Các nước đẩy mạnh hoạt động cứu hộ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria
Tòa nhà bị phá hủy sau trận động đất tại Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 11/2/2023. Ảnh: AFP/ TTXVN
* Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ điều tra các nhà thầu xây dựng sau vụ động đất
Ngày 12/2, Bộ Môi trường và chính quyền địa phương Syria thông báo nước này đã mở tổng cộng 275 nơi tạm trú để tiếp nhận các nạn nhân trong trận động đất kinh hoàng xảy ra gần một tuần trước.
Theo bộ trên, 235 điểm đã được lập ở tỉnh miền Bắc Aleppo, 32 điểm ở tỉnh miền Tây Bắc Latakia, 5 điểm ở tỉnh Hama và 2 điểm ở tỉnh Tartous.
Tuy nhiên, tuyên bố không nêu chi tiết về tình hình tại các khu vực do phiến quân kiểm soát ở tỉnh Idlib và vùng nông thôn Aleppo.
Theo LHQ, trận động đất ở Syria có thể đã khiến 5,3 triệu người mất nhà cửa. Trong khi đó, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria cho rằng số người thiệt mạng tại nước này có thể tăng lên tới 7.000 người do nhiều người vẫn bị chôn vùi dưới đống đổ nát.
Cùng ngày, chính phủ Libya đã cử 2 máy bay chở hàng cứu trợ đến Syria và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo giới chức Libya, ngoài hàng cứu trợ, nước này còn cử 70 nhân viên y tế, lực lượng cứu nạn - cứu hộ đến hai quốc gia trên. Hiện các đội cứu hộ Libya đã giải cứu được 27 người, tìm thấy 53 thi thể và hỗ trợ y tế cho hơn 400 người ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, Chính phủ Libya đã cử 55 chuyên gia cứu hộ cùng 4 chó nghiệp vụ đến Thổ Nhĩ Kỳ. Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia (NDMA) của Pakistan cũng đã gửi một chuyến hàng cứu trợ đặc biệt khác để hỗ trợ các khu vực bị động đất tàn phá ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Á, NDMA cho biết lô hàng cứu trợ 4,7 tấn, bao gồm 1.446 chiếc chăn và lều.
NDMA khẳng định nhiều chuyến hàng cứu trợ như vậy sẽ được gửi đến Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày tới theo chỉ đạo của Thủ tướng Pakistan Shahbaz Sharif.
Bên cạnh đó, chính phủ Pakistan cũng đã phân bổ 10 tỉ rupee (37,14 triệu USD) để hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời thiết lập cầu hàng không, đường bộ và đường biển để triển khai công tác cứu hộ.
Trước đó, trong phát biểu hôm 10/2 tại một sân bay ở TP Lahore, nơi hàng cứu trợ đang được gửi đến cho các nạn nhân của thảm họa động đất, Thủ tướng Sharif tuyên bố Pakistan sẽ tiếp tục hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.
Trong khi đó, ngày 12/2, Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani đã tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ và hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Reccep Tayip Erdogan.
Qatar là một trong những quốc gia đầu tiên gửi hàng cứu trợ tới Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất hồi đầu tuần trước.
Đến 7 giờ 30 sáng 13/2 (giờ Việt Nam), số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hiện là hơn 33.000 người. Công tác cứu hộ, cứu nạn đang diễn ra hết sức khẩn trương với sự tham gia của các đoàn cứu hộ từ nhiều nước trên thế giới.
Ít nhất 160.000 người, bao gồm cả các nhân viên cứu hộ nước ngoài, đang tìm kiếm các nạn nhân trong đống đổ nát tại Thổ Nhĩ Kỳ. Công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn do thời tiết giá lạnh.
* Truyền thông khu vực và quốc tế đưa tin chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang nhắm đến các nhà thầu được cho là có liên quan đến những tòa nhà bị đổ sập trong trận động đất mạnh ngày 6/2 vừa qua.
Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag cho biết 131 người đang bị điều tra liên quan đến trách nhiệm của họ trong việc xây dựng các tòa nhà bị sập trong động đất.
Mặc dù trận động đất rất mạnh, nhiều người ở Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng chất lượng công trình xây dựng kém đã làm gia tăng mức độ tàn phá và thiệt hại.
Quy định về xây dựng của Thổ Nhĩ Kỳ đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật chống động đất hiện hành, ít nhất là trên giấy tờ, nhưng những quy định này hiếm khi được thực thi. Điều này lý giải cho việc hàng ngàn tòa nhà bị đổ sập trong động đất.
Hãng thông tấn nhà nước Anadolu cho biết trong số những người phải đối mặt với điều tra có 2 người bị bắt ở tỉnh Gaziantep vì bị tình nghi bỏ cột trụ để tạo thêm không gian trong một tòa nhà bị sập. Bộ Tư pháp cho biết có 7 người bị giam giữ và 7 người khác bị cấm rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.