Các nước quản lý chặt chẽ hệ thống xe buýt

Nhằm quản lý hiệu quả hệ thống vận tải hành khách xe buýt, các quốc gia trên thế giới thúc đẩy các phương thức hợp tác công - tư, khuyến khích sự tham gia của các DN vào nhiều công đoạn khác nhau, như: điều hành xe buýt, tuyển dụng nhân viên bảo dưỡng phương tiện...

Các quốc gia châu Á thúc đẩy quản lý xe buýt theo mô hình công - tư

Chính phủ Singapore đã giao cho các công ty tư nhân quản lý hệ thống xe buýt. Các công ty SBS Transit, SMRT Buses, Tower Transit, Go-Ahead vận hành hệ thống phương tiện công cộng này dựa trên nguyên tắc thương mại mà không có trợ cấp trực tiếp từ chính phủ. Những công ty này cũng được hưởng miễn thuế đối với xăng, dầu diesel và không cần phải trả phí lấy giấy phép sử dụng xe COE khi mua xe buýt mới. Đây là một loại thuế khá đắt đỏ, vốn được chính phủ đưa ra nhằm kiểm soát lượng xe mới.

Tuy nhiên, mức vé tối đa phải được Hội đồng Giao thông Công cộng kiểm duyệt thay vì để các công ty tự quyết định. Điều này nhằm tránh tình trạng những công ty này đẩy giá vé lên cao gây bất lợi cho hành khách.

Chính phủ chịu trách nhiệm đầu tư hạ tầng như nhà chờ, hệ thống đèn tín hiệu cũng như đưa ra những chính sách, chế tài ưu tiên cho xe buýt, chẳng hạn như làn dành riêng. Việc thử nghiệm các công nghệ và tính năng mới cũng được quan tâm nhằm cải thiện trải nghiệm chuyển, nâng cao độ an toàn và tạo điều kiện cho việc lưu thông dòng hành khách.

Tương tự như Singapore, Hàn Quốc quản lý hệ thống xe buýt theo mô hình kết hợp công - tư. Theo đó, chính phủ thành lập một hội đồng tư vấn điều hành phương tiện công cộng này với sự tham gia của khối nhà nước và tư nhân. Hội đồng này chịu trách nhiệm quản lý doanh thu chung và phân bổ lại cho các công ty tư nhân dựa trên kinh phí hoạt động cơ sở và lợi nhuận. Lợi nhuận từ những tuyến tốt được dùng để bù đắp cho khoản lỗ từ các tuyến khác Cơ quan này cũng nắm quyền điều chỉnh tuyến, bảo đảm chất lượng và cải thiện dịch vụ.

Hàn Quốc khuyến khích sự tham gia của tư nhân vào quản lý xe buýt. Ảnh: Getty image

Hàn Quốc khuyến khích sự tham gia của tư nhân vào quản lý xe buýt. Ảnh: Getty image

Chính quyền khuyến khích sự tham gia của tư nhân vào phát triển giao thông công cộng thông qua các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho tài xế nhận lương cao hơn và giảm áp lực cạnh tranh. Những chính sách này đã giúp cải thiện lượng khách sử dụng hệ thống xe buýt, hạn chế những thách thức đối với lĩnh vực giao thông như số lượng xe ô tô cá nhân quá cao gây tắc nghẽn, cạnh tranh quyết liệt giữa những công ty điều hành xe buýt.

Để tạo ra sự cạnh tranh, Chính phủ Hàn Quốc cho phép các công ty tư nhân đấu thầu một số tuyến buýt và triển khai sáng kiến dịch vụ khách hàng. Năng lực vận hành sẽ được đánh giá theo khung. Những đơn vị hoạt động tốt sẽ được khen thưởng và ngược lại.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, trong bối cảnh hệ thống xe buýt tại các địa phương chứng kiến tình trạng suy giảm số lượng hành khách do sự phát triển của hệ thống Metro, chính phủ đã thúc đẩy các chính sách trợ giá nhằm hỗ trợ các công ty xe buýt vượt khó. Quyền kiểm soát hệ thống xe buýt được Chính phủ chuyển một phần hoặc toàn bộ cho khối tư nhân theo cơ chế chuyển giao minh bạch.

Các cơ quan đã xây dựng một cơ chế chuyển giao hiệu quả nhằm giảm sự phụ thuộc đối với các khoản trợ giá, các cơ chế khen thưởng phải gắn chặt với số lượng hành khách sử dụng dịch vụ.

Trung Quốc triển khai thành công dịch vụ xe buýt theo yêu cầu. Với loại hình dịch vụ này, hành khách có thể chủ động định ra các tiêu chuẩn phục vụ, từ việc lập kế hoạch vận hành đến thiết kế tuyến, qua đó giúp đáp ứng đầy đủ mong muốn, nhu cầu di chuyển của họ.

Thông qua sử dụng nền tảng công nghệ thông tin, điện thoại viễn thông, điện thoại thông minh, xe buýt theo yêu cầu đặc biệt thu hút khách hàng và giúp tăng đáng kể số lượng hành khách sử dụng dịch vụ xe buýt ở Trung Quốc. Thành công của dịch vụ này phần lớn nhờ những nỗ lực của các cơ quan chức chính phủ trong việc đánh giá nhu cầu đi lại theo thời gian thực, dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, dịch vụ có tính linh động và tương tác cao thông qua bốn bước cơ bản (khảo sát đi lại, gọi cho khách hàng, đặt chỗ và mua vé).

Các nước châu Âu quản lý chặt chẽ hệ thống xe buýt

Tại Italia, các cơ quan quốc gia và địa phương phối hợp chặt chẽ trong quản lý vận tải xe buýt, trong đó Cơ quan Quốc gia về An toàn Giao thông Vận tải (ANSF) cùng với Cơ quan Đường bộ (Agenzia per la mobilità) chịu trách nhiệm chính. Bộ Cơ sở hạ tầng và Giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính sách và quy định liên quan đến vận tải hành khách đối với tất cả các phương tiện, bao gồm cả xe buýt.

Ngoài ra, các công ty vận tải tư nhân cũng tham gia vào việc cung cấp dịch vụ và quản lý vận chuyển hành khách, trong đó ATAC, ATM và GTT đang là những nhà cung cấp dịch vụ chính tại các TP lớn, như: Rome, Milan, Turin. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận tải hành khách, công nghệ tiên tiến đã được áp dụng cùng với đó là việc công bố rõ ràng, thường xuyên thông tin vận tải tại các trạm xe như: giá vé, lịch trình chuyến đi… Xe buýt thường kết nối với các phương tiện giao thông khác như: tàu hỏa, metro, giúp hành khách dễ dàng chuyển tiếp giữa các phương tiện.

Anh là một trong những quốc gia có hệ thống xe buýt phát triển nhất với việc vận chuyển lên đến 12 triệu lượt khách/ngày, chiếm 50% tổng số lượt vận tải công cộng.

Hệ thống xe buýt chủ yếu do nhà nước quản lý, đầu tư và phát triển. Khối tư nhân vẫn có thể tham gia, tuy nhiên cần phải đáp ứng một số điều kiện như phải có giấy phép vận hành (O), đáp ứng yêu cầu từ Ủy ban Giao thông địa phương.

Nhận thức được những ưu thế của xe buýt đối với việc vận chuyển hành khách, như: dễ tiếp cận và có chi phí phải chăng, Chính phủ Anh liên tục đầu tư đổi mới hệ thống, tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ cũng như tăng cường thêm phương tiện thân thiện môi trường để hạn chế khí thải.

Trong nỗ lực giảm thiểu lượng xe cá nhân, tăng sử dụng phương tiện công cộng, Chính phủ Anh đã hỗ trợ lên tới 250 triệu bảng Anh/năm cho các dịch vụ xe buýt. Chính sách này không chỉ tạo điều kiện cho các nhà vận hành giảm giá vé, thu hút thêm lượng hành khách mà còn giúp nâng cao chất lượng dịch vụ. Khoản hỗ trợ trên sẽ giao cho chính quyền địa phương để điều phối, hỗ trợ các dịch vụ xe buýt cần thiết trong khu vực.

Còn ở Pháp, hoạt động quản lý xe buýt là sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ T.Ư, chính quyền địa phương và các DN vận tải. Mỗi cấp chính quyền có trách nhiệm cụ thể, bảo đảm hệ thống xe buýt hoạt động hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong đó, các cơ quan T.Ư đặt ra các quy định chung về an toàn, chất lượng dịch vụ, bảo vệ môi trường và tiêu chuẩn kỹ thuật cho xe buýt.

Ngoài ra, những cơ quan này cũng cung cấp các hỗ trợ tài chính cho dự án xe buýt lớn, đặc biệt là các dự án liên quan đến công nghệ mới hoặc các khu vực có nhu cầu cao.

Các cơ quan địa phương lập kế hoạch phát triển mạng lưới mạng lưới xe buýt, xác định các tuyến đường, điểm dừng, tần suất chạy xe phù hợp với nhu cầu của từng khu vực. Những cơ quan này đóng góp vào chi phí vận hành, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các DN vận tải.

Bên cạnh đó, Chính phủ Pháp cũng hợp tác với các DN tư nhân để cung cấp các DN xe buýt. Các DN này chịu trách nhiệm về điều hành xe buýt, tuyển dụng nhân viên vào bảo dưỡng phương tiện.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cac-nuoc-quan-ly-chat-che-he-thong-xe-buyt.html