Các nước đã phát triển ngành cơ khí thế nào?
Thái Lan, Hàn Quốc hay Trung Quốc đều coi công nghiệp cơ khí là một trong những lĩnh vực mũi nhọn để chuyển đổi nền kinh tế, vươn lên trở thành nước phát triển.
Điểm chung của nhiều quốc gia châu Á là đều ưu tiên chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí, coi đó là mũi nhọn để phát triển kinh tế. Điển hình là Hàn Quốc, từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu đã vươn mình mạnh mẽ về kinh tế, sở hữu những doanh nghiệp công nghiệp cơ khí hàng đầu. Trung Quốc hiện tại cũng đang là một trong những nhà sản xuất trang thiết bị, máy móc, ôtô hàng đầu trên thế giới nhờ chuyển mình mạnh mẽ.
Bài học của các quốc gia châu Á là kinh nghiệm cho Việt Nam để phát triển công nghiệp cơ khí, vừa phục vụ thị trường 100 triệu dân, vừa có thể vươn mình xuất khẩu, phục vụ nhu cầu thế giới.
Thái Lan bảo hộ mạnh mẽ sản xuất trong nước
Từ 1960-1970, Thái Lan xác định chiến lược phát triển ngành công nghiệp cơ khí, trong đó phát triển ôtô thành một ngành kinh tế trọng điểm. Khi đó, các ngành công nghiệp Thái Lan nói chung và công nghiệp ôtô nói riêng còn khá nhỏ bé, số lượng các doanh nghiệp công nghiệp trong nước không nhiều và chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với năng lực sản xuất thấp, công nghệ lạc hậu.
Đầu những năm 1970, Chính phủ Thái Lan đã điều chỉnh và xây dựng chiến lược toàn diện cho phát triển ngành công nghiệp ôtô. Chính phủ nước này đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, quy định chặt chẽ về tỷ lệ nội địa hóa. Thái Lan yêu cầu các hãng sản xuất ôtô nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ phải mua các chi tiết, linh kiện sản xuất tại địa phương. Mục tiêu của chính sách nội địa hóa này là nhằm tăng dần năng lực sản xuất chi tiết, linh kiện ôtô của các doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, do quy mô thị trường nhỏ, chính sách nội địa hóa không đạt được kết quả như mong đợi cho nên thay vì tập trung nguồn lực cho phát triển ngành công nghiệp ôtô, Thái Lan đã chuyển hướng sang xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ôtô, thực hiện các chính sách phát triển ngành công nghiệp ôtô theo hướng mềm dẻo hơn.
Chính phủ Thái Lan cho phép thành lập các khu công nghiệp tập trung tại Bangkok và các tỉnh lân cận, ban hành các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh đó, thay vì quy định ngặt về tỷ lệ nội địa hóa, Thái Lan thực hiện chính sách theo hướng linh hoạt hơn thông qua việc yêu cầu các hãng phải đạt các chỉ tiêu về tỷ lệ nội địa hóa theo lộ trình.
Chính phủ Thái Lan đã đặc biệt chú trọng tới việc hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất chi tiết, phụ tùng, linh kiện ôtô, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Kết quả là Thái Lan đã hình thành được các cụm công nghiệp ôtô tại nhiều tỉnh. Ngành công nghiệp ôtô nước này vươn lên mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển của Thái Lan.
Công nghiệp đã đưa Hàn Quốc thoát nghèo
Đầu những năm 1960, Hàn Quốc vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Song hiện nay, Hàn Quốc đang là cường quốc kinh tế đứng thứ 13 của thế giới, thuộc hàng nước phát triển. Nước này đứng thứ 2 trên thế giới về công nghiệp đóng tàu và sản xuất chất bán dẫn, đứng thứ 5 thế giới về sản xuất ôtô và thứ 6 thế giới về sản xuất sắt thép.
Những năm 1960-1970, Chính phủ Hàn Quốc đã mạnh dạn đầu tư vào 4 ngành công nghiệp mũi nhọn: Đóng tàu, lọc hóa dầu, ôtô và bán dẫn. Bốn ngành mũi nhọn này đã đem lại cho Hàn Quốc kim ngạch xuất khẩu rất lớn. Năm 1971, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc đạt 1 tỷ USD, đến năm 1977, con số này đã tăng lên 100 tỷ USD. Và đến năm 2014, con số này đã tăng gấp hơn 500 lần, đạt 573 tỷ USD.
Để sản phẩm dễ bán, nước này chủ định giảm giá đồng won, bảo hộ thị trường trong nước, quản lý chặt chẽ ngoại hối, do đó sản phẩm công nghiệp của Hàn Quốc dù không tốt bằng Nhật Bản nhưng rẻ hơn nhiều nên có thể vào thị trường châu Âu và Mỹ. Kết quả của thời kỳ này là Hàn Quốc đã hình thành các ngành công nghiệp nặng khá phát triển dựa trên các tập đoàn kinh tế lớn.
Công nghiệp đóng tàu là một trong những ví dụ thành công nhất của sự phát triển công nghiệp cơ khí ở Hàn Quốc. Ngành này bắt đầu với sự hình thành những hãng đóng tàu lớn, trong đó có Tập đoàn Huyndai, Samsung Heavy, Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering… Năm 2003, lần đầu tiên Hàn Quốc trở thành nhà sản xuất tàu lớn nhất trên thế giới, vượt qua cả Nhật Bản. Nhiều năm liên tục, Hàn Quốc dẫn đầu về lượng đơn đặt hàng đóng tàu với 44% thị phần thế giới.
Theo các chuyên gia, bài học của Hàn Quốc là xây dựng nền công nghiệp nặng theo hướng về xuất khẩu từ rất sớm. Ngay từ thời kỳ các nước đang phát triển, tập trung vào chiến lược công nghiệp hóa thay thế hàng nhập khẩu, Hàn Quốc đã sáng suốt lựa chọn chiến lược công nghiệp hóa theo hướng về xuất khẩu.
Thứ hai, chính sách phát triển công nghiệp được ưu tiên tuyệt đối so với chính sách phát triển nông nghiệp, chính sách xã hội, do đó đã tập trung được nguồn vốn quý báu đẩy công nghiệp phát triển với tốc độ cao trong nhiều năm.
Vì vậy, mặc dù không có tài nguyên, không có công nghệ, không có vốn, chỉ có lao động rẻ, được đào tạo và một chính sách điều hành linh hoạt, có hiệu lực, Hàn Quốc đã tận dụng được cơ hội, biến nó thành sức mạnh để công nghiệp hóa nhanh. Nước này cũng thi hành chính sách bảo hộ cho các doanh nghiệp trong các ngành chiến lược. Với sự hỗ trợ rất lớn của chính phủ, các cơ sở công nghiệp luyện kim, chế tạo ôtô, sản xuất xăng dầu của Hàn Quốc đã hình thành, có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường nhiều nước.
Trung Quốc chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cơ khí
Những năm gần đây, các sản phẩm máy móc, cơ khí của Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều trên thế giới. Điều này có được nhờ chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí của Trung Quốc trong nhiều năm. Giá trị xuất khẩu ngành công nghiệp cơ khí của Trung Quốc đã vượt 30 tỷ USD vào năm 2020.
Để có sự phát triển này, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ tín dụng và nhiều biện pháp khác khuyến khích các hãng nước ngoài sử dụng các linh kiện sản xuất tại địa phương. Đồng thời nước này chú trọng chính sách phát triển nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, để nhanh chóng làm chủ công nghệ và hướng tới nội địa hóa công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ôtô. Nhờ những chính sách này, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô của Trung Quốc đã liên tục tăng qua các năm.
Trung Quốc cũng đang nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm cơ khí chất lượng cao, cạnh tranh hơn với tỷ trọng nội địa của các sản phẩm ngày càng cao hơn. Ngoài ra, với chính sách đa dạng hóa loại hình, đa dạng hóa cấp độ chất lượng và giá cả, các sản phẩm cơ khí phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp của Trung Quốc (đặc biệt là các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp có công suất vừa và nhỏ) đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Bài học của Trung Quốc là đầu tư tích cực cho hoạt động nghiên cứu, đào tạo, nâng cao năng lực sản xuất hàng cơ khí, kết hợp với hoạt động xúc tiến xuất khẩu sản phẩm cơ khí ra nước ngoài. Từ năm 2004, các tổ chức tham gia vào ngành cơ khí được sự hỗ trợ của Chính phủ trong đầu tư khoa học công nghệ, đào tạo và cung cấp thông tin sản xuất, thị trường.
Chính phủ Trung Quốc cũng thiết lập nhiều trung tâm phát triển nguồn nhân lực và các khu nghiên cứu khoa học và trung tâm thông tin hỗ trợ phát triển ngành cơ khí. Tại các khu công nghiệp chính, Chính phủ đều đặt các trường đại học và các khu nghiên cứu khoa học, hỗ trợ thông tin, giúp nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư vào các khu công nghiệp rộng lớn của Trung Quốc.
Hiện nước này có các trường đại học lớn về cơ khí chế tạo máy, với cả chức năng đào tạo và nghiên cứu khoa học lý thuyết, kết hợp với ứng dụng; hàng năm tăng số lượng các phát minh, mô hình có khả năng ứng dụng trong thực tế; cũng như cung ứng cho ngành cơ khí chế tạo máy của nước này nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng hơn. Ngành cơ khí được biết đến như một môn học chính nhằm mục đích bồi dưỡng nhân tài trong ngành khoa học và công nghệ của Trung Quốc.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-nuoc-da-phat-trien-nganh-co-khi-the-nao-post1407473.html