Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 1-5/7

Tỷ giá trung tâm giảm 14 đồng, chỉ số VN-Index tăng mạnh 37,72 điểm (+3,03%) so với cuối tuần trước đó hay Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đạt được nhiều kết quả quan trọng... là một số thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần từ 1-5/7.

Điểm lại thông tin kinh tế

Điểm lại thông tin kinh tế

Tổng quan

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2024, Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đạt được nhiều kết quả quan trọng, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Tăng trưởng GDP quý I tăng 5,66%; GDP quý II tăng cao hơn quý I, đạt 6,93%. Tính chung 6 tháng, GDP tăng 6,42%, cao hơn nhiều mức tăng cùng kỳ năm 2023 (3,84%) và vượt cận trên trong kịch bản tăng trưởng 6 tháng tại Nghị quyết 01 (5,5-6%). Chỉ số giá tiêu dùng CPI quý 2 tăng 4,39% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 4,08%, bám sát kịch bản đề ra. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 60% dự toán, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 6 tháng tăng lần lượt 15,7%, 14,5% và 17%; ước xuất siêu 11,63 tỷ USD.

Tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ, trong đó, FDI đăng ký mới đạt hơn 9,5 tỷ USD, tăng 46,9%; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 10,8 tỷ USD, tăng 8,2%. Nhiều dự án FDI lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, điện tử, năng lượng... được đầu tư mới và mở rộng tăng vốn, đặc biệt có dự án hơn 1 tỷ USD tại Bắc Ninh. Cùng đó, công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được thúc đẩy; xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ ra, bên cạnh kết quả đạt được, còn không ít khó khăn, thách thức, như: các động lực tăng trưởng còn yếu, cần tập trung cải thiện, tháo gỡ để tạo đột phá cho tăng trưởng cả năm; các ngành, lĩnh vực mới, như: kinh tế số, kinh tế xanh, AI, chíp, bán dẫn... chưa có chuyển biến rõ nét, nguy cơ không bắt kịp được với thế giới và khu vực; xuất khẩu vào một số thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản tăng chậm lại; rủi ro bị áp thuế chống bán phá giá và các rào cản thương mại mới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn khó khăn do nhu cầu thị trường thấp, áp lực cạnh tranh và chi phí sản xuất tăng cao; thể chế, pháp luật còn có những vướng mắc, bất cập, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; tình hình thiên tai, bão lũ... tiếp tục diễn biến phức tạp.

Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. S&P công bố xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB+ với triển vọng ổn định, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong 12 tháng tới; HSBC nhận định Việt Nam sẵn sàng tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm; UOB cho biết tăng trưởng GDP quý II đã vượt dự báo của tổ chức này, mở ra triển vọng tươi sáng cho kinh tế Việt Nam trong cả năm 2024.

Chính phủ cũng nêu ra những thách thức, khó khăn trong thời gian tới đối với kinh tế Việt Nam. Trong đó, về các tác động từ bên ngoài, có các điểm đáng lưu ý: cạnh tranh chiến lược các nước lớn gay gắt hơn; xung đột tiếp tục diễn ra, chưa biết khi nào kết thúc; tỷ giá USD, giá vàng có khả năng vẫn ở mức cao, giá dầu thô, hàng hóa cơ bản biến động mạnh; biến đổi khí hậu, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên ngày càng tác động nặng nề đến các nước, các nền kinh tế; đặc biệt hiện tượng nắng nóng, hạn hán, El Nino xảy ra khắp nơi trên thế giới. Trong nước, tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực vẫn gặp nhiều khó khăn; tiếp cận vốn tín dụng chưa thuận lợi; thị trường bất động sản bước đầu ổn định, nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết; việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ cho nhà ở xã hội, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, …

Trên cơ sở phân tích tình hình, Chính phủ đề ra 2 kịch bản tăng trưởng. Trong đó, kịch bản 1 là tăng trưởng cả năm đạt 6,5%, đạt cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị, tăng trưởng quý 3 là 6,5%, quý 4 là 6,6%. Kịch bản 2 là tăng trưởng cả năm đạt 7%, tăng trưởng quý 3 là 7,4%, quý 4 là 7,6%, cao hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Tóm lược thị trường trong nước từ 1-5/7

Thị trường ngoại tệ, trong tuần từ 1-5/7, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng - giảm nhẹ. Chốt ngày 5/7, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.246 VND/USD, giảm 14 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua - bán USD ở mức 23.400 VND/USD, tỷ giá bán giao ngay ở mức 25.450 VND/USD ở tất cả các phiên.

Tỷ giá đô-đồng liên ngân hàng trong tuần từ 01/07 - 05/07 tiếp tục biến động nhẹ. Kết thúc phiên 05/07, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.450 VND/USD, giảm nhẹ 02 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do giảm khá mạnh trong tuần qua. Chốt phiên 05/07, tỷ giá tự do giảm 195 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.745 VND/USD và 25.825 VND/USD.

Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 1-5/7, lãi suất VND liên ngân hàng biến động tăng – giảm đan xen qua các phiên đối với tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Chốt ngày 5/7, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 4,80% (+0,06 điểm phần trăm); 1 tuần 4,86% (-0,04 điểm phần trăm); 2 tuần 4,92% (không thay đổi); 1 tháng 4,94% (-0,06 điểm phần trăm).

Lãi suất USD liên ngân hàng vẫn ít biến động trong tuần qua. Phiên 05/07, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 5,30% (không thay đổi); 1 tuần 5,35% (không thay đổi); 2 tuần 5,39% (-0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 5,42% (-0,02 điểm phần trăm).

Trên thị trường mở tuần từ 1-5/7, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 29.000 tỷ đồng, lãi suất giữ ở mức 4,5%. Có 24.758,55 tỷ đồng trúng thầu, có 27.551,55 tỷ đồng đáo hạn tuần qua.

NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 14 ngày, đấu thầu lãi suất ở tất cả các phiên. Hết tuần, có tổng cộng 55.650 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất trúng thầu giữ ở mức 4,50%; có 37.360 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua.

Như vậy, NHNN hút ròng 21.083 tỷ đồng từ thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 24.758,55 tỷ, khối lượng tín phiếu lưu hành tăng lên 139.880 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu, ngày 3/7, Kho bạc nhà nước gọi thầu 17.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ. Trong đó, duy nhất kỳ hạn 10 năm huy động được 11.487 tỷ đồng/15.000 tỷ đồng gọi thầu với mức lãi suất trúng thầu là 2,74% (không đổi so với phiên đấu thầu trước). Các kỳ hạn 5 năm, 15 năm và 20 năm gọi thầu lần lượt là 500 tỷ đồng, 1.000 tỷ đồng và 500 tỷ đồng, tuy nhiên, không có khối lượng trúng thầu ở các kỳ hạn này.

Trong tuần này, ngày 10/07, Kho bạc nhà nước dự kiến chào thầu 12.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 500 tỷ đồng, 10Y chào thầu 10.000 tỷ đồng, 15 năm 1.000 tỷ đồng và 30 năm chào thầu 500 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 9.358 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 21.209 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua biến động có sự phân hóa giữa các kỳ hạn. Chốt phiên 5/7, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,87% (không đổi so với phiên cuối tuần trước); 2 năm 1,88% (không đổi); 3 năm 1,90% (không đổi); 5 năm 1,98% (không đổi); 7 năm 2,29% (-0,01 điểm phần trăm); 10 năm 2,78% (-0,01 điểm phần trăm); 15 năm 2,96% (+0,007 điểm phần trăm); 30 năm 3,19% (+0,004 điểm phần trăm).

Thị trường chứng khoán, trong tuần từ 1-5/7, thị trường chứng khoán có một tuần tích cực khi cả 3 chỉ số đều tăng điểm. Chốt phiên 05/07, VN-Index đứng ở mức 1.283,04 điểm, tăng mạnh 37,72 điểm (+3,03%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index thêm 4,72 điểm (+1,99%) đạt 242,31 điểm; UPCom-Index tăng 0,72 điểm (+0,74%) lên mức 98,26 điểm.

Thanh khoản thị trường trung bình đạt gần 15.450 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 23.300 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh hơn 2.500 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản họp tháng Sáu, bên cạnh đó quốc gia này ghi nhận nhiều chỉ báo kinh tế đáng chú ý. Trong biên bản cuộc họp tháng Sáu công bố ngày 4/7, Fed nhận định các hoạt động kinh tế Mỹ mở rộng vững chắc trong nửa đầu năm 2024, thị trường lao động cũng duy trì được trạng thái tích cực. Lạm phát giá cả tiêu dùng đã thấp hơn so với một năm về trước, tuy nhiên tốc độ quay lại mục tiêu 2,0% đang chậm dần những tháng gần đây.

Các dự báo về kinh tế trong cuộc họp lần này hầu như không thay đổi nhiều so với cuộc họp tháng Ba, tuy nhiên dự báo lạm phát đã được điều chỉnh cao hơn so với cuộc họp trước. Để hỗ trợ cho mục tiêu đạt được toàn dụng nhân công và lạm phát ở mức 2,0% trong dài hạn, các thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) quyết định duy trì lãi suất chính sách ở mức 5,25% - 5,50% trong cuộc họp lần này, và sẽ tiếp tục đánh giá cẩn trọng các dữ liệu sắp tới để có các quyết định tiếp theo.

Liên quan đến thông tin kinh tế Mỹ, Viện Quản lý Cung ứng ISM cho biết PMI lĩnh vực dịch vụ tại nước này bất ngờ chỉ đạt 48,8% trong tháng Sáu, giảm mạnh từ mức 53,8% của tháng Năm và đồng thời thấp hơn mức 52,6% theo dự báo. Đây là mức PMI dịch vụ thấp nhất mà quốc gia này ghi nhận kể từ tháng 5/2020.

Bên cạnh đó, PMI lĩnh vực sản xuất tại nước này ở mức 48,5% trong tháng 6, giảm nhẹ từ mức 48,7% của tháng 5, trái với dự báo tăng lên 49,2%. Tại thị trường lao động, nước Mỹ tạo ra 8,14 triệu cơ hội việc làm trong tháng Năm, cao hơn mức 7,92 triệu trong tháng Tư, đồng thời cao hơn mức 7,96 triệu theo dự báo.

Trong tháng Sáu, quốc gia này tạo ra 206 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới, thấp hơn mức 218 nghìn của tháng Năm nhưng vẫn cao hơn mức 191 nghìn theo dự báo. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng lên mức 4,1% trong tháng Sáu, trái với dự báo đi ngang ở mức 4,0% như kết quả thống kê tháng 5. Cuối cùng, thu nhập bình quân của người Mỹ tăng 0,3% m/m trong tháng vừa qua, nối tiếp đà tăng 0,4% của tháng trước đó và khớp với dự báo.

Eurozone đón một số chỉ báo kinh tế quan trọng trong tuần qua, nổi bật là các chỉ báo về lạm phát. Cụ thể, Văn phòng Thống kê Liên minh châu Âu cho biết chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần tại Eurozone tăng 2,5% so với cùng kỳ trong tháng Sáu, thấp hơn mức tăng 2,6% của tháng 5 và khớp với dự báo. CPI toàn phần tại khu vực này trong tháng vừa qua vẫn tăng 2,9% so với cùng kỳ, không thay đổi so với kết quả thống kê tháng Năm và trái với dự báo hạ nhiệt nhẹ còn 2,8%.

Trong một bài phát biểu tuần qua, Chủ tịch Christine Lagarde của NHTW châu Âu ECB cho biết lạm phát đang đi đúng hướng như những gì mà cơ quan này chờ đợi, và sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong khoảng 12 tháng tới, trước khi đạt được mục tiêu ổn định ở mức 2,0% trong nửa cuối 2025.

Về thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực Eurozone trong tháng Năm đi ngang ở mức 6,4%, khớp với dự báo của các chuyên gia. Cuối cùng, doanh số bán lẻ tại Eurozone tăng nhẹ 0,1% so với tháng trước trong tháng Năm sau khi giảm 0,2% ở tháng trước đó, gần khớp với kỳ vọng tăng 0,2%. So với cùng kỳ năm 2023, doanh số bán lẻ tháng 5 chỉ tăng 0,3%.

P.L

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/diem-lai-thong-tin-kinh-te-tuan-tu-1-57-153327-153327.html