Các nước phân cấp khu vực nguy cơ để chống dịch như thế nào?

Thái Lan và Campuchia áp dụng công thức chia các khu vực theo màu tương ứng với nguy cơ lây lan dịch bệnh, và có những mức độ hạn chế phòng dịch riêng cho từng nơi.

Khi làn sóng ca mắc Covid-19 cuối mùa xuân 2021 ập tới các nước Đông Nam Á, Bangkok và Phnom Penh trở thành hai cụm dịch lớn nhất lần lượt ở Thái Lan và Campuchia.

Để ứng phó với số ca mắc tăng nhanh chưa từng có, nhà chức trách Thái Lan và Campuchia đã chia các khu vực hành chính theo mã màu, tương ứng với tình hình diễn biến dịch bệnh, để duy trì các biện pháp hạn chế theo cấp độ phù hợp.

Bangkok vẫn duy trì hoạt động kinh doanh

Từ đầu tháng 4, số ca mắc Covid-19 ở Thái Lan gia tăng nhanh chóng trên phạm vi cả nước. Hơn 1.000 người có kết quả xét nghiệm dương tính mỗi ngày ở Thái Lan kể từ 13/4.

Để ứng phó với đà lây lan chưa từng có của dịch bệnh lúc đó, nhà chức trách Thái Lan đã đưa thủ đô Bangkok cùng 17 tỉnh có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh vào danh sách "vùng đỏ" từ ngày 16/4.

 Nhân viên y tế phun khử trùng tại thủ đô Bangkok. Ảnh: Bangkok Post.

Nhân viên y tế phun khử trùng tại thủ đô Bangkok. Ảnh: Bangkok Post.

Tại vùng đỏ, tất cả quán rượu, hộp đêm, dịch vụ karaoke đều bị cấm.

Các nhà hàng, quán cà phê được phép hoạt động tới 23h. Tuy nhiên, việc phục vụ trong nhà sẽ phải dừng từ 21h. Sau đó, khách hàng chỉ có thể đặt đồ ăn mang đi. Việc bán rượu tại các quán ăn hoàn toàn bị cấm.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bị ảnh hưởng, bao gồm cả những địa điểm trong khách sạn, khu nghỉ dưỡng.

"Việc cho phép bán đồ ăn mang đi tới 23h nhằm duy trì cho các doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh có thể tiếp tục vận hành", Taweesin Visanuyothin, người phát ngôn Cơ quan Quản lý tình hình Covid-19 Thái Lan, cho biết.

Các cửa hàng, trung tâm thương mại được phép hoạt động tới 21h, tuy nhiên số lượng khách hàng bị hạn chế.

Các cửa hàng nhu yếu phẩm thiết yếu, siêu thị, chợ và phố đi bộ được hoạt động tới 23h.

Mọi hoạt động tụ tập trên 50 người đều bị cấm ở vùng đỏ, trong đó có Bangkok. Nhiều địa điểm, dịch vụ kinh doanh chỉ được phép hoạt động tới 21h, nhưng bị hạn chế số khách hàng.

Đến 1/5, khi ổ dịch tại các nhà xưởng và khu lao động ở Bangkok tăng mạnh, thủ đô cùng một số địa phương khác bị đưa vào danh sách "vùng đỏ đậm".

Các vùng đỏ đậm bị hạn chế thậm chí còn gắt gao hơn. Hoạt động kinh doanh ăn uống vẫn được mở cửa, nhưng chỉ có thể phục vụ 25% lượng khách hàng tối đa.

Hoạt động tụ tập trên 20 người bị cấm ở thủ đô Bangkok. Các trường học bị cấm giảng dạy trực tiếp. Tất cả các địa điểm có nguy cơ tập trung đông người đều bị đóng cửa.

Tới ngày 21/6, Thái Lan vẫn duy trì danh sách vùng đỏ đậm gồm Bangkok, Nonthaburi, Pathum Thani và Samut Prakan.

Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế ở tất cả khu vực theo màu đều được nới lỏng một phần.

Quân đội canh gác quanh "vùng đỏ" ở Phnom Penh

Campuchia đang trải qua đợt bùng phát dịch bệnh thứ 3 và cũng là nghiêm trọng nhất sau khi một nhóm người Trung Quốc trốn khỏi khu cách ly tại Phnom Penh hồi tháng 4.

Thủ đô Phnom Penh bị đặt dưới lệnh phong tỏa từ ngày 15/4. Tới ngày 24/4, tất cả chợ ở thủ đô Phnom Penh bị đóng cửa, nhằm ngăn đà lây lan của virus tại các khu mua bán thực phẩm.

Bên cạnh đó, chính quyền Phnom Penh chia thành phố thành 3 khu vực màu theo thứ tự đỏ, da cam và vàng.

Màu đỏ là khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao nhất và thực hiện các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất.

Tại khu vực màu đỏ, người dân bị cấm ra khỏi nhà hoàn toàn, trừ những hợp đặt biệt thiết yếu như cấp cứu. Mọi hoạt động kinh doanh buộc phải đóng cửa, kể cả các khu chợ.

 Quân đội kiểm soát các điểm ra vào vùng đỏ ở Phnom Penh. Ảnh: Khmer Times.

Quân đội kiểm soát các điểm ra vào vùng đỏ ở Phnom Penh. Ảnh: Khmer Times.

Chỉ các chợ do Bộ Thương mại Campuchia cấp phép đặc biệt hoặc điểm tiếp tế của chính phủ mới được duy trì hoạt động.

Khu vực màu đỏ bị bao quanh bởi các lớp rào chắn, có quân đội canh gác ở mọi lối ra vào. Người nào vi phạm quy định chống dịch ở khu vực màu đỏ có thể bị bắt, xử phạt, thậm chí xử lý hình sự.

Tại khu vực màu cam, các hạn chế được nới lỏng một phần so với khu vực màu đỏ.

Người dân được phép ra ngoài để tới công sở, mua thực phẩm, thuốc men, hoặc nhu yếu phẩm thiếu yếu khác 3 lần mỗi tuần.

Tuy nhiên, khi ra ngoài, người dân cần mang theo giấy tờ cấp phép của nhà chức trách địa phương hoặc giấy giới thiệu của công ty nơi họ làm việc.

Hoạt động thể dục thể thao ngoài trời được cho phép nhưng không được tụ tập quá 2 người.

Các nhà hàng chỉ được phép bán mang đi. Khách sạn, nhà nghỉ, các dịch vụ công cộng được phép hoạt động nhưng bị hạn chế số lượng khách hàng. Các nhà máy sản xuất thiết bị y tế, chế biến thực phẩm cũng được phép vận hành.

Khu vực màu vàng là những nơi có nguy cơ lây lan dịch bệnh thấp. Tại đây, người dân có thể di chuyển bình thường. Các doanh nghiệp được phép hoạt động nhưng vẫn có một số hạn chế.

Tuy nhiên, các trường học, bao gồm trường dạy nghề công lập và trường tư thục không được phép mở cửa.

Các loại hình kinh doanh giải trí, như quán rượu, hộp đêm, karaoke, công viên, massage, rạp chiếu phim, phòng gym, trung tâm thể thao, tiếp tục bị đóng cửa.

Mọi hoạt động tụ tập trên 10 người đều bị cấm, trừ tại các công sở và đám ma.

Từ ngày 20/5, Phnom Penh không còn vùng màu đỏ.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-nuoc-phan-cap-khu-vuc-nguy-co-de-chong-dich-nhu-the-nao-post1232249.html