trị của họ trong phần mềm di động để ngăn cản sự gia nhập của các đối thủ mới. Luật này được xem là phiên bản thu hẹp của Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) của EU. Các quy định của luật mới yêu cầu các nền tảng trực tuyến cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng. Chẳng hạn như cho phép chuyển đổi các hệ điều hành di động dễ dàng hơn cũng như cho phép người dùng tải xuống ứng dụng từ các nguồn khác.
Trong khi đó, Hàn Quốc dự kiến giới thiệu các quy định sâu rộng nhằm quản lý các nền tảng trực tuyến, với trọng tâm là các nền tảng thương mại điện tử và dịch vụ phát trực tuyến và nhà cung cấp mạng xã hội. Tại Úc, các nhà quản lý đang tìm cách mở rộng cơ chế quản lý trực tuyến sang các lĩnh vực khác bao gồm thanh toán kỹ thuật số.
Tại EU, Đạo luật DMA buộc Apple phải thay đổi yếu tố cốt lõi của hệ điều hành di động iOS “đóng kín”. Chẳng hạn như lần đầu tiên cho phép người dùng tải xuống ứng dụng từ các nguồn khác và thay đổi cấu trúc phí tính cho các nhà phát triển ứng dụng. Tại Mỹ, Bộ Tư pháp đang kiện nhà sản xuất iPhone với cáo buộc sử dụng quyền lực trong lĩnh vực điện thoại thông minh để chèn ép các đối thủ và hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng.
Nhật Bản hạn chế quyền lực của các hệ điều hành di động hàng đầu
Tại Nhật Bản, dự luật mới được nội các thông qua, do Ủy ban Thương mại Công bằng (FTC) của nước này soạn thảo (không nêu tên các công ty cụ thể). Theo dự thảo, luật được thiết kế để hạn chế sự lạm dụng quyền thống trị trong 4 lĩnh vực: cửa hàng ứng dụng và dịch vụ thanh toán di động, công cụ tìm kiếm, trình duyệt internet, hệ điều hành di động. Apple và Alphabet là hai công ty sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất do phần mềm iOS và Android của họ kiểm soát gần như toàn bộ thị trường hệ điều hành di động tại Nhật Bản.
“Với tình trạng độc quyền của cửa hàng ứng dụng hiện nay, chúng tôi muốn tạo ra một môi trường mà lợi ích từ sự tăng trưởng trong lĩnh vực kỹ thuật số có thể phát triển một cách công bằng và bình đẳng”, Kazuyuki Furuya, Chủ tịch FTC nói vào cuối tháng 4.
Dự luật sẽ cho phép các cơ quan quản lý Nhật Bản phạt các nền tảng trực tuyến lớn lên tới 20% doanh thu hàng năm trong nước nếu họ bị kết luận không tuân thủ. Đối với hành vi vi phạm nhiều lần trong thời gian 10 năm, mức phạt có thể lên tới 30% doanh thu hàng năm.
Năm ngoái, Apple tạo ra doanh thu 24 tỉ đô la Mỹ tại Nhật Bản. Công ty từ chối bình luận cụ thể về dự luật ở Nhật Bản và các biện pháp quản lý khác ở châu Á. Google cho biết đã chủ động trao đổi với chính phủ Nhật Bản để giải thích các hoạt động.
Trong các cuộc thảo luận trước đây với Tokyo, Google lập luận rằng khoản phí mà họ tính đối với các nhà phát triển là cần thiết để đảm bảo các biện pháp an toàn và bảo mật của cửa hàng ứng dụng Play Store.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng khả năng FTC áp đặt các khoản phạt lớn là rất hạn chế vì các tập đoàn công nghệ lớn có thể sẽ đàm phán với các nhà quản lý trước khi dự luật được quốc hội Nhật Bản thông qua. Các cuộc điều tra gần đây của FTC nhằm vào Apple và Google thường được giải quyết ổn thỏa khi hai công ty này đưa ra các biện pháp khắc phục.
Hàn Quốc cấm độc quyền thanh toán ở cửa hàng ứng dụng
Tại Hàn Quốc, các nhà quan quản lý đang nỗ lực thực thi một đạo luật kinh doanh viễn thông được ban hành năm 2021. Đạo luật được thiết kế nhằm phá vỡ sự độc quyền của Apple và Google đối với các khoản thanh toán trong cửa hàng ứng dụng bằng cách buộc họ giảm phí giao dịch và cung cấp tùy chọn thanh toán của bên thứ ba.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc (KCC) cảnh báo có thể xử phạt Apple và Google tổng cộng hơn 50 triệu đô la Mỹ vì vi phạm đạo luật trên sau khi các nhà phát triển game di động Hàn Quốc cáo buộc hai công ty tiếp tục ép buộc họ thanh toán theo hình thức thanh toán nhất định. Tuy nhiên hai công ty này phủ nhận cáo buộc.
Wi Jong-hyun, giáo sư kinh doanh của Đại học Chung-Ang ở Seoul cho biết, các nhà quản lý khó thực thi luật vì các công ty Hàn Quốc thường không muốn tiết lộ hợp đồng với các cửa hàng ứng dụng lớn của Mỹ.
“Các nhà phát triển ứng dụng Hàn Quốc thường không muốn gửi đơn khiếu nại Apple và Google vì họ sợ có thể bị trả đũa. Họ đã chứng kiến các ứng dụng khác bị gỡ khỏi cửa hàng ứng dụng của hai công ty này. Đồng thời họ biết rằng, một khi bị loại bỏ, mất rất nhiều thời gian mới vào lại được các cửa hàng ứng dụng”, Wi Jong-hyun nói.
Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc (KFTC) cũng muốn giới thiệu một dự luật sâu rộng hơn, tương tự Đạo luật DMA của EU để tăng cường giám sát các nền tảng trực tuyến thống trị thị trường. Dự luật này sẽ tìm cách ngăn chặn tình trạng các nền tảng trực tuyến lớn ưu tiên các dịch vụ và sản phẩm của họ.
Giáo sư Wi Jong-hyun cho rằng, Hàn Quốc khó hành động cứng rắn vì thực tế là trong nhiều lĩnh vực trực tuyến, những đấu thủ “chơi lớn” nhất không phải là các tập đoàn công nghệ của Mỹ mà là các nền tảng địa phương gồm Naver, Kakao và Coupang. “Hàn Quốc không thể cứng rắn như EU vì nước này cần bảo vệ các công ty trong nước”, ông nói.
Úc chống lừa đảo trực tuyến và giám sát thanh toán kỹ thuật số
Úc cũng là nước tiên phong siết chặt quản lý các tập đoàn công nghệ. Nước này đã ban hành các quy nhằm ngăn chặn hành vi trốn thuế của các công ty đa quốc gia. Đồng thời có giải pháp nâng cao an toàn trực tuyến và thúc đẩy các công ty kỹ thuật số lớn trả tiền khi sử dụng nội dung tin tức của các công ty truyền thông.
Trong năm nay, chính phủ Úc dự kiến đưa ra dự luật mới để áp đặt các nghĩa vụ chống lừa đảo trực tuyến hoặc qua điện thoại đối với các công ty truyền thông xã hội, ngân hàng và công ty viễn thông.
Bộ trưởng Bộ Dịch vụ Tài chính Úc Stephen Jones cho biết, tình trạng lừa đảo trên nền tảng kỹ thuật số là vấn đề lớn.
Dự luật mới đề xuất các công ty truyền thông xã hội xác minh các doanh nghiệp quảng cáo trên nền tảng của họ. Trong những tháng gần đây, Canberra mở rộng giám sát pháp lý sang lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số, nơi các ngân hàng chịu sự quản lý chặt chẽ. Nhưng các công ty như Apple và Google cung cấp các dịch vụ tương tự thì không.
“Các Big Tech hiện không bị quản lý ở lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số và họ cần chịu sự giám sát”, Bộ trưởng Stephen Jones nói.
Theo Financial Times
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cac-nuoc-chau-a-bat-dau-siet-chat-quan-ly-big-tech/