Các nước siết chặt biện pháp phòng dịch

Theo tin nước ngoài và TTXVN, giới chức Pháp cho biết, từ cuối tuần này sẽ có thêm một số vùng phải áp dụng các biện pháp siết chặt để phòng dịch Covid-19, trong đó có thủ đô Pa-ri và các khu vực lân cận, trong bối cảnh số ca mắc mới trong ngày tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 11-2020. 8,3% dân số Pháp đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin.

Theo tin nước ngoài và TTXVN, giới chức Pháp cho biết, từ cuối tuần này sẽ có thêm một số vùng phải áp dụng các biện pháp siết chặt để phòng dịch Covid-19, trong đó có thủ đô Pa-ri và các khu vực lân cận, trong bối cảnh số ca mắc mới trong ngày tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 11-2020. 8,3% dân số Pháp đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin.

* Chính phủ Ba Lan sẽ ban hành lệnh hạn chế mới trên toàn quốc, có hiệu lực từ ngày 20-3 đến 9-4, sau một tháng nới lỏng các biện pháp chống dịch. Thống kê cho thấy 52% những người mắc Covid-19 mới ở Ba Lan nhiễm biến thể phát hiện tại Anh.

* Chính phủ Nhật Bản lên kế hoạch nâng cấp hệ thống kiểm tra và giám sát để nhanh chóng phát hiện các biến thể mới của Covid-19. Sáng 18-3, nhóm chuyên gia cố vấn đã nhất trí với phương án của Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vì dịch ở thủ đô Tô-ki-ô và ba tỉnh lân cận khi biện pháp này hết hạn vào ngày 21-3 tới.

* Giới chức thủ đô Xơ-un của Hàn Quốc lên tiếng bảo vệ quyết định yêu cầu tất cả người lao động nước ngoài phải xét nghiệm Covid-19 và những trường hợp không tuân thủ sẽ bị phạt hàng nghìn USD.

* Chính phủ Mỹ sẽ chi 10 tỷ USD cho việc xét nghiệm Covid-19 tại các trường nhằm khuyến khích mở lại các lớp học trực tiếp. Đây là một phần trong gói cứu trợ mới của chính quyền Tổng thống G.Bai-đơn.

* Tân Bộ trưởng Y tế Bra-xin kêu gọi triển khai các chính sách phòng chống đại dịch dựa trên các cơ sở khoa học chắc chắn, đồng thời đề cập khả năng điều chỉnh chính sách ứng phó hiện nay. Hiện Bra-xin đang trải qua những tuần tồi tệ nhất vì dịch bệnh.

* Ủy viên Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách thị trường nội khối Th.Bre-tơn đã đánh giá cao vắc-xin Sputnik V của Nga và kêu gọi sản xuất vắc-xin này tại EU.

* Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị sử dụng vắc-xin của hãng Johnson & Johnson tại các quốc gia đang có biến thể mới của Covid-19 lây lan. Hiệu quả của loại vắc-xin tiêm một mũi này giúp giảm tới 66,9% các triệu chứng viêm nhiễm, ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng sau 14 ngày lên tới 76,7% và 85,4% sau ngày thứ 28.

* Theo nghiên cứu của các chuyên gia tại Viện Công nghệ Ma-xa-chu-xét (MIT), sóng siêu âm ở tần số chụp ảnh y tế thông thường có thể phá vỡ vỏ bọc và các gai prô-tê-in của vi-rút gây bệnh Covid-19 trong mô phỏng thí nghiệm. Dù còn phải nghiên cứu để xác định cách sử dụng sóng siêu âm tiêu diệt vi-rút, song các nhà khoa học tin tưởng sóng siêu âm có thể được sử dụng để ngăn chặn vi-rút.

* Bộ Y tế Pháp cho biết, xét nghiệm tiêu chuẩn PCR có thể không hiệu quả với biến thể mới của Covid-19 vừa được phát hiện tại vùng Bri-ta-ni của Pháp sau khi một số bệnh nhân có triệu chứng bệnh, nhưng lại có kết quả âm tính với Covid-19. Họ chỉ được phát hiện nhiễm bệnh sau khi xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm dịch sâu trong hệ hô hấp.

* Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn cho biết ông sẽ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 do hãng AstraZeneca của nước này sản xuất sau khi một số nước châu Âu ngừng tiêm loại vắc-xin này do quan ngại về độ an toàn. Bộ trưởng Y tế Anh cho biết, thời gian triển khai tiêm chủng tại Anh vẫn theo kế hoạch dù có thể bị gián đoạn về phân phối vắc-xin.

* Chi-lê đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho 49 người đồn trú tại căn cứ quân sự của nước này tại Nam Cực, đánh dấu sự hiện diện của vắc-xin tại điểm đặc biệt này. Chính phủ nước này cũng đặt ra mục tiêu năm triệu người, gần 33% dân số, được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin ngừa Covid-19.

* Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến ngày 18-3, trên thế giới có hơn 121,8 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 2,69 triệu ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi là hơn 98,2 triệu ca.

* Ngày 18-3, Liên hợp quốc cảnh báo dịch Covid-19 nhiều khả năng sẽ phát triển thành căn bệnh xuất hiện theo mùa, tuy nhiên khuyến cáo việc nới lỏng các biện pháp liên quan dịch bệnh không nên chỉ căn cứ vào các yếu tố khí tượng.

* Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, khu vực Mỹ la-tinh có thể bị thiệt hại tới 1.700 tỷ USD do hậu quả của cuộc khủng hoảng giáo dục bắt nguồn từ đại dịch, tác động tiêu cực tới năng suất và làm gia tăng tình trạng “nghèo đói trong học tập”.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/cac-nuoc-siet-chat-bien-phap-phong-dich-638960/