Các nước nhất trí hợp tác giúp Afghanistan sớm ổn định
Các bà mẹ chờ khám bệnh cho con tại một trạm xá ở làng Yarmuhamad, tỉnh Helmand (Afghanistan). Ảnh: AFP/TTXVN
Chính phủ Nhật Bản cho biết ngoại trưởng các nước Nhật Bản, Mỹ, châu Âu và một số quốc gia khác ngày 8/9 đã nhất trí hợp tác trong việc đối phó với tình hình tại Afghanistan, khi những nước này tìm cách đảm bảo an toàn cho những người muốn rời khỏi quốc gia Tây Nam Á đang dưới sự kiểm soát của Taliban.
Trong cuộc họp trực tuyến với những người đồng cấp của hơn 20 nước, với sự quan ngại ngày càng gia tăng rằng bất ổn và tình trạng thiếu an ninh có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Afghanistan, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cam kết gói viện trợ mới trị giá 65 triệu USD thông qua các tổ chức quốc tế nhằm trợ giúp người dân địa phương về nơi ở, thực phẩm, nước và các nhu cầu thiết yếu khác.
Cuộc họp này do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Đức Heiko Maas đồng chủ trì. Theo phóng viên TTXVN tại Rome, phát biểu tại cuộc họp trên, Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio cũng bày tỏ lo ngại về cách thức thành lập chính phủ mới ở Afghanistan sau khi Taliban giành được quyền lực. Ông Di Maio nêu rõ: “Chúng ta phải kiên định khi đề cập đến các nguyên tắc. Chúng ta không thể nhượng bộ việc tôn trọng các quyền mà người dân Afghanistan có được trong 20 năm qua”.
Cũng tại cuộc họp trực tuyến, Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong ngày 8/9 đã nhắc lại cam kết của Seoul trong việc mang lại ổn định cho đất nước Afghanistan bị chiến tranh tàn phá và cải thiện tình hình nhân đạo tại quốc gia Tây Nam Á này.
Ông Chung cũng đã kêu gọi tiếp tục những nỗ lực nhằm đảm bảo chính phủ mới của Afghanistan tôn trọng những chuẩn mực quốc tế và nhân quyền, tránh cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho các phần tử khủng bố. Ông Chung cũng hối thúc Taliban thực hiện đúng cam kết về đảm bảo hành lang nhân đạo cho người Afghanistan và người nước ngoài muốn rời khỏi nước này.
Các bên tham dự hội nghị nhất trí duy trì liên lạc chặt chẽ trong các nỗ lực chống khủng bố và các biện pháp cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan.
Cũng trong ngày 8/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã tiến hành điện đàm, trong đó hai bên bày tỏ sẵn sàng hợp tác để ổn định tình hình ở Afghanistan và tránh nguy cơ khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và buôn bán ma túy.
Theo phóng viên TTXVN tại Moscow, trong thông cáo báo chí, Điện Kremlin cho biết hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khởi động một cuộc đối thoại thực tế trong nội bộ Afghanistan để đảm bảo sự toàn vẹn của đất nước, có tính tới lợi ích thích đáng của tất cả các bên ở Afghanistan.
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga vẫn chưa có kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán với chính phủ mới thành lập ở Afghanistan nhưng sẽ thiết lập các kênh liên lạc thông qua Đại sứ quán ở Kabul và tiếp tục theo dõi tình hình.
Về lời mời tới dự lễ nhậm chức của chính phủ mới tại Afghanistan dự kiến diễn ra vào ngày 11/9 tới do một nguồn tin Taliban thông báo trước đó, Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, Valentina Matviyenko cho rằng đại diện của Nga sẽ có mặt tại sự kiện này ở cấp đại sứ hoặc các thành viên khác của đoàn ngoại giao.
Trong khi đó, Sputniknews đưa tin, người phát ngôn của Taliban, Zabihullah Mujahid cho biết chính quyền Afghanistan trong tương lai sẽ bao gồm phụ nữ. Động thái này được đưa ra sau khi phong trào này ngày 7/9 thông báo chính phủ lâm thời Afghanistan không có nữ bộ trưởng nào.
Phát biểu trên đài BFMTV tối 8/9, ông Mujahid nêu rõ: "Chính phủ này là lâm thời. Chúng tôi sẽ có những vị trí cho phụ nữ với sự tôn trọng luật Sharia. Đây là một sự khởi đầu, nhưng chúng tôi sẽ dành chỗ cho phụ nữ. Họ có thể là một phần của chính quyền. Đó sẽ là bước thứ hai”.
Trong diễn biến khác, một quan chức giấu tên của Mỹ cho biết giới lãnh đạo Taliban đã đồng ý để 200 công dân Mỹ và các công dân nước thứ 3 rời khỏi nước này trên các chuyến bay thuê bao từ sân bay Kabul. Đây là những người vẫn còn ở lại Afghanistan sau khi Mỹ kết thúc hoạt động sơ tán.
Theo nguồn tin trên, Đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad đã gây sức ép buộc Taliban phải cho phép các chuyến bay trên cất cánh. Các chuyến bay này dự kiến khởi hành vào ngày 9/9. Tuy nhiên, quan chức trên không thể xác nhận liệu những công dân Mỹ và các công dân nước thứ 3 này có nằm trong số những người bị kẹt nhiều ngày ở Mazar-i-Sharif hay không, vì các chuyến bay thuê tư nhân không được phép cất cánh.
Ngày 8/9, Taliban ra thông báo cấm tổ chức mọi hoạt động biểu tình ở thủ đô Kabul và các tỉnh khác ở Afghanistan mà không được chính quyền mới của nước này cho phép. Theo thông báo của Taliban, không ai được xuống đường biểu tình mà không được phép của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ nước này. Những người tham gia hoạt động biểu tình không phép sẽ phải "gánh chịu hậu quả”.
Chính quyền Taliban ở Afghanistan đưa ra tuyên bố trên một ngày sau khi các lực lượng của Taliban đã phải nổ súng chỉ thiên để giải tán hàng chục người đang biểu tình ở Kabul phản đối sự can dự của Pakistan vào các vấn đề của Afghanistan.
Liên quan đến vấn đề tiếp nhận người tị nạn Afghanistan, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin tối 8/9 tuyên bố nước này sẵn sàng tiếp nhận công dân Afghanistan, trong có có phụ nữ và trẻ em, đang tìm kiếm tị nạn. Trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Locsin nêu rõ: "Chúng tôi mở cửa với những người chạy trốn xung đột, bắt bớ, lạm dụng tình dục và cái chết". Ông Locsin cho biết Bộ Ngoại giao Philippines sẽ ra tuyên bố về vấn đề này.
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 9/9 thông báo nước này đã hoàn thành chiến dịch sơ tán khỏi Afghanistan, với chuyến bay cuối cùng hạ cánh xuống TP Darwin, thủ phủ Lãnh thổ phía Bắc, vào đêm 8/9.
Thủ tướng Morrison cho biết hơn 3.500 người đã được sơ tán đến Úc, trong đó có khoảng 2.500 phụ nữ và trẻ em, trên hơn 32 chuyến bay từ Kabul. Nhà lãnh đạo này cho biết kết thúc chiến dịch sơ tán, Canberra sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo, đó là chương trình nhân đạo giúp ổn định cuộc sống cho những người Afghanistan đã tới được Úc.