Các nước lớn va nhau chan chát tại kỳ họp LHQ
Ngày 21/9 (giờ Mỹ), các lãnh đạo thế giới tham gia họp trực tuyến để kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hợp quốc (LHQ), trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến nghiêm trọng ở nhiều nơi và một số nước thách thức hiệu quả cũng như tinh thần đoàn kết của tổ chức gồm 193 quốc gia thành viên.
Khi COVID-19 bắt đầu lan ra khắp thế giới từ đầu năm nay, hàng triệu người buộc phải ở nhà và đối diện với nhiều khó khăn kinh tế, các quốc gia trở lại với chính sách đóng cửa và các nhà ngoại giao cho biết LHQ cũng chật vật trong nỗ lực khẳng định mình.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đạt tới điểm sôi vì đại dịch, và Bắc Kinh cũng nỗ lực tạo ảnh hưởng lớn hơn trên thế giới để thách thức vai trò lãnh đạo truyền thống của Mỹ.
Virus corona bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc từ cuối năm ngoái và Washington cáo buộc Bắc kinh thiếu minh bạch trong việc công bố tính nghiêm trọng của dịch bệnh. Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của Mỹ.
Trong một thông điệp được cho là hướng vào Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu ngày 21/9: “Không quốc gia nào có quyền thống trị các vấn đề toàn cầu, kiểm soát vận mệnh của người khác, hoặc giữ lợi thế phát triển chỉ cho riêng mình. Không ai nên được quyền làm bất kỳ điều gì mình muốn và trở thành bá chủ, kẻ bắt nạt hoặc làm ông chủ của thế giới. Chủ nghĩa đơn là ngõ cụt”.
Phát biểu này của ông Tập không nằm trong video ghi hình trước để gửi tới phiên họp mà ở trong tuyên bố dài hơn do phái đoàn Trung Quốc gửi lên LHQ.
Trung Quốc tự mô tả mình là người cổ vũ hàng đầu cho chủ nghĩa đa phương khi Tổng thống Mỹ Donald Trump không coi trọng hợp tác quốc tế, khiến Washington rút khỏi các thỏa thuận toàn cầu như biến đổi khí hậu và Iran, và rời khỏi Hội đồng nhân quyền LHQ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Phó đại sứ Mỹ tại LHQ Cherith Norman Chalet phát biểu trước Đại hội đồng LHQ rằng tổ chức thế giới này có nhiều cách để chứng minh “kinh nghiệm thành công”, nhưng cũng “có những lý do để lo ngại”.
“LHQ đã cưỡng lại cải cách quan trọng quá lâu, thiếu minh bạch quá thường xuyên, và quá mong manh trước hoạt động của các chế độ chuyên quyền và độc tài”, bà Chalet nói.
Mỹ rút khỏi WHO sau khi ông Trump cáo buộc "tổ chức này là con rối của Trung Quốc", nhưng WHO bác bỏ.
Nga cảnh báo "bất hòa gia tăng"
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói về “bất hòa gia tăng” trong cộng đồng quốc tế mà một số nước gây ra khi can dự vào công việc nội bộ của nước khác và áp trừng phạt đơn phương – một sự chỉ trích rõ ràng nhằm vào Mỹ.
“Thế giới đang mệt mỏi với những ranh giới phân chia, sự chia rẽ giữa họ và chúng ta. Thế giới cần hỗ trợ và hợp tác đa phương ngày càng nhiều hơn”, ông Lavrov nói.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói rằng đại dịch đã phơi bày sự mong manh của thế giới. “Ngay nay chúng ta có thừa những thách thức đa phương và thiếu giải pháp đa phương”, ông nói.
Hội đồng Bảo an mất đến mấy tháng để thống nhất quan điểm ủng hộ lời kêu gọi của ông Guterres về ngừng bắn toàn cầu nhằm tạo điều kiện cho các quốc gia tập trung đối phó với COVID-19.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng lợi ích của từng quốc gia thành viên đã buộc LHQ phải thụt lùi những lý tưởng của mình “quá thường xuyên”.
“Những nước mà chúng ta tin rằng chúng ta có thể thích nghi một mình tốt hơn thì đã làm sai. Hạnh phúc là thứ chúng ta chia sẻ, và khổ đau cũng cùng trải qua. Chúng ta là một thế giới”, bà Merkel nói trước Đại hội đồng.
Nhiều nhà lãnh đạo kêu gọi cải tổ LHQ và đặc biệt là Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên, cho rằng thật không công bằng khi chỉ có Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh là thành viên thường trực và có quyền phủ quyết.
“Một cấu trúc của hội đồng khiến vận mệnh của hơn 7 tỷ người phụ thuộc vào lòng nhân từ của 5 quốc gia thì vừa không công bằng vừa không bền vững”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói.