Các nước nhất trí nối lại đàm phán hạt nhân với Iran
Mỹ và 3 nước châu Âu gồm Anh, Pháp và Đức đã nhấn mạnh về sự cần thiết phải đưa Iran nhanh chóng quay trở lại bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân.
Hãng tin AP dẫn lời người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, đặc phái viên phụ trách vấn đề Iran của Nhà Trắng Robert Malley cùng những người đồng cấp Anh, Pháp và Đức đã tham gia các cuộc tham vấn vào ngày 22-10, tại thủ đô Paris (Pháp). “Trong những cuộc tham vấn, các nước đã thống nhất quan điểm rằng cần phải nối lại tiến trình đàm phán tại thủ đô Vienna (Áo) sớm nhất có thể nhằm tiến tới khôi phục đầy đủ thỏa thuận hạt nhân Iran”, ông Price khẳng định.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh rằng các cuộc thảo luận này diễn ra vào “thời điểm quan trọng” khi Pháp và các cường quốc khác trên thế giới đã sẵn sàng nối lại đàm phán tại Vienna. Ngoài ra, bộ này cũng nhấn mạnh, trong thời gian chờ đợi, Iran phải chấm dứt các hành vi vi phạm “nghiêm trọng chưa từng thấy” thỏa thuận hạt nhân, đồng thời cũng cần nối lại việc hợp tác đầy đủ, nhanh chóng với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Những cuộc tham vấn trên được tổ chức sau chuyến thăm vùng Vịnh của đặc phái viên Malley với mục đích trao đổi quan điểm về vấn đề hạt nhân Iran cùng 3 quốc gia đồng minh trong khu vực là Qatar, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Trước đó, vào đầu tháng 10 này, một số tín hiệu tích cực đã xuất hiện khi Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đưa ra những tuyên bố riêng rẽ nhưng đều đề cập đến khả năng về một chu kỳ đàm phán mới có thể được tiếp tục trong thời gian sớm.
Thỏa thuận hạt nhân lịch sử hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) vào năm 2015. Tuy nhiên, đến năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đơn phương rút nước này khỏi JCPOA và tái áp đặt các lệnh trừng phạt Iran. Đáp lại, chính quyền Tehran dần thu hẹp nhiều cam kết của mình trong thỏa thuận, đồng thời tăng mức làm giàu urani. Sau khi lên nắm quyền tại Nhà Trắng vào hồi đầu năm nay, Tổng thống Joe Biden nhiều lần tuyên bố muốn “hồi sinh” JCPOA. Tuy vậy, dù đều tỏ rõ mong muốn quay trở lại tuân thủ thỏa thuận, chính quyền Washington và Tehran còn có những khác biệt về việc phía nào sẽ phải nhượng bộ trước.
Trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân, Iran và các cường quốc còn lại tham gia JCPOA là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức đã nối lại đàm phán trực tiếp từ tháng 4-2021 tại Vienna trong khi Mỹ tham gia gián tiếp. Nội dung đàm phán chính bao gồm việc tháo gỡ những biện pháp trừng phạt của Mỹ, những cáo buộc vi phạm thỏa thuận của nước Cộng hòa Hồi giáo cũng như đưa Washington và Tehran cùng quay trở lại các cam kết đầy đủ trong thỏa thuận.
Tổng cộng đã có 6 vòng đàm phán được tổ chức, với lần gần đây nhất là vào ngày 20-6, nhưng các bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, bao gồm những bước phải thực hiện trong lộ trình trở lại JCPOA. Chỉ ít lâu sau, Iran yêu cầu tạm dừng các cuộc đàm phán do có sự thay đổi bộ máy lãnh đạo khi ông Ebrahim Raisi trở thành tổng thống của nước này. Từ đó đến nay, các nước chưa thống nhất được thời gian cụ thể cho những vòng đàm phán tiếp theo.