Các nước đóng biên hàng loạt, người dân loay hoay tìm cách về nhà
Một loạt quốc gia bất ngờ đóng cửa biên giới và hạn chế xuất nhập cảnh khiến người dân nhiều nước trên thế giới gặp khó khăn khi tìm cách hồi hương.
Ùn tắc giao thông kéo dài hàng km tại các điểm kiểm soát biên giới, người dân liên hệ với chính phủ để cầu cứu tìm một phương thức để về nhà.
Đó là những gì xảy ra tại nhiều khu vực trên thế giới hôm 17/3 khi các nước châu Âu và nhiều quốc gia khác thắt chặt kiểm soát biên giới, nhằm ngăn chặn sự lây lan của chủng mới virus corona.
Hàng chục triệu người bị phong tỏa theo yêu cầu của các chính phủ, nhiều quốc gia ra lệnh đóng cửa các doanh nghiệp, nhà hàng, cửa hiệu, để đối phó với đại dịch Covid-19.
Trong tình cảnh ấy, việc đóng cửa biên giới không chỉ ngăn chặn dòng người đi lại, nó cũng khiến hàng hóa thiết yếu không để được vận chuyển.
Biên giới các nước châu Âu tắc nghẽn
Tại Ba Lan, những hàng ôtô và xe tải chờ ngày một dài hơn khi chính quyền Warsaw đóng cửa phần lớn biên giới với người nước ngoài.
Tại Lithuania, hàng xe tải xếp hàng chờ nhập cảnh vào Ba Lan đã dài tới 60 km và chưa có dấu hiệu giảm bớt. Tình hình tương tự được ghi nhận tại biên giới Đức và Cộng hòa Czech.
Chính phủ Lithuania đã phải cử máy bay quân sự và các đoàn tàu đặc biệt tới Đức để giúp giải cứu người dân nước này mắc kẹt tại các điểm kiểm soát ở biên giới với Ba Lan.
"Tất cả chúng tôi tuyệt vọng trong cái lạnh và mất ngủ khi mắc kẹt tại đây hôm nay là ngày thứ 3. Chúng tôi chỉ muốn về nhà", Janina Stukiene, người phụ nữ Lithuania cùng chồng và con trai đang xếp hàng chờ tại biên giới Đức - Ba Lan cho biết.
Nhà chức trách địa phương không cung cấp thức ăn, chỗ ở hay bất cứ phương tiện vệ sinh nào, Stukiene cho biết.
Để giúp đỡ người dân Estonia và Lithuania trở về nhà sau khi Ba Lan tuyên bố đóng cửa biên giới, cảnh sát Đức đã tổ chức các đoàn phương tiện đi phà qua một hòn đảo của họ trên biển Baltic.
Bên cạnh đó, chính phủ Berlin thông qua kế hoạch trị giá 56 triệu USD nhằm hỗ trợ đưa người dân đang mắc kẹt tại nhiều địa điểm trên toàn cầu về nước.
"Dù cố gắng làm mọi thứ theo cách nhân đạo nhất có thể, chúng tôi cũng không thể cung cấp giải pháp cho tất cả trong vòng 24 giờ", Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Mass cảnh báo.
Các hãng hàng không trên thế giới cắt giảm mạnh số lượng chuyên bay quốc tế cũng như nội địa, trong bối cảnh nhu cầu di chuyển bằng máy bay sụt giảm, cũng như do nhiều quốc gia cấm các chuyến bay quốc tế hạ cánh.
Hôm 17/3, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết nước này lên kế hoạch di tản 3.614 công dân đang mắc kẹt tại 9 quốc gia châu Âu về nước, sau khi di chuyển bằng đường hàng không bị cấm.
Trong khi đó, nhà chức trách quần đảo Balearic của Tây Ban Nha đã phong tỏa hoàn toàn quần đảo này bằng cách cấm máy bay và tàu thuyền từ bên ngoài, ngoại trừ mục đích hồi hương người dân của quần đảo.
Thống đốc Balearic là ông Francisca Arrmengol cho biết quần đảo "về cơ bản sẽ đóng cửa".
Châu Á hạn chế xuất nhập cảnh
Tại châu Á, Malaysia phong tỏa toàn bộ đất nước và cấm hoàn toàn xuất nhập cảnh từ ngày 18/3 sau khi virus corona bất ngờ bùng phát tại nước này.
Singapore trước đó đã tiến hành các biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với người đến từ các vùng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngoài ra, người đến Singapore từ Mỹ, châu Âu và các nước ASEAN được yêu cầu tự cách ly trong thời gian 14 ngày.
Việt Nam hôm 17/3 cũng quyết định dừng cấp thị thực nhập cảnh với công dân nước ngoài với thời hạn 30 ngày kể từ 18/3. Ngoài ra, người nhập cảnh từ Mỹ, châu Âu, các nước ASEAN cũng được yêu cầu cách ly tại các cơ sở tập trung.
Tại Trung Quốc, nhà chức trách yêu cầu cách ly bắt buộc đối với mọi đối tượng nhập cảnh từ nước ngoài. Những ngày qua, số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc liên quan tới người nhập cảnh từ nước ngoài đã cao hơn số ca lây nhiễm chéo trong nội đia.
Tại Trung Đông, Israel, Saudi Arabia và UAE đã đóng cửa nhiều phần biên giới trên bộ và trên không với Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu và Iran sau khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.
Pakistan và Ấn Độ cũng đã đóng cửa phần lớn biên giới sau khi số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến. Trong ngày 17/3, số ca nhiễm Covid-19 tại Pakistan được ghi nhận tăng gấp đôi, lên tới 237 trường hợp.
Nhà chức trách Pakistan cho biết sự gia tăng bất thường này xuất phát từ lỗ hổng trong xét nghiệm và cách ly người trở về từ Iran, tâm điểm dịch bệnh ở Trung Đông.
Trong khi đó, Canada đã đóng cửa biên giới với công dân nước ngoài, với ngoại trừ áp dụng duy nhất dành cho thường trú nhân trên lãnh thổ Canada và công dân Mỹ. Lệnh đóng biên của Canada sẽ có hiệu lực từ ngày 18/3. Bên cạnh đó, người được phép trở về Canada từ nước ngoài phải tiến hành tự cách ly trong 14 ngày.
"Công dân Canada đang ở nước ngoài nên trở về nước khi còn có thể. Tôi xin làm rõ, đây là thời gian các bạn còn có thể về nhà", Thủ tướng Justine Trudeau tuyên bố hôm 16/3.
"Theo cách tương tự với những gì xảy ra sau vụ tấn công 11/9, dịch bệnh đã hoàn toàn thay đổi nhận thức của con người về an ninh, cơ quan phụ trách cách ly như chúng tôi tin rằng cuộc sống của mọi cư dân toàn thế giới sẽ thay đổi vì Covid-19. Kể từ nay, nếu bị ốm, chúng ta nên tình nguyện nghỉ ngơi để tránh lây bệnh cho người khác", Kwon Jun Wook, quan chức y tế cấp cao Hàn Quốc, nhận xét.
Số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh trên toàn cầu
Số ca nhiễm chủng mới virus corona trên toàn cầu đã lên tới gần 190.000 người. Trong khi số ca nhiễm mới Covid-19 tại Trung Quốc và Hàn Quốc đã ngày càng giảm vài ngày qua, châu Âu đã trở thành tâm điểm của dịch bệnh.
Italy tiếp tục là ổ dịch lớn nhất châu Âu với 27.980 ca nhiễm bệnh và 2.158 ca tử vong. So với dữ liệu công bố hôm 16/3, số ca nhiễm virus corona tại Italy đã tăng thêm 3.233 trường hợp, trong khi số ca tử vong tăng thêm 349 người.
Số ca nhiễm ở Tây Ban Nha ngày 17/3 đã lên tới 11.178 với số trường hợp tử vong tăng lên 491, theo Fernando Simon, người phụ trách cơ quan cấp cứu y tế quốc gia nước này. Chỉ trong 24 giờ qua, số người nhiễm mới virus corona tại Tây Ban Nha đã tăng thêm 1.987 trường hợp, trong khi số ca tử vong đã tăng thêm 149.
Trong khi đó, nhà chức trách Anh hôm 17/3 cho biết số ca nhiễm mới virus corona tại nước này đã tăng từ 1.543 lên 1.950 trong 24 giờ qua, tương đương 26%. Số người tử vong do Covid-19 tại Anh tới thời điểm hiện tại là 56.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã phải kêu gọi người dân hủy bỏ các cuộc gặp không cần thiết, làm việc tại nhà nếu có thể, tránh đi tới quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim hoặc các địa điểm vui chơi giải trí.
Bộ Y tế Iran hôm 17/3 thông báo nước này đã ghi nhận thêm 1.178 ca nhiễm mới virus corona trong 24 giờ qua, đánh dấu số lượng ca nhiễm mới tăng kỷ lục trong vòng 24 giờ ở Iran từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số người nhiễm virus corona tại nước này đã lên tới 16.169.
Số ca tử vong có liên quan tới virus corona tại Iran đã lên tới 988, tăng 135 ca so với dữ liệu công bố hôm 16/3.
Tại Mỹ, số người nhiễm virus corona đã tăng lên 5.261, tăng hơn 10% so với ngày 16/3. Số ca tử vong vì Covid-19 tại Mỹ tới hiện tại là 94. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lo ngại số ca nhiễm Covid-19 của Mỹ sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những ngày tới sau khi xét nghiệm được đẩy mạnh trên toàn quốc.
Nhà chức trách Mỹ đã yêu cầu người cao tuổi và người có bệnh lý nền ở trong nhà, đồng thời khuyến nghị người dân mọi lứa tuổi không tham gia các buổi tụ họp có trên 10 người. Người Mỹ trở về từ nước ngoài hiện tắc nghẽn tại các sân bay do các biện pháp kiểm soát y tế của nhà chức trách.
Malaysia đang là tâm điểm dịch Covid-19 tại khu vực Đông Nam Á với số ca nhiễm tại nước này tăng hơn 300 ca trong 2 ngày qua. Tổng số ca nhiễm ở nước này tới hết ngày 16/3 đã lên đến 533 trường hợp.
Phần lớn các ca nhiễm mới tại Malaysia liên quan đến một buổi lễ cầu nguyện Hồi giáo diễn ra tại thánh đường Seri Petaling, từ ngày 27/2 đến 1/3. Sự kiện có hơn 16.000 người tham dự, trong đó khoảng 14.500 người là công dân Malaysia còn khoảng 1.500 thành viên là người nước ngoài.
Somalia là quốc gia mới nhất tại châu Phi ghi nhận ca nhiễm chủng mới virus corona. Tới thời điểm hiện tại, 13 quốc gia châu Phi đã có các ca nhiễm Covid-19, trong bối cảnh phần lớn các nước châu Phi thiếu năng lực tiến hành các xét nghiệm cần thiết.
Jack Ma, nhà sáng lập tập đoàn Alibaba của Trung Quốc, cho biết sẽ quyên góp 1 triệu bộ xét nghiệm, tương đương 20.000 bộ xét nghiệm cho mỗi nước trong tổng số 54 quốc gia châu Phi, trong bối cảnh virus bắt đầu lây lan tới châu lục này.