Các nước khu vực Trung Đông tăng cường biện pháp chống COVID-19
Iran, Jordan, Liban... đã áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc, đồng thời đưa ra các quy định hạn chế tập trung đông người, tăng thời gian giới nghiêm và đóng cửa các địa điểm tập trung đông người.
Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại Trung Đông, các nước trong khu vực này đã phải tăng cường những biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Kênh truyền hình nhà nước Iran ngày 1/11 cho biết Iran sẽ hạn chế đi lại đối với các thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau khi nước này ghi nhận số ca tử vong theo ngày tăng vọt. Biện pháp này có hiệu lực từ trưa 2/11 và sẽ kéo dài đến ngày 6/11 tới.
Theo quy định, biện pháp hạn chế trên áp dụng đối với thủ phủ của 25 tỉnh trên cả nước được phân loại là "màu đỏ," mức cao nhất trong thang đánh giá theo màu sắc của Iran.
Biện pháp này sẽ ngăn chặn người dân ra vào các thành phố bị hạn chế dựa trên biển số xe, nhưng không áp dụng đối với các phương tiện giao thông công cộng. Theo đó, những người vi phạm sẽ bị phạt.
Iran là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch ở khu vực Trung Đông, và ghi nhận số ca nhiễm mới cũng như tử vong theo ngày ở mức cao trong những ngày gần đây.
Số ca tử vong do COVID-19 tại Iran trong ngày 1/11 là 434 ca, mức theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này, nâng tổng số ca tử vong lên 35.298 ca. Cùng ngày, Iran cũng có thêm 7.719 ca nhiễm mới.
Tại Jordan, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Thủ tướng Bisher Khasawneh ngày 1/11 đã thông báo lệnh phong tỏa toàn quốc trong vòng 5 ngày, bắt đầu từ ngày 11/11, một ngày sau cuộc bầu cử Quốc hội.
Theo Bộ Y tế Jordan, ngày 1/11, nước này ghi nhận 3.259 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc lên 75.866 ca, và 37 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 866 ca.
Phát biểu tại thủ đô Amman, Thủ tướng Khasawneh tuyên bố lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ có hiệu lực từ 17 giờ (giờ địa phương) ngày 11/11.
Ngoài lệnh phong tỏa trên, Jordan cũng đưa ra các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh mới, trong đó có quy định hạn chế tập trung đông người, tăng thời gian giới nghiêm và đóng cửa các khu vui chơi giải trí cũng như các phòng tập gym.
Thủ tướng Khasawneh cũng kêu gọi người dân hành động trách nhiệm hơn và tuân thủ những quy định phòng dịch như đeo khẩu trang, bảo đảm giãn cách xã hội. Cảnh sát sẽ tăng cường hoạt động tuần tra và phạt những người vi phạm quy định.
Cũng trong ngày 1/11, Bộ trưởng Nội vụ Liban Mohammad Fahmi cho biết nước này áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn đối với 115 ngôi làng và thị trấn, cùng với lệnh giới nghiêm trên cả nước do số ca nhiễm mới tăng cao.
Lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ 21 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Liban cũng cấm các hoạt động tập trung đông người ở cả nơi công cộng và riêng tư trên toàn lãnh thổ nước này, trong khi yêu cầu tất cả các quán rượu và các hộp đêm vẫn đóng cửa cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Hamad Hassan cho rằng việc đóng cửa một phần ở nước này cho thấy không hiệu quả, đồng thời kêu gọi các nhà chức trách Liban áp đặt lênh phong tỏa trên cả nước nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.
Theo Bộ trưởng Hassan, Liban đang chứng kiến các ca tử vong do COVID-19 ở những người trẻ tuổi do người dân bất cẩn hoặc thiếu ý thức phòng dịch.
Ông Hassan cũng cảnh báo Liban có nguy cơ phải đối mặt với thảm họa nếu không cân nhắc áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn.
Liban hiện ghi nhận tổng cộng 82.617 ca nhiễm, trong đó 643 ca tử vong./.