Các nước làm gì để tránh trượt vào 'vết xe đổ' của Ấn Độ?
Kịch bản Covid-19 tại Ấn Độ đang lặp lại ở nhiều quốc gia trên thế giới. Giới chức trách và hệ thống y tế các nước đều gồng mình chống chọi để tránh thảm kịch ở quốc gia Nam Á.
Các bệnh viện chật kín bệnh nhân mắc Covid-19 tại Sohag, một tỉnh dọc sông Nile, tâm dịch của làn sóng thứ ba ở Ai Cập.
“Tôi ước tính không có gia đình nào ở Sohag không có người dương tính. Chúng tôi mất năm bác sĩ trong một tuần", tiến sĩ Mahmoud Fahmy Mansour, người đứng đầu hiệp hội bác sĩ của tỉnh nói.
Kịch bản Covid-19 Ấn Độ lặp lại tại Ai Cập
Số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 tại Ấn Độ tăng vọt gần 30 lần trong tháng 3 và tháng 4, sau khi nước này tưởng như đã đánh bại đại dịch và tổ chức nhiều sự kiện lớn đông đúc. Hiện hệ thống y tế đã quá tải, oxy và các nguồn cung khác cạn kiệt, khiến bệnh nhân rơi vào tuyệt vọng.
Ai Cập được dự đoán có khả năng đối mặt với khủng hoảng tương tự Ấn Độ. Tại nước này, số ca mắc mới trung bình hàng ngày đã tăng gấp đôi kể từ đầu tháng 2 lên tới hơn 1.000 ca/ngày và đà tăng vẫn chưa dừng lại. Đỉnh điểm là vào mùa hè năm ngoái và tháng 12/2020, với 1.400-1.600 ca mắc/ngày.
Rất khó để đánh giá phạm vi của đại dịch ở đất nước 100 triệu dân. Hiện nay, số liệu báo cáo có 232.905 ca nhiễm và 13.655 người chết tại Ai Cập, và chỉ 1% dân số nước này đã được tiêm chủng.
Bác sĩ điều hành một bệnh viện lớn ở Sohag cho biết con số thực có khả năng cao gấp 10 lần so với công bố 400-450 ca/tuần của Bộ Y tế. Nhân viên y tế tại đây ngày càng bất lực.
Mustafa Salem, một nhà lập pháp Sohag, cho biết anh đã nhận được hàng chục cuộc gọi từ những người đang tuyệt vọng để tìm máy thở hoặc giường trong phòng chăm sóc đặc biệt.
Ismail Abdallah, 50 tuổi, được một phòng khám chẩn đoán viêm phổi mà không qua kiểm tra vào tháng trước. Hai ngày sau, anh lên cơn khó thở và xác nhận dương tính với SARS-CoV-2. Cả gia đình anh chen chúc trên một chiếc giường tại một khu điều trị đặc biệt chật kín. Abdullah đã qua đời sau hai tuần.
Họ hàng của anh cho biết: “Không có giường trống trong khu miễn phí. Chúng tôi phải vật lộn để tìm một chiếc giường trong khu trả tiền”.
Bộ Y tế đã tăng cường cơ sở vật chất trong tỉnh, cung cấp máy tạo oxy, máy thở và mở thêm khu điều trị đặc biệt. Nhiều bác sĩ đã được gửi đến, số đội y tế chăm sóc bệnh nhân cách ly tại nhà tăng gấp đôi. Hai trung tâm tiêm chủng đã được thành lập. 100 đội được huy động để nâng cao nhận thức.
Các bác sĩ cảnh báo hệ thống y tế ở Sohag có thể sụp đổ, kể cả khi chính phủ gấp rút tiếp thêm nguồn cung.
Bộ Y tế đã liệt kê Sohag nằm trong số năm điểm nóng ở Ai Cập. Thủ đô Cairo, với khoảng 20 triệu dân, cũng nằm trong số đó.
Thủ đô Hồi giáo Cairo là một trung tâm lịch sử. Tại đây, các gia đình đi cầu nguyện tập thể trong tháng lễ Ramadan. Hàng chục nghìn người tụ tập vào ban đêm trên những con phố nhỏ hẹp trong chợ để mua sắm hoặc ngồi cà phê, hầu như đều không đeo khẩu trang.
Hajah Fatima, 57 tuổi, nói: “Đó là một phong tục”.
Nhiều quốc gia chung một hoàn cảnh
Không chỉ riêng Ai Cập đang phải vật lộn với làn sóng Covid-19 mới đầy phức tạp. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom cho biết số ca bệnh trên toàn cầu được ghi nhận trong 2 tuần qua lớn hơn tổng số ca được báo cáo trong 6 tháng đầu của đại dịch.
Nhiều người dân không tuân thủ quy định, hệ thống y tế yếu kém bị lung lay dưới áp lực gia tăng số ca nhiễm mới, là những rủi ro nhiều quốc gia đang trải qua.
Cơ hội rộng mở hơn đối với các quốc gia giàu có, có khả năng tiêm chủng cho đông dân. Ngược lại, các quốc gia không có điều kiện tiêm chủng phải đối mặt với tình trạng tồi tệ hơn, vật lộn giữa việc cách ly toàn xã hội để giảm lây nhiễm và nguy cơ tổn hại kinh tế. Cả hai đều có thể gây ra thảm kịch tương tự Ấn Độ.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia chỉ có 9,4 triệu trong số hơn 80 triệu người được tiêm chủng đầy đủ, số ca mắc mới tăng gần 6 lần so với đầu tháng 3, đạt mức cao nhất hơn 60.000 ca mỗi ngày. Chính phủ đã áp đặt lệnh cách ly toàn quốc ba tuần vào 29/4, tuy nhiên miễn trừ nhiều lĩnh vực, cho phép hàng triệu người tiếp tục làm việc.
Ở Dải Gaza, nơi sinh sống của 2 triệu người Palestine, tỷ lệ lây nhiễm đã vượt qua 1.000 ca mỗi ngày vào tháng 3 và tháng 4, là con số ghi nhận hàng tuần trước đó. Số người chết hàng ngày đã tăng gấp đôi lên mức cao là 20. Tổng cộng tại đây có hơn 900 người chết và hơn 102.000 người nhiễm bệnh, hơn một nửa số đó diễn ra vào năm nay.
Tại Nam Phi, nơi có số ca nhiễm và số ca tử vong do Covid-19 lớn nhất ở châu Phi, các quan chức cảnh báo về một đợt gia tăng mới khi mùa đông Nam bán cầu đến gần.
Pakistan đang ở giữa đợt dịch thứ ba, với số người chết một ngày lên đến 201, vào ngày 28/4, cao nhất trong toàn bộ đại dịch.
Giới chức trách Bộ Y tế đã kê thêm hàng trăm giường bệnh, tăng gấp đôi lượng oxy lên 800 tấn/ngày so với năm ngoái. Tuy nhiên, 90% số đó đã được dùng khi tình hình dịch đạt đỉnh những tuần qua. Số ca mắc mới đã giảm nhẹ trong tuần này từ mức trung bình khoảng 6.000 ca/ngày.
Giải pháp là gì?
Bộ trưởng Kế hoạch và Phát triển Pakistan Asad Umar cảnh báo đất nước hơn 200 triệu người có thể đối mặt với thảm họa giống Ấn Độ, trừ khi mọi người tuân thủ các biện pháp phòng ngừa đã bị coi nhẹ rộng rãi.
Các quan chức y tế Ai Cập cho rằng nguyên nhân gây tăng số ca mới đột biến là do việc phần lớn người dân bỏ qua biện pháp phòng ngừa. Ở nước này, việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội rất hiếm. Một số quán cà phê vẫn phục vụ ống hút dùng chung cho khách hàng. Tiệc cưới, ma chay vẫn diễn ra, dòng người vẫn đổ về chợ, bất chấp lệnh cấm của chính phủ.
Ngày 5/5, chính phủ Ai Cập đã công bố những quy định nghiêm ngặt nhất, yêu cầu quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng và trung tâm thương mại đóng cửa vào lúc 21h và cấm tụ tập đông người trong hai tuần, đóng cửa các bãi biển, công viên trong kỳ nghỉ lễ Eid el-Fitr sắp tới vào cuối tháng lễ Ramadan.
Kenya đã tạm dừng các chuyến bay với Ấn Độ trong hai tuần. Trong khi đó, Nigeria đình chỉ các chuyến bay với Ấn Độ, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ, lo ngại bị các chủng vi rút mới xâm nhập.
Các chuyên gia y tế Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi kéo dài đóng cửa hoàn toàn lên 28 ngày đối với tất cả các dịch vụ không thiết yếu, mặc dù số ca nhiễm mới đã giảm nhẹ.
Theo dự đoán của Tổng giám đốc WHO Tedros, tình trạng ở Ấn Độ và Brazil, hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, có thể xảy ra ở những nơi khác, “trừ khi tất cả thực hiện các biện pháp phòng ngừa sức khỏe cộng đồng”, ông khuyến cáo.