Các nước: Dịch vụ đòi nợ thuê là bình thường

Hàn Quốc: Phạm vi các khoản nợ được phép đòi là các khoản nợ giữa các tổ chức kinh tế; giữa tổ chức kinh tế với cá nhân mà trong quan hệ đó tổ chức kinh tế là chủ nợ, áp dụng cho nợ trong nước và nợ nước ngoài.

Cá nhân không được phép kinh doanh dịch vụ này mà chỉ có các công ty dịch vụ được cấp phép.

Các hành vi mà các công ty thu nợ bị cấm gồm: Xâm phạm thân thể khách nợ; đe dọa con nợ; cố tình hoặc có ý định gây thương tích, xâm phạm thân thể con nợ; thực hiện các hành vi lừa đảo để thu nợ; xâm phạm thư từ con nợ; không xuất trình thẻ nhân viên khi thu nợ. Các công ty không được tiết lộ thông tin liên quan đến chủ nợ, khách nợ... Vi phạm các điều trên có thể bị phạt tiền đến 580 triệu đồng và án tù 3-5 năm.

+ Singapore: Năm 2014, có 10 công ty thu nợ thuê thành lập Hiệp hội Thu tín dụng Singapore (CCAS) với mục tiêu trở thành tổ chức đại diện chung cho tất cả đơn vị kinh doanh loại hình này và thành lập bộ quy tắc ứng xử riêng trong ngành.

Theo bộ quy tắc, các công ty phải chịu sự điều chỉnh của Đạo luật Phòng, chống quấy rối và Đạo luật Phòng, chống phá hủy tài sản. Nghiêm cấm các đơn vị thu nợ cố ý hoặc có ý định gây thương tích, xâm phạm thân thể con nợ; cố ý lặp lại nhiều lần các hành vi quấy rối, uy hiếp tinh thần con nợ; hủy hoại tài sản cá nhân của con nợ (bao gồm ném sơn, viết, vẽ, dán thông báo, giấy tờ lên nhà...).

Trong quá trình thu nợ, các đơn vị thu nợ không được xuất hiện với nhiều hơn năm người cùng một thời điểm… Khi vi phạm, công ty có thể bị phạt tiền 16-33 triệu đồng, đồng thời ngồi tù 2-10 năm tùy mức độ.

Camera ghi lại hình ảnh một thanh niên tạt sơn vào quán phở Hòa. (Ảnh cắt từ camera)

Camera ghi lại hình ảnh một thanh niên tạt sơn vào quán phở Hòa. (Ảnh cắt từ camera)

+ Thái Lan: Năm 2015, Quốc hội Thái Lan chính thức thông qua Đạo luật Thu nợ và nó không áp dụng cho con nợ là các công ty lớn.

Khi trong thời gian tiến hành thu nợ, bên thu nợ không được liên lạc với bất kỳ ai khác ngoại trừ con nợ hoặc đại diện được con nợ ủy quyền. Bên thu nợ không được đề cập đến tình trạng nợ cho bên thứ ba trừ khi đó là người thân như vợ, con hoặc bố mẹ của con nợ. Mọi liên lạc đều phải được thực hiện trong giờ hành chính và mọi gặp mặt chỉ được diễn ra tại địa điểm con nợ yêu cầu.

Các hành vi bên thu nợ bị cấm gồm: Sử dụng ngôn từ mang tính xúc phạm, tục tĩu khi tiến hành thu nợ; mạo danh các cơ quan có thẩm quyền. Vi phạm các điều trên có thể bị phạt tù từ năm năm với số tiền phạt lên đến 379 triệu đồng.

Những vụ đòi nợ kiểu khủng bố ở TP.HCM

+ Rạng sáng 29-8, ông Nguyễn Xuân P. (78 tuổi, ngụ phường Tân Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM) và vợ bị những thanh niên lạ mặt khủng bố bằng gạch lên mái nhà. Trước đó, những thanh niên đã tạt sơn, nhớt, chất bẩn để gây sức ép lên gia đình mà con trai họ đã nợ nần bên ngoài mà theo nhóm thanh niên là khoảng 1 tỉ đồng.

Ngoài việc đến nhà ông P. đe dọa, những người đòi nợ này còn hành động tương tự với một hộ kinh doanh thuê mặt bằng của gia đình ở gần đó, in ảnh con ông P. kèm dòng chữ “lừa đảo”, “hiếp dâm trẻ em” rải khắp khu vực gia đình sinh sống.

+ Sáng 31-7, phở Hòa trên đường Pasteur (quận 3, TP.HCM) bị nhóm thanh niên tạt sơn, mắm tôm vào bên trong khi quán đang đông khách để ép gia đình trả nợ cho người em rể của chủ quán phở.

Trước đó, nhóm người trên đã nhiều lần ném chất bẩn vào quán, bỏ gián vào tô phở nhằm bôi nhọ an toàn thực phẩm quán phở Hòa…

+ Khuya 18-8, hai thanh niên đeo khẩu trang, đi xe máy tới trước căn nhà 38 đồng thời là quán cà phê ở đường 79 (phường Tân Quy, quận 7, TP.HCM) ném sơn và mắm tôm vào bên trong.

Theo chủ quán, đó là lần thứ hai gia đình bị tạt sơn, chất bẩn. Lần trước là ngày 14-6, họ đến quậy phá, ném trứng thối vào nhà.

Đến 23-8, Công an quận 7 xác định được hai thiếu niên 15 tuổi thực hiện hành vi tạt sơn và hai em nhỏ khai là được bà Bùi Thị Nhinh thuê tạt chất bẩn với giá 500.000 đồng vì cạnh tranh trong kinh doanh…

N.TÂN

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/cac-nuoc-dich-vu-doi-no-thue-la-binh-thuong-856992.html