Các nước có thể hưởng lợi từ việc từ chối trừng phạt Nga
Theo các nhà phân tích của Ngân hàng Canada, Moscow và phương Tây đã phải chịu những hạn chế về kinh tế nhưng chúng lại mang lại lợi ích cho các bên chọn về phe trung lập trong cuộc chiến Nga - Ukraine.
Các quốc gia có thể được hưởng lợi bằng cách từ chối ủng hộ các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống lại Nga, các nhà phân tích tại Ngân hàng Canada đã tuyên bố trong một bài nghiên cứu gần đây.
Trong một ấn phẩm phát hành tuần trước có tựa đề “Các biện pháp trừng phạt kinh tế quốc tế và tác động của nước thứ ba”, các chuyên gia đã so sánh tác động của các biện pháp trừng phạt đối với Nga, cũng như tác động của chúng đối với các bên “trừng phạt” như Mỹ, EU, Anh và “nền kinh tế của bên thứ ba bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Các tính toán dựa trên ba loại biện pháp trừng phạt: Cấm xuất nhập khẩu, hạn chế thị trường tài chính và cấm vận năng lượng.
Theo dự đoán của các nhà phân tích, mặc dù các biện pháp trừng phạt sẽ làm giảm động lực kinh tế của Nga nhưng tác động của chúng phụ thuộc vào việc liệu các nước thứ ba có tham gia cùng các nước phương Tây trong việc áp đặt các hạn chế hay không.
Các nhà nghiên cứu ước tính rằng với việc phương Tây đồng thời áp dụng các biện pháp trừng phạt, GDP của Nga sẽ giảm khoảng 4% so với tình huống giả định không có hạn chế. Tuy nhiên, họ tuyên bố rằng nếu các nước bên thứ ba đưa ra các biện pháp tương tự, GDP của Nga sẽ giảm 9%.
Các nhà phân tích cũng ước tính rằng các hạn chế sẽ gây ra sự suy thoái 0,8% đối với nền kinh tế của các quốc gia bị trừng phạt. Tuy nhiên, hiệu ứng này sẽ tăng gấp đôi nếu các nước thứ ba đứng ngoài cuộc chiến trừng phạt.
Mặt khác, các nền kinh tế của nước thứ ba dự kiến sẽ được hưởng lợi từ việc né tránh các biện pháp trừng phạt do “hiệu ứng thay thế”, các nhà nghiên cứu tuyên bố.
Những hạn chế đối với Nga mang lại cho họ cơ hội tham gia với tư cách là nhà cung cấp thay thế, cũng như thay thế các sản phẩm của Nga tại thị trường của các quốc gia bị trừng phạt. Điều này cuối cùng sẽ dẫn đến mức tăng trưởng GDP ước tính 0,4% của các quốc gia này.
Các nhà phân tích được hãng tin RBK thăm dò cho biết nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế giữa Nga và các đối tác thương mại lớn của nước này – Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng lưu ý rằng các tính toán này không tính đến cơ chế nhập khẩu song song và thay thế nhập khẩu của Nga, vốn là công cụ giúp nền kinh tế Nga phục hồi sau mức giảm 2,1% GDP năm ngoái.
Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov dự đoán vào cuối tháng 8 rằng nền kinh tế Nga dự kiến sẽ tăng trưởng 2,5% vào cuối năm 2023.
Các chuyên gia phương Tây cũng đưa ra một triển vọng thuận lợi cho xứ sở bạch dương, khi Ngân hàng Thế giới, IMF và ngân hàng Barclays gần đây đã nâng dự báo về GDP của Nga trong bối cảnh thương mại và sản xuất công nghiệp mạnh mẽ cũng như doanh thu từ năng lượng cao hơn dự kiến.
Lê Na (Theo RT)