Các nước châu Âu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác hỗ trợ nhân đạo

Lực lượng Taliban tuần tra trên một tuyến phố ở thủ đô Kabul, Afghanistan ngày 28/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 30/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã điện đàm để trao đổi về vấn đề Afghanistan ngay trước khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) họp khẩn để thảo luận về tình hình quốc gia Tây Nam Á này.

Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết, tại cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp đã trao đổi về việc sơ tán công dân, nhân viên bản địa và những người cần được bảo vệ ra khỏi Afghanistan sau khi chiến dịch sơ tán ra khỏi Kabul kết thúc.

Thủ tướng Merkel và Tổng thống Macron cùng nhất trí về sự cấp thiết phải phối hợp chặt chẽ của cộng đồng quốc tế, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ nhân đạo và viện trợ khẩn cấp cho người tị nạn tại Afghanistan và trong khu vực thông qua Liên Hợp Quốc.

Cho đến nay, khoảng 640 nhân viên người Afghanistan cùng thân nhân đã được đưa từ Kabul đến Đức. Hiện Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đang thực hiện chuyến công du tới các nước láng giềng của Afghanistan để thảo luận về việc sơ tán các trường hợp cần thiết ra khỏi Kabul.

Dự kiến trong ngày 31/8, Bộ trưởng Nội vụ các nước Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ nhóm họp bất thường ở Brussels (Bỉ) để thảo luận về các diễn biến tại Afghanistan, trong đó có nguy cơ khủng bố và làn sóng di cư tới châu Âu.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab ngày 30/8 cũng đã hối thúc những người đồng cấp của các quốc gia khác phối hợp đảm bảo hành lang an toàn cho các công dân Afghanistan được phép sơ tán vẫn nhưng đang mắc kẹt ở quốc gia Tây Nam Á này.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Anh dẫn phát biểu của ông Raab tại hội nghị trực tuyến - gồm các ngoại trưởng và quan chức của Mỹ, Canada, EU, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ - nêu rõ cơ chế điều hành của Taliban nên được đánh giá thông qua những hành động thực tiễn của phong trào Hồi giáo này và mức độ cho phép người dân Afghanistan rời khỏi đất nước.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Chính phủ Mexico ngày 30/8 đã tiếp nhận thêm 86 nhà báo và phóng viên người Afganistan làm việc cho báo Wall Street Journal tại Afghanistan cùng gia đình của họ. Đây là những người đã xin thị thực nhân đạo sau khi lực lượng Taliban nắm chính quyền tại quốc gia Tây Nam Á.

Bộ Ngoại giao Mexico khẳng định nước này sẵn sàng cung cấp sự bảo vệ và hỗ trợ vì lý do nhân đạo, trong khả năng cho phép, dành cho những người đến từ Afganistan. Hồi tuần trước, Mexico đã tiếp nhận 124 nhà báo Afganistan cùng các thành viên gia đình và cấp quyền tị nạn cho 5 thành viên của đội tuyển robot nữ của nước này.

Cùng ngày, Chính phủ Peru khẳng định sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn Afghanistan. Bộ Ngoại giao Peru cho biết sẵn sàng phối hợp với LHQ để cung cấp nơi tị nạn cho những người muốn rời khỏi Afghanistan, hợp tác với cộng đồng quốc tế để tiếp nhận các gia đình Afghanistan đang ở trong tình trạng dễ bị tổn thương.

Liên quan đến tình hình Afghanistan, Người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid cho biết sáng sớm 31/8 (giờ địa phương), Taliban đã triển khai các lực lượng đặc biệt tới sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul của Afghanistan, chỉ vài giờ sau khi những binh sĩ Mỹ cuối cùng rút quân khỏi sân bay này.

Lực lượng đặc biệt Badri của Taliban đã được triển khai tới sân bay Kabul. Người phát ngôn Mujahid nhấn mạnh: “An ninh và an toàn đã được đảm bảo tại sân bay (Kabul)”. Ngày 31/8 là thời hạn chót mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt ra cho việc rút toàn bộ lính Mỹ khỏi quốc gia Tây Nam Á này. Người phát ngôn Mujahid nói: “Chúng tôi sẵn sàng đảm bảo an ninh cho sân bay. Mọi việc sẽ sớm bình thường trở lại.

Các lực lượng Mỹ đã để lại nhiều đống lộn xộn ở sân bay. Đó là một vấn đề kỹ thuật và sẽ cần thời gian để giải quyết. Nhiều nỗ lực đang được thực hiện để khởi động lại các chuyến bay thương mại sớm nhất có thể”. Ông Mujahid cũng khẳng định Afghanistan đã “hoàn toàn tự do và độc lập” sau khi Mỹ rút quân. Theo người phát ngôn Mujahid, Taliban có ý định xây dựng quan hệ kinh tế và thương mại với tất cả các nước, bao gồm Mỹ. Ông này nói rằng “mọi quốc gia đều có thể có quan hệ tốt đẹp với Afghanistan”.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 31/8 thông báo phong trào Taliban đang đàm phán với Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ về việc quản lý sân bay Kabul và cần phải đảm bảo an toàn cho sân bay này càng sớm càng tốt để những người muốn rời khỏi Afghanistan có thể làm điều đó qua những chuyến bay thương mại.

Phát biểu trên kênh France 2, ông Le Drian nói: "Nghị quyết của Hội đồng Bảo an về việc bảo an cho sân bay Kabul cần phải được thực thi. Các cuộc đàm phán đang diễn ra với Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ về công tác quản lý sân bay này. Chúng ta phải đưa ra yêu cầu tiếp cận sân bay một cách an toàn". Ngoài ra, Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh rằng Paris cần tiếp tục gây sức ép chứ không đàm phán với Taliban".

Theo TTXVN/Vietnam+

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/263372/cac-nuoc-chau-au-nhan-manh-tam-quan-trong-cua-cong-tac-ho-tro-nhan-dao.html