Các nước tham gia đàm phán RCEP nỗ lực đưa Ấn Độ quay trở lại
Các nước ASEAN tham gia đàm phán đang tìm cách thuyết phục Ấn Độ quay trở lại, tuy nhiên, một số nước tỏ ý vẫn sẵn sàng ký kết bản thỏa thuận chỉ có 15 quốc gia.
Ngày 23/6, Bộ trưởng thương mại các nước châu Á-Thái Bình Dương tham gia đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã có cuộc họp trực tuyến với trọng tâm bàn thảo về khả năng đưa Ấn Độ trở lại lộ trình đàm phán.
Các cuộc đàm phán về RCEP - một hiệp định thương mại tự do dự kiến sẽ giúp hạ bớt thuế quan và đặt ra các quy tắc về đầu tư, sở hữu trí tuệ cho một khu vực chiếm khoảng 30% nền kinh tế toàn cầu và một nửa dân số thế giới - đã bắt đầu kể từ năm 2013.
Song các nước thành viên đã nhiều lần không đạt được đúng thời hạn để ký kết một thỏa thuận sau cùng.
Tại hội nghị thượng đỉnh tổ chức hồi tháng 11/2019, 15 nước tham gia đàm phán - gồm 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand - đã nhất trí nỗ lực đi đến ký kết thỏa thuận vào cuối năm 2020.
Tuy nhiên, Ấn Độ - nước vốn không sẵn sàng mở cửa thị trường do lo ngại thâm hụt thương mại với Trung Quốc gia tăng - đã không tham dự các cuộc đàm phán sau đó.
Các nước ASEAN tham gia đàm phán đang tìm cách thuyết phục Ấn Độ quay trở lại, tuy nhiên, một số nước tỏ ý vẫn sẵn sàng ký kết bản thỏa thuận chỉ có 15 quốc gia bất chấp một số bên sẵn sàng ký kết một thỏa thuận chỉ bao gồm 15 nước.
Chiếm khoảng 30% tổng GDP toàn cầu và một tỷ lệ tương đương về dân số, RCEP 15 vẫn là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới và tác động của nó vượt ra khỏi tầm khu vực.
Khi được thực thi, RCEP sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho tất cả 15 nước thành viên.
Theo ước tính, tăng trưởng GDP của 15 nước thành viên sẽ đạt 137 tỷ USD, khoảng 80% con số kỳ vọng khi khối có đủ 16 thành viên ban đầu là 171 tỷ USD./.