Các nước Tây Balkan thất vọng trước tiến độ gia nhập EU
Các nước Tây Balkan cho rằng chính hành động đẩy nhanh tiến độ trao tư cách ứng viên cho Ukraine đang khiến các nước này có cảm giác bị đẩy ra ngoài cuộc.
Tại Kosovo - nơi đang mong mỏi được miễn thị thực du lịch tới Liên minh châu Âu từ năm 2010, một chủ nhà hàng đã dựng một mô hình bản sao của công trình Tháp Eiffel nổi tiếng nước Pháp để thực khách có thể chiêm ngưỡng.
Blerim Bislimi, chủ nhà hàng Te Anija vùng ngoại ô thủ đô Pristina, cho biết: “Chúng tôi đã dựng lên mô hình này như một hình thức an ủi cho những người không thể đến Paris”.
Câu nói đùa này đã thể hiện nỗi thất vọng của người dân thuộc 6 nước Tây Balkan gồm Albania, Bosnia, Kosovo, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia trước triển vọng gia nhập EU.
Sự chậm trễ và chần chừ trong việc chấp thuận 6 nước Balkan vào EU đã khiến các nhà lãnh đạo của Albania và Serbia cân nhắc không tham dự hội nghị thượng đỉnh Balkan-EU tổ chức vào ngày 23/6 tại Brussels.
Thủ tướng Albania Edi Rama đã bày tỏ nỗi thất vọng của mình trên mạng xã hội Twitter: “Chúng tôi sẽ tham dự cuộc họp của Hội đồng EU. Nhưng sẽ không có nhiều điều cần phải nghe đâu”.
Trong khi đó, tại Serbia – quốc gia lớn nhất khu vực, niềm hào hứng trở thành một thành viên của EU đã giảm mạnh. Theo số liệu của Ipsos công bố hồi tháng 4, có đến 44% người dân nước này phản đối việc gia nhập EU và chỉ có 35% ủng hộ.
Hãng tin Reuters tiết lộ trong một bản dự thảo tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh sắp tới, các nhà lãnh đạo EU sẽ một lần nữa đưa ra "cam kết đầy đủ và rõ ràng đối với quan điểm trở thành thành viên EU của các nước Tây Balkan”.
Tuy nhiên, các nước này lại cho rằng chính hành động đẩy nhanh tiến độ trao tư cách ứng viên cho Ukraine đang khiến các nước Tây Balkan cảm giác bị đứng ngoài cuộc, ngay cả khi 4 trên tổng số 6 nước, ngoại trừ Bosnia và Kosovo, đều đã là ứng viên gia nhập EU.
“Bắc Macedonia và Albania có quyền thất vọng”, Zvezdana Kovac tại tổ chức phi lợi nhuận “Phong trào châu Âu tại Serbia” ám chỉ đến tiến trình đàm phán đang bế tắc.
Năm 2020, Bulgaria – một thành viên EU - đã ngay lập tức dập tắt nổ lực đàm phán gia nhập liên minh của Bắc Macedonia khi hai quốc gia nảy sinh tranh chấp liên quan đến lịch sử và ngôn ngữ. Trong khi đó, Albania cũng phải đồng ý giải quyết mối quan hệ bất ổn kéo dài hàng thập kỷ với Hy Lạp về tên gọi để dọn đường trở thành thành viên EU.
Khi được hỏi về kết quả hội nghị thượng đỉnh sắp tới, các nhà ngoại giao EU đều trả lời không mong đợi bất kỳ một bước đột phá về tiến độ gia nhập của các nước Balkan.
Theo ông Kovac, việc trao tư cách ứng viên Ukraine mà không để ý đến tiến độ gia nhập của các nước Balkan mang “tín hiệu xấu” đối với khu vực.
Kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào 24/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đều đã đến thăm vùng Tây Balkan, nhấn mạnh sự ủng hộ nhưng không có bước đi cụ thể nào được thực hiện.
Ông Arton Demhasaj làm việc tại đơn vị giám sát chống tham nhũng Cohu có trụ sở tại Pristina cho biết: "Liên minh châu Âu không có chính sách mở rộng rõ ràng đối với Tây Balkan. Nếu các quốc gia mong muốn gia nhập EU bị chậm trễ, họ sẽ định hướng lại chính sách của mình và khi đó chúng ta sẽ chứng kiến mức độ gia tăng ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc ở các nước Tây Balkan”.