Các nước Thái Bình Dương lo ngại bị cuốn vào 'trò chơi địa chính trị' giữa Mỹ - Trung Quốc
Nhiều quốc gia ở Thái Bình Dương đã tỏ ra lo ngại khi cuộc tranh giành ảnh hưởng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực ngày càng gay gắt.
Trong bài bình luận trên trang web của Viện Lowvy, giáo sư Joanne Wallis thuộc Đại học Adelaide (Australia) đã nêu bật những rủi ro từ cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Theo bà, sẽ xuất hiện sự chia rẽ sâu sắc giữa các quốc gia trong khu vực và một cuộc “chạy đua xuống đáy” để giành viện trợ, hỗ trợ tài chính, giảm gánh nặng nợ nần. Điều này có nguy cơ dẫn đến tình trạng tham nhũng và bạo lực.
“Thách thức đối với các quốc đảo Thái Bình Dương trong những thập kỷ tới là phát huy quyền tự quyết của họ để duy trì sự tự chủ, bảo vệ lợi ích và tránh vướng vào cuộc cạnh tranh này”, Joanne Wallis nhận định.
Bình luận này phản ánh sự chú ý ngày càng gia tăng về ảnh hưởng của cuộc cạnh tranh đối với 14 quốc gia ở quần đảo Thái Bình Dương khi Mỹ và Trung Quốc chạy đua cấp vốn cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp vaccine ngừa Covid-19.
Hồi đầu tháng 6/2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo các nhà lãnh đạo ở Thái Bình Dương về “hành vi cưỡng ép kinh tế” mà giới phân tích coi là sự ngầm chỉ trích ảnh hướng của Trung Quốc trong khu vực. Cảnh báo này được đưa ra 1 tuần sau khi Bắc Kinh và lãnh đạo các quốc gia thuộc quần đảo Thái Bình Dương tiến hành đối thoại để thảo luận về việc hợp tác nhằm đối phó với đại dịch Covid-19 và chống biến đổi khí hậu.
Chiến lược “ăn mòn” của Trung Quốc
Theo Viện Lowy, Trung Quốc đã tăng cường ảnh hưởng tại Thái Bình Dương trong 1 thập kỷ qua, đầu tư gần 1,4 tỷ USD cho khu vực kể từ năm 2020. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với khoản đầu tư 6,6 tỷ USD của Australia – nhà tài trợ và đối tác lớn của Thái Bình Dương, cùng thời điểm.
Kể từ năm 2000, giá trị hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang quần đảo Thái Bình Dương đã tăng gấp 12 lần và giá trị hàng hóa nhập khẩu từ khu vực tăng từ 45 triệu USD năm 2005 lên tới 400 triệu USD vào năm 2017. Trái lại, kim ngạch thương mại của Australia với khu vực đã giảm dần, dù trong những năm gần đây, Canberra đã cố gắng thúc đẩy quan hệ, trong đó có việc cung cấp vaccine và tăng cường hợp tác an ninh với các nước Thái Bình Dương thông qua các cuộc tập trận chung.
Một số phương tiện truyền thông của Australia đưa tin, Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự trên khắp khu vực, trong đó có Quần đảo Vanuatu, Solomon and Kiribati, song hầu hết các chuyên gia an ninh đều cho rằng điều này sẽ khó xảy ra. Báo cáo của Đại học Quốc gia Australia công bố đầu năm 2021 cho thấy, hoạt động quân sự của Trung Quốc vẫn chỉ giới hạn ở việc đào tạo, tài trợ, thăm cảng và nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, có một mối lo ngại khác cấp bách hơn, đó là sự thèm khát của Bắc Kinh đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Thái Bình Dương. Tờ Guardian cho biết, Trung Quốc đã tiếp nhận hơn một nửa sản lượng khoáng sản, gỗ và thủy sản xuất khẩu của khu vực vào năm 2019 với tổng giá trị khoảng 3,3 tỷ USD – con số mà các chuyên gia mô tả là “cao một cách đáng kinh ngạc”.
Theo đánh giá, khối lượng tài nguyên mà Bắc Kinh nhập khẩu từ Thái Bình Dương nhiều hơn so với khối lượng của 10 quốc gia nhập khẩu khác cộng lại. Việc khai thác ồ ạt các nguồn tài nguyên đang khiến môi trường bị tàn phá trên diện rộng, khiến các dòng sông bị nhiễm độc và diện tích rừng bị co hẹp đáng kể, làm suy giảm an ninh lương thực, ảnh hưởng đến đời sống xã hội và sức khỏe của các cộng đồng dân cư.
Sửa chữa sai lầm
Nhận thức được vấn đề nghiêm trọng nêu trên, một số quốc gia tại quần đảo Thái Bình Dương đã tìm cách sửa chữa sai lầm. Samoa – một trong những quốc gia mắc nợ nhiều nhất trên thế giới, với số nợ Trung Quốc tương đương 20% Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP), đã quyết định dừng dự án phát triển cảng biển trị giá 100 triệu USD mà nước này ký kết với Trung Quốc dưới thời cựu Thủ tướng Tuilaepa Sailele Malielegaoi.
Renate Rivers – biên tập viên của báo Samoa Observer cho biết, quyết định của Thủ tướng đắc cử Samoa Fiame Naomi Mata'afa hủy bỏ dự án này cho thấy bà đã chú ý đến những lời cảnh báo trong khu vực về việc hợp tác với Bắc Kinh. Tuy vậy, ông Renate Rivers cũng đặt câu hỏi liệu Samoa có rơi vào tình trạng thiếu kinh phí hay không nếu nước này từ bỏ sự hỗ trợ tài chính của Trung Quốc.
“Có rất nhiều câu hỏi về việc chính phủ mới của bà sẽ tài trợ cho các dự án này như thế nào khi theo đuổi đường lối khác với chính phủ tiền nhiệm”.
Hồi đầu tháng 6, Reuters dẫn các nguồn tin cho biết, một dự án do Ngân hàng Thế giới (WB) đứng đầu đã dừng đấu thấu hợp đồng đặt các tuyến cáp ngầm ở Thái Bình Dương sau khi Mỹ cảnh báo sự tham gia của một công ty Trung Quốc trong dự án này có thể gây ra các mối đe dọa về an ninh. Tuyến cáp này được thiết kế để cải thiện thông tin liên lạc ở các quốc đảo Nauru, Kiribati và Liên bang Micronesia (FSM), bằng cách cung cấp cơ sở hạ tầng dưới nước với dung lượng dữ liệu lớn hơn nhiều so với vệ tinh. Trong quá trình đấu thầu năm 2020, Mỹ cảnh báo các công ty Trung Quốc gây ra mối đe dọa an ninh vì cho rằng họ bị buộc phải hợp tác với các cơ quan tình báo và an ninh của Bắc Kinh. Phía Trung Quốc đã phủ nhận cáo buộc này.
Robert Potter, chuyên gia an ninh mạng thường xuyên làm việc với chính phủ Australia đánh giá, dự án cáp ngầm này có thể mang lại lợi ích cho các quốc đảo song nó cũng có “những chi phí ẩn”, do phụ thuộc vào các khoản vay từ nước ngoài và hạn chế về năng lực quản lý cơ sở hạ tầng.
Ông Robert Potter cho rằng, các quốc gia Thái Bình Dương trở nên cảnh giác với dự án này không chỉ bởi cảnh báo từ Mỹ và còn do “nghi ngờ về chất lượng và thiếu sự tin tưởng”. “Các dự án quy mô lớn ở Thái Bình Dương cho đến nay vẫn chưa giúp giảm kinh phí và chưa thực sự mang lại những lợi ích như đã cam kết, ngay cả khi những dự án đó có sự tham gia của Mỹ hay Australia”.
Trước cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Henry Puna, Tổng thư ký Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) cho rằng, các nước trong khu vực không nên để “trò chơi địa chính trị” giữa hai cường quốc chi phối.
“Mặc dù Mỹ và Trung Quốc thực hiện rất nhiều động thái nhằm gia tăng sự kết nối với Thái Bình Dương, nhưng chúng tôi vẫn luôn để ngỏ sự hợp tác với các đối tác sẵn sàng làm việc cùng chúng tôi. Đây cũng chính là ưu tiên của chúng tôi”.
Bà Sandra Tarte, giám đốc chương trình các vấn đề quốc tế và chính trị tại Đại học Nam Thái Bình Dương ở thủ đô Suva của Fiji, lưu ý, bối cảnh địa chính trị hiện tại đặt ra những thách thức lớn nhưng cũng mang lại cơ hội giúp các quốc đảo Thái Bình Dương tận dụng được sự hỗ trợ và các nguồn lực bên ngoài. Theo bà Sandra Tarte, điều quan trọng là các nước phải đoàn kết với nhau để đối phó với thách thức chung.
“Nếu các nước trong khu vực đoàn kết với nhau, họ có thể chống lại chiến thuật “chia để trị” của các cường quốc bên ngoài, cũng như thúc đẩy chương trình nghị sự và lợi ích chung, chẳng hạn như phát triển ngư nghiệp hoặc đối phó biến đổi khí hậu”./.