Các nước lớn của EU phản đối trao tư cách ứng cử viên cho Ukraine
Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết nhiều thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã phản đối Kiev 'nhảy cóc' các trình tự quan trọng để gia nhập khối này.
Ngày 31/5, ông Mario Draghi tiết lộ chỉ có Rome ủng hộ việc trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên, trong khi tất cả các thành viên EU lớn khác đều phản đối. Nhà lãnh đạo này nói thêm rằng các quan chức của khối sẽ cố gắng nhanh chóng soạn thảo một đề xuất về cách Kiev có thể gia nhập vào khoảng tháng 6.
"Hiện tư cách ứng cử viên của Ukraine chưa thể xác định rõ ràng vì gặp phải sự phản đối của nhiều quốc gia”, ông Draghi phát biểu tại một cuộc họp báo ở Brussels.
Thủ tướng Italy lưu ý rằng phần lớn các nước đều phải chờ đợi nhiều năm để trở thành ứng cử viên, chứ chưa nói đến việc trở thành thành viên EU. Liên minh này đã đề xuất nhiều thỏa thuận khác để nới lỏng cơ chế, nhưng không quốc gia nào đồng ý cho phép chính phủ Kiev “nhảy cóc”.
Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập EU vào ngày 28/ 2, bốn ngày sau khi bùng phát xung đột với Nga. Hội đồng châu Âu đã ghi nhận nguyện vọng trên của Ukraine và nhanh chóng chuyển thủ tục giấy tờ của Kiev cho Ủy ban châu Âu.
Đầu tháng 5, Nga tuyên bố việc Ukraine trở thành thành viên EU là một điều không thể chấp nhận được đối với Moskva.
Nga đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại quốc gia láng giềng vào cuối tháng 2, sau khi Ukraine không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk, cũng như không công nhận nền độc lập của hai vùng lãnh thổ Donetsk và Lugansk. Nghị định thư Minsk do Đức và Pháp làm trung gian được thiết kế để trao quyền đặc biệt cho hai khu vực trên.
Điện Kremlin kể từ đó đã yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và không tham gia khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu. Trong khi đó, Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ, đồng thời bác bỏ tuyên bố đang có kế hoạch chiếm lại miền Đông bằng vũ lực.