Các nước đang tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em như thế nào?
Trong nỗ lực chủng ngừa vaccine COVID-19 cho đa số người dân trước sự lây lan nhanh chóng và nguy hiểm của biến thể Delta, rất nhiều quốc gia đã đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng ở trẻ em, đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao.
Quyết định sớm
Vào tháng 5, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) đã phê duyệt vaccine Pfizer cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi. Kể từ thời điểm đó, các nước EU đã triển khai tiêm chủng cho trẻ với tốc độ khác nhau.
Tại Đan Mạch và Tây Ban Nha, những trẻ lần lượt từ 12-15 tuổi và từ 12-19 tuổi ở hai nước này đều đã tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Một y tá tiêm vaccine Pfizer cho học sinh trường Lyman High School ở Florida, Mỹ - Ảnh: AP
Pháp cũng đang triển khai tiêm chủng rất nhanh với 66% trẻ từ 12 đến 17 tuổi hiện đã tiêm một liều vaccine và 52% số đó được tiêm đủ hai mũi.
Từ tháng 10 tới, chứng chỉ vaccine của Pháp sẽ mở rộng cho người dưới 18 tuổi. Có nghĩa mọi thanh thiếu niên cần phải trình giấy chứng nhận tiêm phòng hoặc xét nghiệm Covid âm tính để được vào các địa điểm như rạp chiếu phim, bảo tàng, nhà hàng và trung tâm mua sắm trong nhà.
Tại Đức, hồi tháng 6, các cố vấn khoa học của nước này khuyến cáo chỉ nên tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi không có bệnh nền. Nhưng đến tháng 8, sau khi biến thể Delta bắt đầu lây lan nhanh chóng, việc tiêm chủng đã được mở rộng cho tất cả những người trên 12 tuổi.
Ở Thụy Điển, trẻ em từ 12 đến 15 tuổi chỉ không đủ điều kiện tiêm vaccine nếu bị bệnh phổi, hen suyễn nặng hoặc một tình trạng bệnh lý có nguy cơ cao khác. Trong khi đó, tại Na Uy việc triển khai tiêm vaccine gần đây đã được mở rộng cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi, nhưng sẽ chỉ tiêm liều một và quyết định về liều thứ hai sẽ được đưa ra sau đó.
Vương quốc Anh có thể sẽ triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi trong thời gian tới, theo lời khuyên từ giới chức y tế của Vương quốc Anh, đồng thời họ cũng khuyến cáo trẻ em nên được tiêm một liều vaccine Pfizer.
Một thiếu niên được tiêm vacine Covid-19 ở Dublin, Ireland - Ảnh: Getty
Những cách tiếp cận khác nhau
Cho đến nay, một số quốc gia khác đã có lộ trình và triển khai tiêm vaccine cho trẻ em ở từng giai đoạn khác nhau và với những cách tiếp cận có sự khác nhau.
Vào tháng 5, các cơ quan quản lý của Mỹ và Canada tiên phong phê duyệt vaccine để tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Việc tiêm chủng được triển khai tức thì trên khắp nước Mỹ với hai mũi tiêm cách nhau ba tuần.
Đến cuối tháng 7, 42% thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi đã được tiêm liều đầu tiên và 32% đã tiêm liều thứ hai vaccine Pfizer hoặc Moderna.
Sự thay đổi trong việc tiêm chủng cho trẻ em diễn ra khi Mỹ bắt đầu vật lộn với sự gia tăng các ca nhiễm do biến thể Delta gây nên.
Báo cáo mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ cho biết, số trẻ em nhập viện vì Covid cao hơn từ 3,4 đến 3,7 lần ở các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất.
Trước tình hình hiện tại, một số trường ở Mỹ đã bỏ phiếu cho việc bắt buộc trẻ từ 12 tuổi trở lên phải tiêm chủng, bất chấp sự phản đối của một số phụ huynh. Ở Los Angeles, lệnh tiêm chủng gần đây đã được mở rộng cho 600.000 học sinh, trong khi ở New York, nhân viên bắt buộc phải chủng ngừa.
Mới đây, Pfizer cũng đã bắt đầu thử nghiệm vaccine Covid trên trẻ lứa tuổi nhỏ hơn. Dự kiến vào tháng 9, nhà sản xuất vaccine của Mỹ sẽ có kết quả ban đầu ở trẻ từ 5 đến 11 tuổi, trong khi dữ đó liệu về trẻ sơ sinh từ 6 tháng đến 4 tuổi có thể sẽ có vào cuối năm nay.
Tổng thống Biden nói rằng vaccine cho nhóm tuổi trẻ hơn có thể được "sớm" cung cấp, sau khi các cơ quan quản lý xem xét dữ liệu lâm sàng.
Học sinh ở Nam Kinh, Trung Quốc xếp hàng để tiêm vaccine Covid-19 - Ảnh: Xinhuanews
Giống như Mỹ, Trung Quốc đã triển khai tiêm chủng cho trẻ em, thậm chí cho phép tiêm cho trẻ em từ ba tuổi trở lên. Vào tháng 6, Trung Quốc bắt đầu cho phép một số trẻ em từ ba đến 17 tuổi được tiêm vaccine do Sinovac sản xuất, khiến nước này trở thành quốc gia đầu tiên chấp thuận tiêm vaccine cho lứa tuổi nhỏ như vậy.
Đất nước 1,4 tỷ dân này đặt mục tiêu tiêm chủng 80% dân số vào cuối năm nay, một con số khó có thể đạt được nếu không tiêm cho một số lượng lớn trẻ dưới 18 tuổi.
Về lý thuyết, tiêm vaccine Covid là tự nguyện ở Trung Quốc, dù một số chính quyền địa phương đã nói rằng học sinh sẽ không được phép trở lại trường trong học kỳ này trừ khi toàn bộ gia đình tiêm vaccine.
Vaccine của Sinovac cũng được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia châu Á, châu Phi và Nam Mỹ.
Ở Chile, vaccine của Sinovac đã được chấp thuận tiêm cho trẻ em từ 6 tuổi, trong khi công ty này gần đây đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng để đánh giá vaccine của mình trên trẻ em ở Nam Phi từ sáu tháng đến 17 tuổi.
Ấn Độ lại có chiến lược khác với Mỹ và Trung Quốc khi họ tiến hành tiêm ở người lớn trước. Ấn Độ được cho là có dân số vị thành niên lớn nhất trên thế giới, với 253 triệu người, theo ước tính của Unicef. Dữ liệu mới nhất từ Điều tra Huyết thanh học Quốc gia cho thấy khoảng 60% trẻ em đã tiếp xúc với virus Corona kể từ khi bắt đầu đại dịch và có khả năng đã hình thành miễn dịch.
Vào tháng 8, cơ quan quản lý dược phẩm Ấn Độ đã cho phép sử dụng khẩn cấp một loại vaccine mới do công ty dược phẩm địa phương Zydus Cadila phát triển cho người từ 12 tuổi trở lên. Đây là lần đầu tiên Ấn Độ cho phép tiêm vaccine Covid cho trẻ em. Vaccine hiện cần được tiêm ba liều riêng biệt bằng dụng cụ không có mũi kim tiêm, thay vì một ống tiêm truyền thống. Công ty Cadila cho biết họ hy vọng sẽ sớm bắt đầu thử nghiệm ở trẻ nhỏ từ 2 tuổi trở lên.
Các cố vấn khoa học của chính phủ Ấn Độ cho biết việc tiêm chủng cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi có tình trạng sức khỏe nghiêm trọng có thể bắt đầu vào tháng 10, nhưng việc triển khai rộng rãi hơn sẽ chỉ diễn ra sau khi chương trình tiêm chủng cho người lớn ở Ấn Độ hoàn thành, hiện đang được dự kiến vào cuối năm nay.
Ngoài những quốc gia nêu trên, UAE, Cuba và một số quốc gia khác cũng đã triển khai tiêm vaccine Covid-19 ở trẻ em. Thậm chí, ngày 6/9, Cuba trở thành nước đầu tiên trên thế giới tiêm chủng đại trà cho trẻ em từ 2-11 tuổi, sử dụng vaccine Soberana 02 do nước này tự sản xuất.