Các nước phản ứng ra sao khi Sri Lanka ngày càng chìm sâu vào khủng hoảng, bạo động?

Singapore, Malaysia khuyến cáo người dân tạm thời không đến Sri Lanka, Mỹ giục lãnh đạo Sri Lanka khẩn trương giải quyết vấn đề,...

Đầu tháng 4, biểu tình bắt đầu nổ ra ở Sri Lanka để phản ứng với việc chính quyền quản lý kém để đất nước “trượt dài” trong khủng hoảng kinh tế. Bệnh viện thiếu thuốc men; dân thiếu lương thực; trường học, các dịch vụ thiết yếu phải tạm thời đóng cửa vì thiếu nhiên liệu; đất nước vỡ nợ; lạm phát tăng phi mã,... là những gì đã và đang diễn ra ở quốc gia Trung Á này.

Hàng ngàn người dân xuống đường, chính quyền hơn một lần ban bố tình trạng khẩn cấp và điều động cảnh sát, quân đội để vãn hồi trật tự. Tuy nhiên, biểu tình vẫn không hạ nhiệt.

Đỉnh điểm, hôm 9-7, hàng trăm người dân đã tràn vào phủ tổng thống và dinh thủ tướng để yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksavi và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe từ chức, tuy nhiên không gặp được hai vị lãnh đạo này. Sau đó, người biểu tình kéo đến đốt nhà riêng của Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, theo tờ The New York Times.

Người dân sử dụng hồ bơi trong phủ tổng thống Sri Lanka ngày 10-7 sau khi xông vào phủ hôm 9-7. Ảnh: REUTERS

Người dân sử dụng hồ bơi trong phủ tổng thống Sri Lanka ngày 10-7 sau khi xông vào phủ hôm 9-7. Ảnh: REUTERS

Trước diễn biến biểu tình căng thẳng này, một số quốc gia trên thế giới đã có những động thái liên quan.

Singapore và Malaysia

Ngày 10-7, Bộ Ngoại giao Singapore đã khuyến cáo công dân hoãn tất cả các chuyến đi không cần thiết đến Sri Lanka. Bộ Ngoại giao Singapore cũng khuyến khích những công dân đang đi du lịch hoặc đang ở Sri Lanka mua "bảo hiểm du lịch toàn diện và nắm rõ các điều khoản và phạm vi bảo hiểm", theo kênh Channel News Asia.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Singapore cũng khuyến cáo công dân đang ở Sri Lanka nên cảnh giác và “thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa cần thiết để đảm bảo an toàn cho cá nhân”.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Singapore viết: "Người dân nên tránh những nơi công cộng, nơi có biểu tình và đám đông. Người dân cũng nên theo dõi tin tức sát sao và chú ý đến hướng dẫn của chính quyền địa phương”.

Cũng giống Singapore, Bộ Ngoại giao Malaysia khuyến cáo công dân tạm thời không đi đến Sri Lanka nếu không thực sự cần thiết, đồng thời khuyến khích người dân tuân thủ các hướng dẫn của chính quyền địa phương, theo trang Malay Mail.

Người dân nấu đồ ăn trong sân của dinh thủ tướng Sri Lanka ngày 10-7. Ảnh: REUTERS

Người dân nấu đồ ăn trong sân của dinh thủ tướng Sri Lanka ngày 10-7. Ảnh: REUTERS

Bộ này cho biết hiện Bộ đang theo dõi sát sao những diễn biến ở Sri Lanka và Cao ủy Malaysia ở thủ đô Colombo đang liên hệ với tất cả những người Malaysia để đảm bảo an toàn và hỗ trợ lãnh sự cho họ nếu cần thiết.

Mỹ

Ngày 10-7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hối thúc các nhà lãnh đạo Sri Lanka nhanh chóng tìm ra các giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị đang xảy ra ở nước này, theo hãng tin AFP.

Ông Blinken nói: “Chúng tôi mong muốn quốc hội Sri Lanka tiếp cận vấn đề này với cam kết vì sự cải thiện của đất nước chứ không phải vì bất kỳ một đảng chính trị nào".

Ông Blinken nói rằng cho dù những ai lãnh đạo nước này thì cũng phải “làm việc khẩn trương để đưa ra và tiến hành các giải pháp mang lại triển vọng ổn định kinh tế lâu dài”. Theo ông, những giải pháp như vậy phải giải quyết được sự bất bình của người dân lúc này.

Người biểu tình xem tivi trong phủ tổng thống Sri Lanka ngày 10-7. Ảnh: REUTERS

Người biểu tình xem tivi trong phủ tổng thống Sri Lanka ngày 10-7. Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết người dân Sri Lanka có "quyền biểu tình, lên tiếng một cách hòa bình”, đồng thời kêu gọi “một cuộc điều tra đầy đủ” về những hành vi bạo lực người biểu tình.

Trung Quốc

Ngày 9-7, Đại sứ quán Trung Quốc tại Sri Lanka đã nhắc nhở công dân tại nước này chú ý đến tình hình an ninh địa phương và tuân thủ luật pháp, quy định của chính quyền sở tại, theo tờ Global Times.

Đại sứ quán cũng yêu cầu công dân không tham gia hoặc xem bất kỳ cuộc biểu tình nào, đồng thời cảnh giác, giữ an toàn cho mình, tránh ra ngoài, luôn giữ liên lạc và cập nhật các thông báo từ Đại sứ quán.

Cũng trong ngày 9-7, Đại sứ Trung Quốc tại Sri Lanka Thích Chấn Hoành đã tham dự buổi lễ trao tặng 7.060 gói thực phẩm trị giá 150.000 USD của Hiệp hội Chữ thập đỏ Trung Quốc cho người dân TP Nuwara Eliya, tỉnh Central Province.

ĐỨC HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/cac-nuoc-phan-ung-ra-sao-khi-sri-lanka-ngay-cang-chim-sau-vao-khung-hoang-bao-dong-post688523.html