Các nước tăng áp lực lên Hamas để sớm có thỏa thuận ngừng bắn
Các nhà đàm phán đang rất nỗ lực để Israel và Hamas thống nhất thỏa thuận ngừng bắn càng sớm càng tốt, trong bối cảnh tình hình nhân đạo ở Gaza xấu báo động từng ngày.
Thương vong và khủng hoảng nhân đạo ở Gaza ngày càng tồi tệ sau gần nửa năm xung đột Israel-Hamas. Trước tình hình này, các nhà hòa giải quốc tế đang nỗ lực thúc đẩy các bên sớm thống nhất thỏa thuận ngừng bắn.
Tình hình Gaza xấu thêm từng ngày
Tại Dải Gaza, đã hơn 31.000 người thiệt mạng và hơn 73.000 người bị thương sau gần nửa năm xung đột. Hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trú ẩn tạm tại địa điểm của các cơ quan cứu trợ hoặc sống trong lều tạm, theo đài CNN.
Toàn bộ dân số khoảng 2,2 triệu người ở Gaza đang phải đối mặt “khủng hoảng hoặc mức độ mất an ninh lương thực trầm trọng”, theo Chương trình Lương thực Thế giới. Tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em ở khu vực này “cao hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới”.
Tình trạng thiếu lương thực đặc biệt tồi tệ ở phía bắc Dải Gaza - nơi Israel tập trung tấn công trong những ngày đầu của cuộc xung đột. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em trong khu vực bắc Gaza cao gấp 3 lần so với trẻ em ở nam Gaza.
Hôm 13-3, ông Jamie McGoldrick - điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc (LHQ) - cảnh báo nạn đói ở Gaza đã đến “mức độ thảm khốc”. Trong khi đó, bà Adele Khodr - giám đốc khu vực của văn phòng Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tại Trung Đông và Bắc Phi - cho biết “người dân đang đói, kiệt sức và bị tổn thương”. LHQ cảnh báo ít nhất 576.000 người ở Gaza đang đứng trước bờ vực nạn đói.
Chuyện đưa hàng viện trợ vào Gaza rất khó khăn và nhiều nước phải tìm đến đường hàng không, đường biển. Tuy nhiên các biện pháp này vừa thiếu an toàn vừa không thể thay thế vận chuyển qua đường bộ - phương thức vận chuyển bị Israel kiểm soát nghiêm ngặt.
Trong điều kiện khủng hoảng nhân đạo trầm trọng như trên, người dân Gaza vẫn phải đối mặt những cuộc không kích, những trận tấn công bất ngờ. Đã xảy ra nhiều vụ người dân Gaza trúng không kích và thiệt mạng khi đang chờ nhận thực phẩm cứu trợ.
Gấp rút thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn
Trước cuộc khủng hoảng nhân đạo rất nguy cấp ở Gaza, các nhà hòa giải quốc tế đã và đang rất nỗ lực để các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
Mới đây, tờ The Wall Street Journal dẫn lời một số quan chức Ai Cập cho biết nhà hòa giải các nước Ả Rập tăng áp lực lên Hamas, hy vọng sớm có được thỏa thuận ngừng bắn. Các nước hòa giải đã đe dọa trục xuất các lãnh đạo Hamas khỏi cơ sở của họ ở Doha (Qatar) nếu Hamas không sớm thống nhất ngừng bắn và thả con tin.
Trước áp lực này, hôm 14-3, Hamas đã đưa ra đề xuất mới cho thỏa thuận ngừng bắn, được đánh giá có phần hòa dịu hơn so với các đề xuất trước đây. Sau khi nhận được thông tin, phía Israel cho rằng đề xuất này là “nực cười” và “vô lý”, nhưng cho biết họ sẽ cử một nhóm đàm phán tới Qatar trong những ngày tới để tiếp tục đàm phán.
Kênh Channel News Asia dẫn lời một quan chức Israel giấu tên cho biết phía Israel ngày 18-3 đã cử một phái đoàn cấp cao tới Qatar để đàm phán với Hamas về việc ngừng bắn sáu tuần ở Gaza, với điều kiện Hamas thả 40 con tin Israel. Tờ The Times of Israel cũng đưa tin rằng phái đoàn Israel (do Giám đốc Cơ quan tình báo Mossad của Israel - ông David Barnea dẫn đầu) đã tới Doha (thủ đô Qatar) để đàm phán.
Trước những diễn biến mới nhất này, The Wall Street Journal cho rằng quan điểm của Israel và Hamas đang tiến đến mức gần nhau nhất trong nhiều tuần qua, làm gợi lên hy vọng về việc các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin trong thời gian tới.
Tuy nhiên, CNN dự đoán rằng các cuộc đàm phán sắp tới sẽ rất khó khăn. Trả lời CNN, ông Basem Naim - một thành viên cấp cao của văn phòng chính trị Hamas – cho biết: “Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất cứ điều gì ngoại trừ việc chấm dứt hành động quân sự ở Gaza, những người di tản được về nhà, Israel rút quân và cho phép Gaza tiếp nhận viện trợ nhân đạo”.
Mỹ nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn
Về phía Mỹ, nước này cũng nỗ lực hối thúc các bên sớm đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Gặp tại Nhà Trắng ngày 15-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cùng kêu gọi các bên trong xung đột Israel ngừng bắn “càng sớm càng tốt”.
Cùng ngày 15-3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ “đang làm việc tích cực với Israel, Qatar, Ai Cập để thu hẹp những khoảng cách còn lại và cố gắng đạt được thỏa thuận”.
Ngày 16-3, Ngoại trưởng Blinken đã gặp Thủ tướng Bahrain - ông Salman bin Hamad Al Khalifa tại thủ đô Manama (Bahrain) để thảo luận về việc thúc đẩy các bên trong xung đột Israel-Hamas sớm đi đến thỏa thuận.