Các nước đang phát triển 'chật vật' trong cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu

Các quốc gia nghèo nhất thế giới hiện đang 'chật vật' do giá nhiên liệu tăng cao, nhiều nước thậm chí đã không thể giao dịch trên thị trường khí đốt do nhu cầu tăng đột ngột của châu Âu.

 Theo Bloomberg, nhu cầu về khí đốt tự nhiên của châu Âu dự kiến sẽ tăng gần 60% cho đến năm 2026.

Theo Bloomberg, nhu cầu về khí đốt tự nhiên của châu Âu dự kiến sẽ tăng gần 60% cho đến năm 2026.

Khi áp đặt lệnh cấm vận lên khí đốt của Nga, các nước châu Âu phải tìm mua nhiên liệu dự trữ từ khắp nơi trên thế giới. Điều này khiến giá nhiên liệu tăng cao khó kiểm soát. Dù vậy, các nước trong khu vực châu Âu đã mua đủ dầu và khí đốt để vượt qua mùa đông này.

Tuy nhiên, việc này dường như dẫn đến một hệ quả nghiêm trọng hơn. Các quốc gia nghèo nhất thế giới cũng phải gánh chịu chi phí tăng giá, nhiều quốc gia đã không thể giao dịch trên thị trường khí đốt do nhu cầu tăng đột ngột của châu Âu. Nhiều nhà máy lớn nhỏ phải ngừng hoạt động, tình trạng thiếu điện xảy ra thường xuyên và kéo dài hơn. Đáng lo ngại, vấn đề này có thể kéo dài sang thập kỷ tới.

“Những lo ngại về an ninh năng lượng ở châu Âu đang dẫn đến tình trạng nghèo năng lượng ở các quốc gia phát triển. Châu Âu đang hút khí đốt khỏi các khu vực khác bằng bất cứ giá nào", nhà phân tích năng lượng Saul Kavonic tại Credit Suisse Group AG cho biết.

Sau một mùa hè mất điện kéo dài ở Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh và Philippines, thời tiết đang dần mát mẻ hơn cùng những trận mưa lớn đã làm giảm bớt cuộc khủng hoảng năng lượng lúc này. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời. Vào mùa đông, nhiệt độ khu vực Nam Á có thể khắc nghiệt hơn và cơ hội đảm bảo nguồn cung lâu dài là rất mong manh.

Thêm vào đó, sự gia tăng của đồng USD như càng "đổ thêm dầu vào lửa" khi buộc các quốc gia phải lựa chọn giữa việc mua nhiên liệu hay thanh toán các khoản nợ.

Trước tình hình đó, các nhà cung cấp nhiên liệu toàn cầu ngày càng cảnh giác với việc bán cho các quốc gia có thể sắp vỡ nợ.

Mấu chốt của vấn đề là khi EU chuyển sang thị trường giao ngay, giá nhiên liệu được đẩy lên cao, thu hút một số nhà cung cấp hủy bỏ hợp đồng dài hạn để có thể thu về lợi nhuận tốt hơn.

Đồng thời, châu Âu đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bến nhập khẩu LNG để đưa thêm nhiên liệu vào khu vực trong tương lai. Theo Bloomberg, nhu cầu về khí đốt tự nhiên của châu Âu dự kiến sẽ tăng gần 60% cho đến năm 2026.

Vấn đề khí hậu cũng tạo thêm áp lực lên các quốc gia đang phát triển. Tại cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc ở Ai Cập trong tháng này, các nhà lãnh đạo đề cập đến việc các nước giàu hơn có thể cung cấp nhiều hỗ trợ hơn.

Trong bối cảnh này, lần đầu tiên, các quốc gia mới nổi như Pakistan, Bangladesh và Thái Lan buộc phải cạnh tranh về giá với Đức và các nền kinh tế khác có quy mô tài chính gấp nhiều lần quy mô của họ.

Trước đây, khi thiếu hụt ngắn hạn, các quốc gia có thể ký hợp đồng cung ứng dài hạn và thương lượng một tỷ giá cố định để đảm bảo nguồn cung đáng tin cậy trong nhiều năm. Nhưng hiện nay, ngay cả những hồ sơ dự thầu cho việc giao hàng bắt đầu từ nhiều năm tới trong tương lai cũng bị từ chối.

Cụ thể, Ấn Độ đã thất bại trong nỗ lực mới nhất để chốt các lô hàng bắt đầu từ năm 2025. Bangladesh và Thái Lan đã từ bỏ nỗ lực để có được các hợp đồng bắt đầu trước năm 2026. Tháng trước, Pakistan đã không thể hoàn tất hợp đồng 6 năm có thể bắt đầu vào năm sau, sau khi nhiều nỗ lực mua hàng ngắn hạn cũng không thành công.

“Chúng tôi đã nghĩ rằng cuộc khủng hoảng sẽ kết thúc vào cuối năm nay, nhưng không phải vậy", thư ký thường trực của Bộ năng lượng Thái Lan Kulit Sombatsiri cho biết tại một cuộc họp báo hôm 7/11. Ông Sombatsiri nói thêm, nếu giá LNG tiếp tục tăng, chính phủ sẽ phải xem xét các biện pháp như đóng cửa các cửa hàng tiện lợi và các cơ sở kinh doanh năng lượng cao khác.

Các quốc gia ở Nam Mỹ, như Brazil và Argentina, có thể "bớt lo lắng hơn" nếu đầu tư vào thủy điện. Mặc dù vậy, hóa đơn nhập khẩu của Brazil đã tăng hơn gấp đôi trong 7 tháng đầu năm nay lên 3,7 tỷ USD, do giá cả ở nước ngoài tăng cao và sự chậm trễ của một dự án đường ống trong nước.

Ông Mathur của WoodMac cho biết "sẽ mất tới 4 năm để thị trường cân bằng lại. Cho đến lúc đó, giá cả biến động sẽ trở thành tiêu chuẩn và LNG trước hết sẽ thuộc về các khu vực đã phát triển, phần còn lại dành cho nhóm đang phát triển", nhà phân tích Raghav Mathur tại Wood Mackenzie cho biết.

Khánh Lê

Theo Bloomberg

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/cac-nuoc-dang-phat-trien-chat-vat-trong-cuoc-khung-hoang-nang-luong-chau-au-20180504224277162.htm