Các nước đối phó với ca mắc Covid-19 tái dương tính thế nào?
Một số quốc gia ghi nhận bệnh nhân dương tính trở lại với SARS-CoV-2 như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Khả năng lây nhiễm virus của các ca này là điều nhiều người quan tâm.
Theo cập nhật của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đến ngày 29/4, Việt Nam đã ghi nhận 10 ca dương tính trở lại sau khi khỏi bệnh. Trên thế giới, một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… cũng có tình trạng tương tự.
Câu hỏi hóc búa chưa có lời giải
“Làn sóng” dương tính trở lại xuất hiện bắt đầu khiến các quốc gia trên thế giới lo lắng từ cuối tháng 2.
Ngày 21/2, Reuters đưa tin Trung tâm Y tế lâm sàng công cộng thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, thông báo về ca dương tính Covid-19 trở lại sau khi được xuất viện.
Reuters cho hay các bác sĩ tại Vũ Hán, Trung Quốc, ghi nhận ngày càng nhiều trường hợp bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh nhưng vẫn xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 dù không có triệu chứng. Đây là câu hỏi lớn đối với các nhà nghiên cứu và bác sĩ điều trị.
Ngày 4/4, SCMP cho biết một nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ xác định có khoảng 14% bệnh nhân hồi phục sau khi mắc Covid-19 có kết quả dương tính lại.
Ngày 29/2, ca tái dương tính đầu tiên của Hàn Quốc được công bố. Strait Times thống kê, tới ngày 22/4, Hàn Quốc ghi nhận 180 ca tái dương tính. KCDC xác định trong số 7.829 người đã khỏi bệnh có khoảng 2,1% dương tính trở lại.
Theo Yonhap News, các quan chức y tế của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cũng chưa tìm ra lời giải cho các ca dương tính trở lại. Chưa có số liệu cụ thể bao nhiêu bệnh nhân trong số này đã khỏi bệnh.
Tại Nhật Bản, ca dương tính trở lại đầu tiên được phát hiện vào ngày 27/2. Theo NHK, bệnh nhân là nữ hướng dẫn viên ở Osaka. Hiện, nước này chưa cập nhật thêm về số ca tái dương tính với virus SARS-CoV-2.
Chưa có bệnh nhân tái dương tính lây virus cho người khác
Các cơ quan y tế ở Hàn Quốc xác định các ca nghi ngờ dương tính trở lại bằng xét nghiệm PCR. Khi điều tra những người tái dương tính, KCDC đã nuôi cấy virus trong hai tuần trước khi đưa ra kết luận rõ ràng và cụ thể.
Theo Giám đốc KCDC Jeong Eun-kyeong, các virus trong ca dương tính trở lại với SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm rất thấp. Ngoài ra, chưa có trường hợp nào ghi nhận việc bệnh nhân tái dương tính lây nhiễm cho người khác.
Giải thích về khả năng tái dương tính, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc đã điều tra lại 3 ca bệnh rơi vào trường hợp này cùng trong một gia đình. Ở mỗi bệnh nhân, các nhà khoa học cố gắng ủ virus nhưng không thể. Bởi vậy, bước đầu nhóm nghiên cứu khẳng định trong các bệnh nhân dương tính trở lại không có virus sống.
Giả thuyết về các ca tái dương tính cũng được chuyên gia hô hấp hàng đầu Trung Quốc Zhong Nanshan giải thích. Theo ông, những trường hợp này có thể giải thích vì virus vẫn còn sót lại trong người bệnh nhân.
Ngoài ra, lý do khác được đưa ra là do người bệnh âm tính giả trước đó hoặc dương tính giả. Giả thuyết khác là khả năng virus biến đổi theo cách mà các thiết bị xét nghiệm khó xác định được.
Trả lời CNN, TS Deborah Birx cho rằng chưa thể kết luận một người khỏi Covid-19 loại bỏ được các chuỗi RNA truyền nhiễm ra khỏi cơ thể.
Do dữ kiện về virus SARS-CoV-2 còn hạn chế, trước các ca dương tính trở lại, Trung Quốc chọn cách kéo dài thời gian cách ly, theo dõi bệnh nhân. Cụ thể, những người được xác định hồi phục sau 3 lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Sau đó, họ vẫn phải ở trong bệnh viện hoặc khách sạn để cách ly thêm 14 ngày. Trong thời gian này, người bệnh được đo thân nhiệt ba lần một ngày. Điều kiện xuất viện căn cứ trên nhiệt độ cơ thể bình thường, không có vấn đề về hô hấp và tình trạng phổi cải thiện. Sau khi cách ly 14 ngày tại khách sạn và bệnh viện, bệnh nhân Covid-19 tiếp tục được quan sát, tự cách ly tại nhà.
Tương tự, giới chức y tế Hàn Quốc đề xuất mức tự cách ly sau khi xuất viện cho các bệnh nhân khỏi Covid-19 là hai tuần. Đồng thời, chính phủ Hàn Quốc kêu gọi người dân tuân thủ theo các hướng dẫn, tiếp tục giãn cách xã hội để đề phòng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Ngày 25/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bác bỏ quan điểm cho rằng bệnh nhân Covid-19 đã phục hồi sẽ không tái nhiễm lần 2. Tuyên bố này đưa ra sau khi một số quốc gia đề xuất ban hành “hộ chiếu miễn dịch” với những người đã khỏi bệnh Covid-19.
Theo Bloomberg, WHO cũng khẳng định rằng vẫn chưa có bằng chứng về hiệu quả của miễn dịch nhờ kháng thể để đảm bảo tính chính xác của “hộ chiếu miễn dịch” hay “chứng chỉ không có nguy cơ”.